MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi mô hình sang taxi công nghệ không có nghĩa từ lỗ thành lãi

Như Lao Động đã đưa tin, sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có động thái gửi văn bản lên các cơ quan chức năng đề nghị được giải đáp về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh vận chuyển sang taxi công nghệ, phía Grab – một đối thủ rất nặng kí của taxi truyền thống – đã ra thông cáo “hoan nghênh”.

Khi đối thủ… hoan nghênh đối thủ

Văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng giải đáp các thắc mắc một khi doanh nghiệp thuộc hiệp hội muốn chuyển đổi mô hình hoạt động sang taxi công nghệ, tức vận chuyển dưới 9 chỗ theo hợp đồng điện tử. Các vấn đề được quan tâm muốn giải đáp như thủ tục về chuyển đổi, hình thức đóng thuế, hợp đồng lao động…

Điều lạ là, sau dư luận về văn bản của Hiệp hội taxi Hà Nội, phía Grab lại phát đi phát ngôn… "hoan nghênh kiến nghị này của Hiệp hội Taxi Hà Nội".

Theo Grab, "Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội".

Cần nhớ rằng, mô hình taxi công nghệ tại Việt Nam hiện nay trên danh nghĩa mới được cho phép hoạt động thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016 của Bộ Giao thông Vận tải (gọi tắt là Đề án 24).

Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng nên tạo ra "sân chơi" công bằng bằng cách cho phép các doanh nghiệp taxi truyền thống được phép chuyển đổi mô hình hoạt động sang phương thức vận chuyển hành khách (dưới 9 chỗ ngồi) theo hợp đồng điện tử như Grab để được hưởng các ưu đãi về thuế.

Chuyển đổi mô hình sang taxi công nghệ không có nghĩa từ lỗ thành lãi - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, Grab hiện đang là hãng taxi công nghệ chiếm thị phần lớn nhất. Ảnh: ANTĐ.

Cụ thể, mức thuế giá trị gia tăng mà Grab (cũng như Uber trước đây) phải nộp là 3% doanh thu và mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 2% doanh thu. Cùng với đó, Grab thu hộ thuế từ đối tác tài xế phải đóng cho nhà nước là 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân.

Trong khi đó, doanh nghiệp taxi truyền thống hiện đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên lợi nhuận cùng với thuế giá trị gia tăng (10% theo phương pháp khấu trừ hoặc 3% theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng).

Thị trường taxi công nghệ không dễ "ăn"

Theo phân tích của nhà báo chuyên viết về công nghệ Phạm Hồng Phước, việc taxi truyền thống có chuyển đổi mô hình kinh doanh sang taxi công nghệ không có nghĩa là sẽ giúp chuyển lỗ thành lãi hay từ lãi ít sẽ lãi được nhiều hơn…

"Hiện nay trên thế giới, chưa có hãng taxi công nghệ nào có lãi. Họ đang "đốt" tiền để thu hút người dùng, tập hợp dữ liệu khách hàng, kêu gọi đầu tư để nâng cao giá trị doanh nghiệp. Vậy taxi truyền thống đang khó khăn liệu có nhiều tiền để "đốt" hay không?", nhà báo Phạm Hồng Phước đặt vấn đề.

Ở một góc nhìn khác, thị trường taxi và xe ôm công nghệ tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh quyết liệt. Trên thực tế, rất nhiều hãng taxi truyền thống tại Việt Nam đã tung ra ứng dụng đặt xe nhưng cuối cùng đều rất ít người dùng.

Chuyển đổi mô hình sang taxi công nghệ không có nghĩa từ lỗ thành lãi - Ảnh 2.

Thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt. Ảnh minh họa/nguồn: Getty.

Theo ông Phước, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh không tạo ra phép màu mà quan trọng là tạo ra một nền tảng công nghệ chất lượng có khả năng kết nối tốt và mở rộng cao, cùng với đó là thu hút được người dùng và quan trọng nhất là tư duy vận hành và phát triển kinh doanh trên nền tảng đó.

Thực tế cho thấy taxi công nghệ khi đã xây dựng được một nền tảng lớn và vững chắc, họ sẽ không ngừng mở rộng nhiều dịch vụ mới theo mô hình "siêu ứng dụng" có tính toán chiến lược rõ ràng để phát triển.

Vì vậy, nếu chỉ chuyển đổi mô hình từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ chỉ nhằm để hưởng lợi về thuế, các hãng taxi truyền thống sau chuyển đổi sẽ rất khó có thể cạnh tranh và trụ vững được trên thị trường taxi công nghệ.

Theo Thế Lâm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên