MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra điểm vừa thừa, vừa thiếu trong dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành ô tô

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô hiện nhận được nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung.

Từ ngày 1/1/2017, Luật đầu tư sửa đổi bổ sung đã thay thế danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 luật đầu tư 2014. Theo đó danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam hiện còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sản xuất, kinh doanh ô tô là một trong số những ngành nghề này.

Trách nhiệm bảo hành: Vừa thừa vừa thiếu

Trách nhiệm bảo hành chung được dự thảo quy định tại điều 4. Cụ thể như sau:

Điều 4. Trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng ô tô

Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải thực hiện chế độ bảo hành, bảo dưỡng ô tô như sau:

1. Thực hiện trách nhiệm bảo hành ô tô theo Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Cung cấp cho người tiêu dùng giấy (sổ) bảo hành ô tô có thời hạn tối thiểu 03 năm hoặc 100.000 km tùy điều kiện nào đến trước, công bố nội dung công việc thực hiện và chu kỳ bảo dưỡng, ghi rõ địa chỉ cơ bảo hành, bảo dưỡng được cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

3. Việc bảo hành, bảo dưỡng đối với tất cả ô tô do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được thực hiện bởi các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có đủ năng lực theo quy định tại Nghị định này.

Tuy nhiên theo chuyên gia Phan Minh Châu bình luận trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, quy định này vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì các hãng ô tô có chế độ bảo hành không nhất thiết phải giống nhau (ở mọi quốc gia, mọi địa phương). Thậm chí, chế độ bảo hành của một hãng có thể còn thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố, như có khuyến mãi hay không.

Chuyên gia này cho rằng việc áp đặt thời hạn tối thiểu ba năm là sự trói buộc không cần thiết, phi thị trường. Thay vào đó nên để hãng ô tô tự đề ra thời hạn bảo hành ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng cạnh tranh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Thiếu vì nếu đã quy định đến mức cụ thể như vậy thì vẫn cần phải quy định thêm các chi tiết khác trong giấy bảo hành này cho đồng bộ, như loại phụ tùng, vật liệu, dịch vụ nào được bảo hành miễn phí, điều kiện được miễn phí.

Quy định chi tiết về bảo hành, bảo dưỡng đối với các nhà nhập khẩu cũng đem đến nhiều băn khoăn cho người trong ngành. Khoản a mục 1 điểu 21 quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tuấn, giám đốc công ty TNHH Thiên An Phú , một nhà nhập khẩu nhỏ lẻ cho biết ngoài xây dựng cơ sở bảo hành theo quy định của cục đăng kiểm Việt Nam, họ còn cam kết bảo hành chính hãng cho người mua bằng việc liên kết. Những chi phí này đều được nhà nhập khẩu chi trả hết.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng điều này là không cần thiết. Để tiết giảm chi phí, các nhà nhập khẩu có thể ủy quyền, liên kết cho các nhà nhập khẩu chính hãng thay vì sở hữu một cơ sở như trong dự thảo Nghị định miễn là quyền lợi của người tiêu dùng vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên đại diện từ những hãng như Audi, Toyota lại cho rằng việc sửa chữa không uy tín có thể gây nhiều tổn hại cho người tiêu dùng như phụ tùng giả, ảnh hưởng tới an toàn của xe. Ngoài ra việc sửa chữa với những xe từng dùng phụ tùng giả, không đảm bảo mất rất nhiều thời gian, chi phí cho các hãng.

Quy định về nhân sự quản lý trói buộc

Về nhân sự và tổ chức bộ máy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp được quy định tại Điều 9, cụ thể gồm:

1. Doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.

2. Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô phải tốt nghiệp đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 05 năm trở lên.

Tuy nhiên chuyên Phan Minh Châu bình luận, quy định này là thừa vì đương nhiên là để sản xuất, lắp ráp ô tô thì một điều sơ đẳng, doanh nghiệp phải tổ chức và có những người quản lý, điều hành hoạt động.

Hay quy định người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô phải tốt nghiệp đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô năm năm trở lên. Theo ông, điều này trói buộc và khắt khe một cách không cần thiết.

Điều cần nhất ở người quản lý, dù trong hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô là khả năng tổ chức, điều hành công việc chứ không phải là khả năng biết rành rẽ về kỹ thuật. Người này không nhất thiết phải am hiểu tường tận về ốc vít, động lực học như một kỹ sư cơ khí. Trên hết, tự doanh nghiệp biết cần phải bố trí người quản lý là ai, thế nào cho phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.

Theo Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên