MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện bé như móng tay thôi, nhưng cần lắm cuộc gọi nóng của Thủ tướng

Chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị dừng vụ việc khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào” như một lời cảnh báo về môi trường kinh doanh đang còn nhiều bất cập như hiện nay.

Câu chuyện, tưởng là “bé như móng tay” theo lời của Phó Giám đốc Công an TPHCM trong vụ việc khởi tố hình sự đối với chủ quán “Xin Chào” đã không còn đúng như lời của vị lãnh đạo cơ quan này. Bởi lẽ, vụ việc này xem ra chỉ như một “giọt nước làm tràn ly” khi nói về chuyện có đến hàng nghìn giấy phép con đang bủa vây làm cản trở, giăng bẫy người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Và câu chuyện cũng không còn là “bé như móng tay”, khi mà cả Quốc hội và Chính phủ đều lên tiếng chỉ đạo đối với vụ việc này. Ngay trong sáng nay, giữa lúc các cơ quan liên quan chỉ đạo khởi tố hình sự ông chủ quán “Xin Chào”, đích thân Thủ tướng đã có cuộc gọi nóng cho Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra vụ án này và làm rõ trách nhiệm liên quan.

Quốc hội, Chính phủ vào cuộc mạnh mẽ và gần dân hơn

Đặc biệt, người phát ngôn của Chính phủ ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở. Nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ”.

Cùng với đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng trả lời trên báo chí rằng đã yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tại TPHCM rút hồ sơ, xem xét và làm rõ sự việc khởi tố chủ quán vì tội “kinh doanh trái phép”.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ để giải quyết một vụ việc, tưởng rằng bé như bàn tay, được xem là thông tin tích cực. Đặc biệt trong bối cảnh điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh đang có nhiều bất cập khi hàng loạt những giấy phép con, những điều kiện kinh doanh bị ban hành đang “trói” chân và giăng bẫy người dân và doanh nghiệp, thì DN cũng như người dân mong chờ hơn những hành động thiết thực như vậy.

Cần hạn chế các giấy phép con

Báo cáo tới Chính phủ tại phiên họp vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện đang có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư.

Tuy nhiên, khi “chốt sổ” kết quả thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2015, có tới 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền. Tỷ lệ số "giấy phép con" này chiếm tới 48,6% tổng số các loại "giấy phép" hiện nay.

Đáng chú ý, trong số trên, có nhiều loại giấy phép con ra đời ngay cả sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành. Cụ thể, Điều 7 Luật này đã quy định rõ, các loại điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ được quy định ở Luật, pháp lệnh và Nghị định.

Nghĩa là, chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có đủ thẩm quyền để ban hành các điều kiện này. Các Bộ khi ban hành Thông tư hướng dẫn, các Quyết định hay công văn điều hành sẽ không được đưa ra nội dung về điều kiện kinh doanh.

Định hướng cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi và thông thoáng nhất cho người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình đã được đưa ra. Và ngay khi nhậm chức, Chính phủ hình thành nên bộ máy lãnh đạo với nhiều gương mặt mới, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất quyết liệt khi nhấn mạnh: Cần phải cải cách thể chế và loại bỏ ngay những rào cản, cản trở môi trường đầu tư kinh doanh.

Một cuộc gọi của Thủ tướng, có lẽ không chỉ như một lời cảnh báo cho những cơ quan cấp dưới trong việc thi hành pháp luật, đặt ra những rào cản và điều kiện, giấy phép con làm cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, mà còn như một cơn mưa dội vào lòng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ hãy mở rộng cánh cửa để hỗ trợ DN trong lúc khó khăn như tên gọi của quán cà phê "Xin Chào", và cũng cần phải mạnh tay hơn để tạo một môi trường thực sự thoang thoáng, cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên