MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế: "Cải cách" là nét đẹp giúp thị trường có sự phát triển vượt bậc!

Đây là nhìn nhận của chuyên gia kinh tế, TSKH. Nguyễn Thị Hiền về diễn biến thị trường giá cả năm 2017.

Năm 2017 cán đích với một kết quả khả quan. Tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đạt và vượt mức Quốc hội yêu cầu. Trong đó, GDP là yếu tố gây bất ngờ nhất với mức đạt 6,81%.

Nguyên nhân dẫn đến thành công của phát triển kinh tế Việt Nam năm 2017 được nhắc đến nhiều nhất là nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền. Nhờ vậy, nhiều khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân đã được tháo gỡ.

Theo bà Hiền, mặc dù chưa có một sự lượng hoá cụ thể nào về phần của cải cách hành chính trong mức tăng trưởng của các lĩnh vực nhưng không thể phủ nhận rằng cải cách thủ tục hành chính đã gây dấu ấn tăng trưởng lên hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm.

Dấu ấn này cũng rất rõ nét trong diễn biến của giá cả thị trường. Về mặt lý thuyết, tăng trưởng cao thường gắn liền với lạm phát cao. Quan hệ này khá khăng khít trong bức tranh kinh tế Việt Nam những năm từ 2013 trở về trước. Khó khăn kinh tế trong các năm 2014, 2015 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến Việt Nam lâm vào tình trạng lạm phát thấp trong khi tăng trưởng được duy trì nhờ khu vực công nghiệp.

Đến năm 2016 – 2017, lạm phát được duy trì xoay quanh mức 4% trong đà tăng trưởng cao được xem là thành công của điều tiết kinh tế vĩ mô nhờ đẩy mạnh chi tiêu công.

"Sở dĩ có sự liên quan giữa cải cách thủ tục hành chính và mức tăng giá hàng hoá, dịch vụ là vì doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân giảm được nhiều chi phí do thủ tục hành chính được cắt giảm", bà Hiền nói.

Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, sự ổn định giá thị trường chủ yếu nhờ vào sự bứt phá của khu vực nông nghiệp. Nhờ được tự chủ trong sử dụng đất đai và tiếp cận công nghệ cũng như nắm bắt được thị trường thế giới nên nông nghiệp dần thành trụ cột vững chắc cho tăng trưởng. Vì vậy, nhiều cơn sốt cục bộ giá hàng tiêu dùng tại những nơi có sự cố nhanh chóng bị dập tắt.

Bên cạnh đó, bà Hiền cho rằng không thể bỏ sót thành công của điều hành chính sách tài khoá, trong đó nổi bật là điều tiết tốt thị trường tiền tệ, thông qua sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

Trong năm 2018, với chủ trương tiếp tục cải cách của Chính phủ, trong đó giảm chi phí đầu vào, chỉ tiêu tăng trưởng cao và ổn định, vị chuyên gia này nghiêng về kịch bản lạm phát rơi vào khoảng 4,2%.

Ngoài ra, bà Hiền cũng bày tỏ hi vọng Chính phủ sẽ duy trì mạnh mẽ việc cải cách này. Bởi suy cho cùng dư địa cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam đến nay vẫn là cải cách cơ chế, như là sự tiếp tục của Đổi mới mà chúng ta mới chỉ có "khởi đầu một cách nửa vời trong thập kỷ 70".

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên