MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nói gì về hướng đi của tỷ giá và lãi suất thời gian tới?

13-12-2018 - 14:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong thời gian vừa qua trong khi ngoài thị trường lại khá bình lặng, thậm chí có giảm. Cùng với đó, lãi suất huy động tăng khá mạnh những tháng cuối năm. Vậy, những biến động của tỷ giá và lãi suất thời gian này đến từ đâu và sẽ như thế nào trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Sáng nay (13/12), tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đứng ở mức 22.773 VND/USD, và so với cách đây 1 tháng đã tăng hơn 50 đồng. Theo đó, tỷ giá sàn và tỷ giá trần đã được nâng lên mức 22.090-23.456 VND/USD. Đáng lưu ý, trong khi tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng trong thời gian qua thì diễn biến giá USD ngoài thị trường lại khá bình lặng, thậm chí nhiều phiên giảm mạnh. Tại các ngân hàng thương mại hiện phổ biến mua vào với mức 23.245 VND/USD và bán ra với 23.335 VND/USD. 

Cùng với diễn biến "lạ" của tỷ giá thời gian qua, lãi suất trên thị trường thời gian gần đây cũng liên tục tăng. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất trên 8,5%/năm, cùng với đó là những dấu hiệu căng thẳng thanh khoản của hệ thống. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ để hiểu rõ về diễn biến của tỷ giá và lãi suất trong thời gian vừa qua, cũng như xu hướng trong thời gian tới. 

Những ngày gần đây, trong khi NHNN liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo hướng tăng, tỷ giá thị trường lại có xu hướng giảm nhẹ. Ông có bình luận gì về diễn biến này?

TS. Nguyễn Đức Độ: Thời gian qua, diễn biến tỷ giá VND/USD trên thị trường trong nước theo rất sát những biến động ngắn hạn của đồng USD và đặc biệt là của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Khi đồng nhân dân tệ có xu hướng đi ngang, thậm chí tăng giá nhẹ so với USD tại một vài thời điểm, VND cũng có xu hướng tăng giá nhẹ theo.

Tuy nhiên, nếu tính từ giữa năm đến nay, đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng giá, còn xu hướng của đồng nhân dẫn tệ vẫn là giảm giá. Mặc dù tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên một rổ tiền tệ, nhưng để đảm bảo sự ổn định trong ngắn hạn, NHNN đã không điều chỉnh tỷ giá trung tâm mạnh theo những diễn biến ngắn hạn trên thị trường. Nhưng để đảm bảo sự linh hoạt của tỷ giá trong dài hạn, NHNN vẫn tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong giai đoạn hiện nay cho dù xu hướng giảm giá của đồng nhân dân tệ đã chững lại.

Nói một cách nôm na, thị trường đi nhanh hơn nên đến đích trước và đang dừng lại. Còn NHNN đi chậm hơn, nên cần nhiều thời gian hơn để đi hết cùng một quãng đường.

Vậy theo ông, đâu sẽ là đích đến của tỷ giá trung tâm?

Thị trường luôn luôn biến động khó lường, còn NHNN thì không công bố công thức xác định tỷ giá trung tâm nên khó có thể dự báo chính xác mức mục tiêu của tỷ giá trung tâm mà NHNN hướng tới. Tuy nhiên, việc NHNN công bố tỷ giá bán USD kỳ hạn cho thấy, trong trường hợp không có những biến động lớn trên thị trường tiền tệ quốc tế, đó có thể là quãng đường và thời gian tối đa mà NHNN sẽ đi.

Thời gian qua, lãi suất cũng liên tục tăng. Ông có cho rằng diễn biến này liên quan đến tỷ giá?

Tỷ giá VND/USD khá ổn định nên khó có thể nói rằng tỷ giá là nguyên nhân dẫn đến lãi suất tăng. Lạm phát cũng đang trong xu hướng giảm rõ rệt, nên khả năng đây cũng không phải là nguyên nhân chính khiến lãi suất gia tăng. Có lẽ nguyên nhân chính vẫn là do tính mùa vụ, cũng như chính sách của NHNN nhằm hạn chế việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Cùng với chính sách hạn chế việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, NHNN cũng đưa ra chính sách hạn chế tín dụng ngoại tệ. Chính sách này sẽ ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng lãi suất? 

Trước đây, nhằm hỗ trợ tăng trưởng NHNN đã cho phép một số doanh nghiệp có thể vay bằng USD với lãi suất thấp hơn lãi suất VND. Nhưng với chính sách mới, sắp tới, các doanh nghiệp sẽ phải vay bằng VND với lãi suất cao hơn. Điều này sẽ khiến lãi suất cho vay trung bình trên thị trường cao hơn.

Mặc dù vậy, với mục tiêu lâu dài là chống đô la hóa, việc hạn chế và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ là chính sách trước sau cũng phải thực hiện. Vấn đề là chọn thời điểm. Hiện nay kinh tế đang tăng trưởng tốt và xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong các năm 2019-2020 nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái. Nếu NHNN không thực thi mạnh mẽ các chính sách chống đô la hóa vào lúc này, thì cũng không rõ lúc nào sẽ là thời điểm thuận lợi hơn để thực hiện.

Tất nhiên, khi lãi suất cao hơn, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng để giải quyết vấn đề lãi suất thì mấu chốt vẫn phải là xử lý nợ xấu. Những năm gần đây, lãi suất tại Việt Nam giảm một phần là nhờ lạm phát thấp, phần khác là do cho vay bằng ngoại tệ, và đặc biệt là nhờ việc các NHTM sử dụng vốn ngắn hạn với chi phí thấp để cho vay dài hạn. Tuy nhiên, cách này không bền vững vì nó tạo ra rủi ro kỳ hạn, và vì vậy, cũng đã đến lúc phải được điều chỉnh lại.

Xin cảm ơn ông!

Diệp Trần (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên