MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện "đổi riêng tư lấy thuận tiện" và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ "quyền lực" của giới công nghệ

Dù thế nào, việc cạnh tranh với các công ty Mỹ - những tay lão luyện trong việc chiếm lĩnh lòng tin toàn cầu sẽ không bao giờ dễ dàng.

Ở sân bay, quán cafe, nhà hàng, trung tâm thương mại,... có muôn vàn thương hiệu sẵn sàng cung cấp cho bạn wifi miễn phí, nhưng họ sẽ yêu cầu bạn cung cấp tên tuổi, email, số điện thoại,... ít nhất là vậy. Đôi khi họ còn yêu cầu bạn thực hiện một khảo sát nho nhỏ, vẫn quá đơn giản đúng không? Có lẽ bạn cũng đã quen với việc nhận được cuộc gọi từ các bạn telesale bất động sản, các khóa học tiếng Anh, dịch vụ, và có thể bạn nghĩ rằng kể cả ngay bây giờ có bắt đầu ý thức về việc bảo mật thông tin cá nhân, thì cũng không còn kịp nữa.

Hoặc cũng có thể nhiều người sẽ nghĩ: "Thông tin của mình thì có gì để mà người khác phải theo dõi. Mình có làm gì phạm pháp đâu mà sợ?".

Trên thực tế, không chỉ là Facebook, khi CEO của công ty này đã phải tham gia điều trần trước Quốc hội Mỹ về "Sự riêng tư trên Facebook, Truyền thông xã hội và Việc sử dụng và dụng dữ liệu", hay là Huawei - công ty bị Mỹ cáo buộc là "gián điệp" của chính phủ Trung Quốc, tất cả các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều có khả năng "lắng nghe" bạn mỗi ngày. 

Những ai có thể "theo dõi" bạn?

Ai là người hiểu rõ người tiêu dùng toàn cầu muốn mua gì nhất? Không phải Google, mà chính là Amazon. Theo một thống kê gần đây, 55% người tìm kiếm thông tin sản phẩm lên thẳng Amazon, trong khi chỉ có 20% tìm kiếm qua Google.

Chuyện đổi riêng tư lấy thuận tiện và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ quyền lực của giới công nghệ - Ảnh 1.

Alexa - hệ thống trí tuệ nhân tạo của Amazon được thiết kế như một trợ lý ảo, cho phép người dùng sử dụng giọng nói để ra lệnh mở nhạc, lướt web và hỏi đáp. Ví dụ, người tiêu dùng nói "Alexa, bỏ hàng hóa abc vào giỏ hàng". Càng sử dụng, Alexa càng hiểu thói quen tiêu dùng của họ hơn. Người tiêu dùng nhận được sự thoải mái, tiện lợi và nhanh chóng, tin tưởng Amazon nhiều đến mức cho phép Alexa nghe và hiểu được những cuộc nói chuyện và thu thập dữ liệu hành vi, tâm lý mua sắm của mình.

"Những thông tin này cho phép, Amazon phân tích sâu hơn cuộc sống riêng tư và những ước muốn về tiêu dùng của khách hàng nhiều hơn bất kỳ công ty bán lẻ nào. Có khi có tiền cũng không mua được" - Scott Galloway, giáo sư khoa Kinh doanh Stern - Đại học New York đánh giá.

Google thì sao? Google biết mọi thứ, vì thế chúng ra sẵn sàng chia sẻ mọi thắc mắc với Google. Từ những câu hỏi về chẩn đoán bệnh tật, cho tới những thắc mắc rất thầm kín như: "làm thế nào để biết chồng bạn ngoại tình?" hay "dấu hiệu của việc mang thai".

Chuyện đổi riêng tư lấy thuận tiện và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ quyền lực của giới công nghệ - Ảnh 2.

"Bằng những câu hỏi, chúng ta đã thú nhận nhiều thứ với Google, những thứ mà chúng ta không giám chia sẻ với linh mục, giáo sĩ, mẹ cha, bạn thân hay thậm chí là cả bác sĩ - chúng ta giãi bày với Google với mức độ và tần suất mà bất cứ một người bạn nào của ta cũng phải ganh tị, không cần biết Google có hiểu hết được hay không" - Scott Galloway viết.

Cái hay của Facebook là bạn không chỉ có thể đăng thông tin của mình lên đó, mà còn có thể "tô vẽ" chúng theo cách mà bạn muốn, chọn những lát cắt đẹp đẽ nhất để công khai, vì thế bạn làm điều đó một cách rất tự nguyện, mà không bị ai ép uổng.

Rộng hơn, tất cả những ứng dụng, những thiết bị mang lại sự thuận tiện cho ta, đều yêu cầu ta phải cung cấp cho họ thông tin để có thể làm điều đó. Amazon cần biết bạn muốn mua gì, Google cần biết bạn muốn biết gì và Facebook cần biết bạn của bạn là ai, các ứng dụng thanh toán điện tử sẽ biết bạn chi tiền vào đâu, dịch vụ vận chuyển sẽ biết bạn đang đi đâu,... và đôi khi, bạn còn sẵn sàng cho họ biết nhiều hơn thế.

Nếu họ theo dõi thì bạn có từ chối họ không?

Các công ty công nghệ có khả năng thu thập thông tin của bạn là điều mà ta đã rõ, họ sử dụng các thông tin này để quảng cáo nhắm mục tiêu cũng là điều ta đã biết, cái chính là họ có bán các thông tin này cho một bên thứ ba hay không, hoặc thậm chí là cung cấp cho chính phủ hay không.

Ngày 5/12/2018, Quốc hội Anh đã công bố tài liệu dài 250 trang tiết lộ những thỏa thuận của bộ phận cấp cao Facebook với các công ty bên thứ ba về quyền sử dụng dữ liệu người dùng. 

Chuyện đổi riêng tư lấy thuận tiện và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ quyền lực của giới công nghệ - Ảnh 3.

New York Times tố cáo: “Facebook cho công cụ tìm kiếm Bing xem tên của tất cả bạn bè của người dùng Facebook mà không được sự cho phép, các chương trình ghi âm, cho Netflix và Spotify khả năng đọc tin nhắn riêng tư người dùng”.

Trước cáo buộc này, Facebook khẳng định đã “hợp tác với các công ty khác để mọi người có thể sử dụng Facebook trên các thiết bị và nền tảng mà bản thân chúng tôi không hỗ trợ. Không như game, nghe nhạc theo yêu cầu hay các ứng dụng thứ ba khác, cung cấp trải nghiệm độc lập với Facebook, các đối tác này chỉ cung cấp một số tính năng Facebook cụ thể và không thể xem thông tin cho mục đích cụ thể”, ông Steve Satterfield, Giám đốc Chính sách công và quyền riêng tư của mạng xã hội cho biết.

Tháng 12/2015, Syed Rizwan Farook - một nhân viên y tế 28 tuổi đã cùng vợ thực hiện một cuộc khủng bố giết chết 14 người và gây thương tích nghiêm trọng cho 21 người. 4 tiếng sau, cả hai kẻ thủ ác đã bị bắn chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát. FBI thu thập chiếc iPhone của người chồng, yêu cầu Apple bẻ khóa để điều tra, và Apple đã từ chối. Apple đã đệ đơn phản hồi gồm 65 trang trình tòa án với nội dung cho rằng những yêu cầu của tòa án và FBI là vi phạm quyền hiến pháp của công ty.

Việc Facebook cung cấp dữ liệu người dùng cho Netflix hay Airbnb có khiến bạn từ bỏ sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh? Việc Apple từ chối cung cấp thông tin cho FBI là sai hay đúng? Có lẽ cuộc tranh cãi về những vấn đề này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Nhưng phải thừa nhận, bất chấp những vụ bê bối về bảo mật thông tin, thì niềm tin của người dùng vẫn là đủ lớn, để duy trì quyền lực của những công ty này, vì họ mang lại cho bạn sự thuận tiện khó cưỡng.

Cái khó của những "gã khổng lồ" Trung Quốc

Không thể phủ nhận sự thành không của Alibaba, Wechat, và Huawei tại thị trường Trung Quốc.

Nếu xét về mặt kích cỡ thị trường, không một công ty nào có thể quản lý nhiều giao dịch bán lẻ hơn Alibaba, chiếm 63% tổng doanh số bán lẻ Trung Quốc và 54% tổng hàng hóa đóng chuyển qua bưu điện tại thị trường này. Alibaba cũng đang sở hữu 600 triệu người dùng, biến lễ độc thân không ai để ý tới thành ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất hành tinh.

Wechat chỉ mất 18 tháng từ ngày ra mắt để cán mốc người dùng thứ 100 triệu, và đến nay đã sở hữu hơn 1,1 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc. Để không ngừng mở rộng kinh doanh, các ứng dụng tích hợp giúp WeChat trở thành nền tảng lớn đầu tiên cung cấp dịch vụ thay thế cho App Store từ Apple.

Chuyện đổi riêng tư lấy thuận tiện và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ quyền lực của giới công nghệ - Ảnh 4.

Huawei, năm 2012 đã vượt qua Ericsson trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2018, họ vượt qua Apple trở thành công ty sản xuất smartphone lớn thứ hai. Tính đến cuối năm 2018, Huawei đã bán được 200 triệu smartphone. Họ xây dựng hơn 1.500 mạng viễn thông trên toàn cầu, cung cấp dịch vụ mạng tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ khoảng 3 tỷ người dùng.

Tuy nhiên, từ lâu, Alibaba đối mặt với nhiều cáo buộc về điều kiện lao động khắc nghiệt, quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, Wechat và Huawei là vấn đề bảo mật hay chính phủ can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng một thương hiệu giá trị toàn cầu, vì người tiêu dùng Trung Quốc tin họ, nhưng ngoài Trung Quốc thì không. 

"Rõ ràng, thương hiệu cha "made in China" đã làm thương hiệu con Alibaba không được chào đón lắm trên thế giới" - Scott nhận xét.

Chuyện đổi riêng tư lấy thuận tiện và cái khó của Huawei, Alibaba, Tencent,... trong việc bước chân vào hàng ngũ quyền lực của giới công nghệ - Ảnh 5.

Bị Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể (các công ty Mỹ không thể bán hoặc chuyển giao công nghệ cho Huawei mà không có giấy phép do Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) cấp), Huawei chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc tự phát triển hệ điều hành - HarmonyOS, nhưng có thực sự thay thế được Android hay không thì vẫn còn là một ẩn số.

Công ty này đã chọn cách chuyển hướng lấy lòng phía châu Âu bằng công nghệ 5G và khẳng định sẵn sàng tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU vào tất cả các quy trình kinh doanh.

Rui Luis Aguiar, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Networld2020 - Nền tảng Công nghệ Châu Âu cho các mạng và dịch vụ truyền thông nói tại Thượng Hải: "Các nhà cung cấp khác cũng có khả năng thu thập thông tin của tôi, và dĩ nhiên là Huawei cũng có khả năng làm điều đó, nhưng tôi cũng nói rằng, tôi không thấy có bằng chứng nào cho việc đó. Nếu Mỹ có thể cung cấp bằng chứng, tôi rất sẵn lòng được biết".

Dù thế nào, việc cạnh tranh với các công ty Mỹ - những tay lão luyện trong việc chiếm lĩnh lòng tin toàn cầu sẽ không bao giờ là dễ dàng.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên