MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia hàng không nói gì về việc nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không cần tốn nhiều tiền?

Nếu đổi mới quy trình, áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới để năng cao năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, hiệp đồng phối hợp khai thác,... công suất sân bay Tân Sơn Nhất có thể nâng lên nhưng không tốn nhiều tiền.

Ông Lương Hoài Nam (nguyên Tổng giám đốc Jetstar) cho rằng, mỗi 2 phút lại có một chuyến bay cất, hạ cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng vào khung giờ cao điểm thời gian giãn cách giữa các chuyến cất, hạ cánh chỉ còn 1,5 phút/chuyến. Điều này đã giúp nâng số chuyến bay được tiếp nhận trong mỗi giờ lên con số 42.

“Nếu tính bình quân 24 giờ/ngày, Tân Sơn Nhất đang phục vụ cỡ 30 chuyến/giờ, tức 2 phút/chuyến. Nhưng số lượng các chuyến bay phân bổ không đều, có giờ cao điểm, giờ thấp điểm. Ở các khung giờ cao điểm, Tân Sơn Nhất đang phục vụ 38 - 40 - 42 lần cất, hạ cánh, tức cỡ 1,5 phút/chuyến giờ cao điểm.” – ông Lương Hoài Nam chia sẻ trên trang cá nhân.

Theo ông Nam, bằng các giải pháp đồng bộ để tăng số lần cất, hạ cánh trong ở Tân Sơn Nhất lên, hy vọng mỗi phút sẽ có một chuyến bay cất, hạ cánh. Như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất có thể tiếp nhận 60 chuyến bay chỉ trong vòng 1 giờ.

Thực tế, khoảng giãn cách giữa các chuyến cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có lúc được thu lại rất ngắn. Cụ thể, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiếp nhận tới 786 chuyến bay/ngày trong ngày 25/01/2017. Điều đó cho thấy tần suất cất hạ cánh trung bình của sân bay Tân Sơn Nhất đã có thể đạt mức 1,8 phút/chuyến, trong ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.


Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận 786 chuyến bay trong ngày 25/01/2017. Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận 786 chuyến bay trong ngày 25/01/2017. Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Đầu năm 2017, ông Lại Xuân Thanh, người giữ chức Cục trưởng Cục hàng không khi đó cho biết, đã có tới 45-46 chuyến bay/giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất vào một số thời điểm. Tuy nhiên, lý do là có chuyến bay từ khung giờ trước đó bị chậm nên đổ dồn sang, không phải sân bay luôn khai thác với tần suất như vậy.

Trước đó, sân bay Tân Sơn Nhất đã áp dụng mô hình “Phối hợp ra quyết định tại sân bay” giữa Tổng công ty quản lý bay (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Kết hợp cùng với việc này là hàng loạt giải pháp đầu tư nâng cấp năng lực quản lý bay; điều phối vận hành giữa các đơn vị toàn ngành; đưa vào khai thác đường bay cao tốc, song song một chiều trục Bắc – Nam,... giúp cho khả năng khai thác tần suất bay của ngành hàng không Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, đảm bảo vận hành slot 38 chuyến/giờ.

Ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư), một thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng vẫn cần xem xét và cải tiến hơn nữa quy trình vận hành quản lý để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất. Làm như vậy là góp phần vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng thay vì thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên và dựa vào lao động giá rẻ, mà Chính phủ đang theo đuổi.

Nhiều chuyên gia có uy tín trong ngành hàng không cũng từng chỉ ra rằng một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất đến từ trình độ, năng lực tổ chức, quản lý. Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng cần đánh giá chính xác mức độ tắc nghẽn trên không, dưới mặt đất, các yếu tố khách quan và chủ quan liên quan khác như trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành, hiệp đồng phối hợp trong khai thác ở tất cả các khâu... trước khi sắp xếp thứ tự ưu tiên để giải quyết.

Trả lời báo Giao thông, ông Bùi Văn Võ, nguyên Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay (Cục Hàng không Việt Nam) thể hiện sự ủng hộ việc nâng công suất tối đa của Tân Sơn Nhất bằng cách áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới trong quản lý điều hành bay, nâng cao năng lực giám sát, năng lực điều hành bay của kiểm soát viên không lưu.

Trong khi đó, ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay Việt Nam cho rằng, cần xử lý đồng bộ tất cả các mắt xích của dây chuyền vận chuyển hàng không để giải quyết vấn đề ách tắc của Tân Sơn Nhất. Theo ông Long, quan trọng nhất là hệ thống giao thông ra vào cảng; Các nhà ga hành khách, hàng hoá; Hệ thống khu bay gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và cuối cùng là hệ thống điều hành bay khu vực tiếp cận, tại sân bay.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên