MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân: Cần bỏ bảo lãnh vay nợ cho DN nhà nước

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan bên hành lang Quốc hội sáng nay (30/5), đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, cần tập trung thực hiện tốt 3 giải pháp để quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, trong đó có việc bỏ bảo lãnh của Chính phủ với những khoản vay của DN nhà nước.

Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng nợ công thời gian vừa qua?

Từ khi chúng ta có Luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay nợ công liên tục tăng cao. Đến cuối năm 2016, nợ công đã chiếm khoảng 63,7% GDP.

Nợ công tăng cao một phần do hiệu quả sử dụng nợ công. Bởi nợ công phải được đảm bảo bằng tài sản công. Do đó, việc sử dụng nợ công, tài sản công phải phát huy được hiệu quả để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Vì nợ công được tính trên tỉ trọng so với GDP. Do đó, việc sử dụng nợ công, tài sản công hiệu quả như kế hoạch sẽ làm cho tỉ trọng nợ công trên GDP được kéo giảm xuống.

"Hiện nay, nợ công với nợ xấu là 2 yếu tố làm tăng lãi suất vay trên thị trường vốn. Do đó, giải quyết được nợ công theo hướng kiểm soát chặt chẽ sẽ góp phần giảm chi phí xã hội, giảm chi phí lãi vay và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN"- Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Theo ông, để khắc phục những bất cập, hạn chế thời gian qua nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công cần phải có những giải pháp gì?

Để quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, một mình Luật Quản lý nợ công chưa giải quyết được.

Theo tôi, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này một vấn đề được tập trung thảo luận là bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của DN nhà nước.

Theo tôi, Chính phủ phải khẩn trương cắt giảm đến mức tối đa khoản nợ bảo lãnh vay (đối với khoản vay của DN nhà nước). Đây là khoản dễ thực hiện nhất, như vậy sẽ kéo giảm được nợ công xuống. Vì khoản nợ của DN nhà nước do Chính phủ bảo lãnh hiện chiếm khoảng 18% tổng nợ công của cả nước.

Tôi cho rằng, Chính phủ phải giảm ngay việc bảo lãnh và để việc tự chủ (tự vay, tự trả) cho DN nhà nước. Chính phủ chỉ nên bảo lãnh với những khoản nợ vay quốc gia, liên quan đến những khoản (vốn) sử dụng có tính lan tỏa trong cả nước.

Một điểm khác được thảo luận lần này liên quan đến nợ của Chính quyền địa phương. Dù nợ của chính quyền địa phương hiện chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng nợ công cả nước, nhưng chúng ta cũng cẩn phải quản lý chặt chẽ, để tránh tình trạng các địa phương dù trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp vẫn vay nợ để thực hiện những dự án chỉ có tính hình thức, hoặc chỉ phục vụ địa phương nhưng nợ lại do Trung ương trả.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là việc phối hợp quản lý nợ công giữa các cơ quan chức năng. Đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan phân bổ nguồn vốn. Việc sử dụng nguồn vốn từ nợ công như thế nào, hiệu quả ra sao, thì kết quả cuối cùng phải tạo ra nguồn thu ngân sách. Chính khoản thu này giúp Bộ Tài chính sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay.

Như vậy, phải tạo ra được một sự liên kết trong quá trình phân bổ, sử dụng vốn vào những dự án phát huy được hiệu quả. Theo tôi, hiện nay, vấn đề sử dụng hiệu quả vốn từ nợ công phải được đặt lên hàng đầu khi xem xét phân bổ vốn đầu tư.

Tôi nghĩ, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội lần nãy cũng đã đề cập đến vấn đề trên.

Ngoài ra, thảo luận Luật lần này cần xem xét, nghiên cứu từ trước khi có khoản nợ, trong thời điểm có khoản nợ và theo dõi để thanh toán khoản nợ sau này. Có như vậy mới đảm bảo an toàn về nợ công.

Với những phân tích nêu trên, ông đánh giá thế nào về hướng tiếp cận của Chính phủ trong việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công lần này?

Tôi đánh giá việc sửa Luật lần này khá là tính cực.

Tuy nhiên, tôi đề nghị trong Luật cần quy định theo hướng tăng vai trò giám sát nợ công; minh bạch, công khai nợ công; cập nhật về nợ công để người dân và cả hệ thống chính trị giám sát và ý thức được nợ công của nước ta đang ở mức cao.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, chiều nay (30/5), các đại biểu thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Trước đó, vào sáng 25/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội Tờ trình Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Theo Thái Bình

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên