MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nói gì về việc điều tra khoản lỗ 3.300 tỷ đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh?

Sau thông tin các Bộ vào cuộc điều tra khoản lỗ 3.300 tỷ đồng của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC), nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần làm mạnh tay hơn trong việc truy trách nhiệm với những dự án đắp chiếu để thất thoát nghìn tỷ của nhà nước.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Công an điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2013 tại PVC, dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Không những vậy, một số Bộ liên quan cũng được yêu cầu vào cuộc điều tra vụ việc này để làm rõ việc có làm mất vốn nhà nước hay không, việc bảo toàn vốn như thế nào và xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan.

"Phải làm rõ trách nhiệm các dự án mất vốn Nhà nước khác"

Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) bày tỏ sự đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong việc phải làm rõ khoản lỗ của PVC, có nghĩa là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và bài học rút ra trong quản lý vốn tại DNNN.

“Từ sự chỉ đạo này tôi hy vọng sẽ có nghị quyết của Chính phủ về việc cải cách và quản lý DNNN, để giám sát hiệu quả đầu tư, cũng như tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vì tất cả những vấn đề trên đã đem thiệt hại rất lớn, với hệ quả dẫn tới là nợ của Chính phủ tăng lên và thâm hụt ngân sách” – TS. Doanh khuyến nghị.

Theo đó, TS. Doanh bày tỏ hy vọng tất cả những khoản đầu tư khác của DNNN, những công trình đắp chiếu làm thua lỗ, thất thoát nghìn tỷ của Nhà nước, cũng cần phải được rõ trách nhiệm như theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng đối với vụ việc PVC.

TS. Doanh nói: “Tức là không chỉ dừng lại với ông Trịnh Xuân Thanh mà phải xem xét lại kỹ lưỡng trách nhiệm của các DN khi để xảy ra những khoản thua lỗ này, cũng như trách nhiệm bộ trưởng là người chỉ đạo, quản lý các dự án công trình đó”.

Bởi theo TS. Doanh, trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và PVC nên coi đó là trường hợp điển hình để rút ra kinh nghiệm đối với những DNNN thua lỗ khác để đưa đến những thay đổi trong quản trị với DNNN, cũng như hoạt động đầu tư của DNNN.

Đồng tình quan điểm trên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước tại các DN. Theo đó, những việc nào đã rõ và đủ căn cứ, khi có sự chỉ đạo thì cần làm ngay, còn lại những việc khác phải làm theo quy trình và trong thời gian dài.

Vấn đề hoàn thiện luật và nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát

Theo TS. Hồ, Thủ tướng đã có thông điệp và quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo và hành động, do đó vị chuyên gia này bày tỏ mong muốn người đứng đầu Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện thật nghiêm tất cả vấn đề bức xúc hiện nay, đặc biệt là xử lý nghiêm tham nhũng, trong đó có việc làm thất thoát vốn Nhà nước.

“Quan điểm của tôi là Chính phủ, các bộ ngành không thể lơ là được việc này, phải làm mạnh hơn, nhưng phải có quy trình của nó. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh tra, điều tra và thu thập hồ sơ, có đủ chứng cứ để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm được rõ ràng, công khai và minh bạch” – TS. Hồ đề nghị.

Cũng theo TS. Hồ, hiện những dự án thua lỗ, thất thoát đang được yêu cầu, chỉ đạo rà soát lại để có phương án giải quyết, đơn cử như Gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, sơ sợi Đình Vũ… Do đó, TS. Hồ đề nghị nếu phát hiện có những sai phạm trong việc để xảy ra thua lỗ, hay những bất cập trong quản lý vốn Nhà nước, thì cần được công khai, minh bạch và làm rõ.

Một vấn đề nữa cũng được vị chuyên gia này cho rằng, hiện đang còn những lỗ hổng trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hay những quy định liên quan đến phòng chống tham nhũng… khiến cho việc truy trách nhiệm đến cùng đối với những tổ chức, cá nhân làm thất thoát vốn Nhà nước gặp khó khăn.

“Có những vấn đề liên quan đến Luật đúng là chưa thật chặt chẽ, đầy đủ để truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Do đó, cùng với tinh thần cố gắng hoàn thiện thêm thể chế, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, cá nhân, tổ chức thực hiện quản lý vốn, quản lý tài sản thì phải làm rõ hơn. Luật chưa có thì phải ban hành thêm nghị định và văn bản dưới luật” – TS. Hồ đề nghị.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện luật, thì điều quan trọng hơn nữa là nâng cao hơn nữa công tác quản lý, giám sát kiểm tra và theo dõi thực hiện việc sử dung vốn Nhà nước tại các DN, cũng như tăng cường hơn kỷ cương, kỷ luật khi mà đã có hàng chục dự án nghìn tỷ phải đắp chiếu, thất thoát lượng vốn không nhỏ của Nhà nước.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên