MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia MBS: “Bất lợi từ thị trường quốc tế có thể khiến VnIndex lùi về 900 điểm”

Theo các chuyên gia MBS, trong ngắn hạn, thị trường có thể chịu ảnh hưởng từ những biến động quốc tế, nhưng trong trung và dài hạn vẫn nằm trong uptrend nhờ động lực tăng trưởng của kinh tế vĩ mô cũng như các doanh nghiệp niêm yết.

Ngày 17/4/2018 đã diễn ra hội thảo MBS’s Talk 14 với chủ đề "Thị trường chứng khoán 2018: Lạc quan nội tại – e ngại bên ngoài".

Ngay đầu hội thảo, ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế MBS phát biểu: "Chưa khi nào kinh tế vĩ mô Việt Nam lại ổn định như lúc này". Điều này có thể thấy rõ qua tăng trưởng GDP cao kỷ lục, lạm phát duy trì ở mức thấp; Dòng vốn FDI vào mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; Tỷ giá tiếp tục duy trì xu hướng ổn định nhờ thặng dư lớn từ FDI và dự trữ ngoại hối tăng mạnh; Chính sách tiền tệ vẫn theo hướng nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng khi lãi suất thực được duy trì ở mức thấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang thực hiện các biên pháp tái cơ cấu nền kinh tế khi đưa ra những nghị quyết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; Đẩy mạnh thoái vốn các doanh nghiệp; Tập trung xử lý nợ xấu và đã thu được những kết quả tích cực.

Có thể nói, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đi lên của một chu kỳ kinh tế và điều này sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của TTCK, thị trường bất động sản.

Lạc quan nội tại – e ngại bên ngoài

Mặc dù nền tảng vĩ mô Việt Nam được đánh giá rất tốt, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia MBS, những tác động từ thị trường quốc tế sẽ là yếu tố cần phải e ngại trong năm 2018.

Đầu tiên là những căng thẳng thương mại gia tăng. Cụ thể, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên thép, nhôm nhập vào Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên tới 60 tỷ USD. Những động thái này đang gây lên lo ngại chiến tranh thương mại lan rộng toàn cầu và có thể thấy, Trung Quốc đã đáp trả lại bằng việc áp thuế 25% lên 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một yếu tố đáng lo ngại khác là kỷ nguyên nới lỏng định lượng đang dần kết thúc và điều này sẽ tác động lớn tới thanh khoản TTCK. Các chuyên gia MBS đánh giá việc FED đẩy mạnh quá trình nâng lãi suất trong năm 2018 có vẻ đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai, khiến lãi suất Libor tăng lên cao kỷ lục kể từ năm 2008. Điều này cho thấy căng thẳng về thanh khoản đang hiện hữu.

Một số rủi ro lớn đáng chú ý khác còn có "quả bom" nợ tại Mỹ đang lên đỉnh điểm hay việc mức độ sử dụng margin trên TTCK Mỹ hiện đang ở mức kỷ lục. Tổng hòa những yếu tố kể trên đã khiến TTCK Mỹ có nhịp điều chỉnh mạnh trong khoảng 2 tháng qua.

Theo các chuyên gia MBS, TTCK Mỹ và Thế giới Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung hạn, tuy nhiên có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh mạnh vào năm 2018 đến từ một số nguyên nhân như (1) Định giá TTCK Mỹ đã vào vùng "tăng trưởng nóng", thể hiện ở các chỉ số P/E, P/EBITDA; (2) Ảnh hưởng có thể xảy ra nếu FED đồng thời tăng lãi suất và thu tiền về; (3) Các xung đột chính trị trên Thế giới tiếp diễn.

VnIndex có thể điều chỉnh về 900 điểm?

Trong quý 1/2018, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất Thế giới. Đánh giá về điều này, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường MBS cho rằng việc TTCK bứt phá ấn tượng có nguyên nhân từ những chính sách phát triển thị trường thúc đẩy quy mô vốn hóa (IPO, niêm yết mới), tạo điều kiện thu hút vốn ngoại.

Trong quý 1/2018, khối ngoại đã mua ròng hơn 10.000 tỷ trên TTCK Việt Nam, mức cao nhất trong những năm gần đây. Sức hút của thị trường Việt Nam có thể thấy rõ ở yếu tố dòng vốn ETF. Trong hơn 1 tháng qua, các quỹ ETF đã rút ròng vốn trên toàn cầu nhưng với Việt Nam, mức độ rút là không đáng kể so với lực mua từ đầu năm.

Yếu tố giúp TTCK Việt Nam bứt phá còn đến từ kỳ vọng nâng hạng thị trường lên Emerging Market trong 1-2 năm tới. Giống như Pakistan, nhiều quỹ ngoại hiện đã đón đầu xu hướng nâng hạng thị trường và đã mua ròng rất mạnh trên TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, việc các nhóm cổ phiếu Ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, BĐS tăng mạnh cùng với các siêu Bluechips có tốc độ tăng giá lớn góp phần thúc đẩy sự bứt phá của TTCK.

Về xu hướng thị trường hiện tại, ông Sơn cho rằng nhiều khả năng VnIndex sẽ tiếp tục điêu chỉnh về vùng 1.000 – 1.100 điểm trước khi bứt phá trở lại. Tuy vậy, nếu có những diễn biến xấu từ thị trường quốc tế thì VnIndex có thể điều chỉnh về 900 điểm.

Chuyên gia MBS cũng nhấn mạnh: "Trong ngắn hạn, thị trường có thể chịu ảnh hưởng từ những biến động quốc tế, nhưng trong trung và dài hạn vẫn nằm trong uptrend nhờ động lực tăng trưởng của kinh tế vĩ mô cũng như các doanh nghiệp niêm yết".

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên