MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia ung thư chỉ rõ những rủi ro khi người Việt "vái tứ phương" chữa bệnh

27-12-2017 - 07:42 AM | Sống

Mặc dù nhiều phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ không có rủi ro, hoặc chỉ có ít rủi ro, thế nhưng điều này không đúng cho tất cả mọi trường hợp.

"Có bệnh thì vái tứ phương" - câu nói này dường như đang tỏ ra chính xác hơn bao giờ hết trong thực tế chữa bệnh của không ít người Việt. Nhất là khi bị mắc các bệnh được gọi là nan y như ung thư . Bấy giờ, tất cả các phương pháp nào có thể áp dụng được đều được áp dụng, như uống lá đu đủ, lá sa kê hay ăn uống theo các biện pháp thực dưỡng.

Trong Tây y có thuật ngữ: "Phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ" - dùng để gọi chung cho một nhóm hệ thống điều trị và chăm sóc sức khoẻ, bao gồm các phương pháp và sản phẩm đa dạng mà hiện nay chưa được xem là một phần của điều trị thường quy (conventional treatment).

Mặc dù nhiều phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ không có rủi ro, hoặc chỉ có ít rủi ro, thế nhưng điều này không đúng cho tất cả mọi trường hợp.

Rủi ro trực tiếp và gián tiếp

Ngoài rủi ro trực tiếp liên quan tới độc tính, tác dụng phụ/biến chứng do phương pháp/sản phẩm đó, còn có rủi ro gián tiếp liên quan tới khả năng tương tác với thuốc điều trị và nguy cơ bị trễ/gián đoạn điều trị thường quy.

Về rủi ro trực tiếp, nhiều thảo dược có thể làm hại gan hoặc thận và gây một số tác dụng phụ. Ví dụ: nhân sâm gây mất ngủ, tăng huyết áp, đau đầu; còn đông trùng hạ thảo có thể làm các bệnh tự miễn rơi vào tình trạng tệ hơn, hoặc làm máu khó đông hơn.

Châm cứu cũng có thể làm lây truyền một số bệnh truyền nhiễm, gây chảy máu, viêm da hoặc gây đau. Mát-xa mạnh tay có thể làm bầm người, chảy máu ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu.

Châm cứu cũng có thể làm lây truyền một số bệnh truyền nhiễm, gây chảy máu, viêm da hoặc gây đau

Châm cứu cũng có thể làm lây truyền một số bệnh truyền nhiễm, gây chảy máu, viêm da hoặc gây đau

Kiểm soát chất lượng của những sản phẩm này cũng là một lo lắng khác vì chúng không phải là thuốc điều trị.

Xin lưu ý rằng sản phẩm "tự nhiên" không có nghĩa là an toàn. Những vấn đề liên quan bao gồm sự thay đổi hiệu lực sinh học trong các loại cây trồng khác nhau, khả năng sản phẩm bị nhiễm nấm mốc hoặc vi khuẩn, khả năng dùng nguyên liệu không chuẩn xác và gian lận của người sản xuất/phân phối.

Vì thế, việc chọn người cung cấp sản phẩm/dịch vụ là rất quan trọng vì nó liên quan tới cả sự an toàn lẫn vấn đề pháp lý.

Về rủi ro gián tiếp, nhiều thảo dược có hoạt tính dược lý có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa của thuốc trị ung thư đi kèm.

Ví dụ thảo dược St John’s wort có thể ảnh hưởng lên CYP3A4, làm giảm nồng độ thuốc taxanes, irinotecan, imatinib hoặc oxycodone vốn được chuyển hóa bởi enzyme này.

Các polyphenols trong trà xanh có thể ức chế nhiều enzyme cytochrome p450 đóng vai trò thiết yếu trong chuyển hóa thuốc. Vài thành phần trong trà xanh đã được chứng minh là có thể ngăn cản tác dụng của bortezomib.

Nhân sâm (Panax ginseng) và bạch quả (Ginkgo biloba) cũng có thể làm tăng hoạt động của một số enzyme thuộc họ CYP, nên 2 thảo được này được khuyến cáo tránh dùng kèm các thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A4 hoặc CYP2C19.

Nhân sâm làm tăng hoạt động của một số enzyme thuộc họ CYP nên được khuyến cáo tránh dùng kèm các thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A4 hoặc CYP2C19
Nhân sâm làm tăng hoạt động của một số enzyme thuộc họ CYP nên được khuyến cáo tránh dùng kèm các thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A4 hoặc CYP2C19

Còn rất nhiều ví dụ và chú ý khác có thể tra cứu ở các tài liệu chuyên môn hoặc hỏi các bác sĩ.

Ngoài ra, việc sử dụng phương pháp thay thế/hỗ trợ có thể dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc điều trị bằng các phương pháp thường quy đã được chứng minh là có lợi cho tình trạng bệnh.

Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ trên tổng cộng 840 bệnh nhân ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt và đại trực tràng cho thấy, việc chỉ chọn phương pháp thay thế/hỗ trợ (mà không điều trị bằng phương pháp thường quy) đi kèm nguy cơ tử vong cao hơn việc điều trị bằng phương pháp thường quy (phẫu thuật, hóa trị và xạ trị) gấp 2,5 lần.

Ở một nghiên cứu khác trên 61 bệnh nhân ung thư vú, có 96% bệnh nhân từ chối hoặc trì hoãn phẫu thuật bị diễn biến bệnh nặng hơn; 50% số đó tử vong. Kết quả này xấu hơn "mặt bằng chung" của những bệnh nhân theo điều trị thường quy truyền thống.

Đâu là hiệu quả thực sự?

Khi đánh giá tác dụng của một loại thuốc/phương pháp điều trị, việc hiểu rõ khái niệm "Tác dụng placebo" (hay tác dụng của thuốc giả) là rất quan trọng. Placebo là một "loại thuốc" hay "cách chữa bệnh" mà thật ra không có tác dụng gì.

Những nghiên cứu đối chứng được thiết kế tốt thường phải bao gồm nhóm dùng placebo so sánh với nhóm nhận điều trị thật để đánh giá công dụng. Một phương pháp hỗ trợ/thay thế có khả năng giảm đau cho 50% ca bệnh sẽ chẳng có lợi ích mấy nếu nhóm placebo (tức nhóm dùng thuốc giả, còn gọi là nhóm chứng) cũng có kết quả như vậy.

Placebo - hiệu ứng giả dược

Placebo - hiệu ứng giả dược

Người ta vẫn chưa hiểu liệu "tác dụng placebo" là do ảnh hưởng niềm tin, tâm lý hay còn cơ chế gì khác. Tuy nhiên, hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn lên việc thiết kế và diễn giải các nghiên cứu trong y học; nhiều bác sĩ cho rằng phải có nghiên cứu cụ thể trên người với nhóm đối chứng để loại trừ tác dụng placebo.

Hiện nay, rất nhiều loại thực phẩm chức năng đang được quảng cáo với công dụng phòng chống hay chữa trị ung thư mà thật ra chưa có bằng chứng khoa học chặt chẽ. Tuy nhiên, người ta vẫn mua tặng nhau nhiệt tình vì cho rằng đi thăm bệnh mà không mua thực phẩm chức năng thì…biết mua gì!

Có lẽ đây là một nét văn hóa dễ thương nhưng đôi khi quá… dễ dãi đã thấm sâu vào tâm thức cộng đồng người Việt mà việc thay đổi cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Có nhiều cách tiếp cận, nhưng tác dụng placebo có thể được sử dụng "tương kế tựu kế": những "viên thuốc" bọc đường hay… bột sắn đặt trong hộp giấy trang trọng cũng có thể thay thế các sản phẩm thực phẩm chức năng mắc tiền, giúp bệnh nhân dễ chịu lắm chứ!

Để giúp bệnh nhân và người thân lựa chọn sáng suốt, xin gợi ý một số câu hỏi để quý vị cân nhắc về phương pháp hỗ trợ/thay thế:

• Phương pháp này có được cho là chữa được ung thư không?

• Phương pháp này có yêu cầu gián đoạn điều trị/chăm sóc thường quy không?

• Phương pháp này có được cung cấp bởi người hay cơ quan/tổ chức chữa ung thư được công nhận không?

• Nhóm người hay tổ chức cổ xúy phương pháp này có phải là chuyên gia trong lĩnh vực điều trị ung thư không?

• Người cổ xúy phương pháp này có bài xích cộng đồng nghiên cứu khoa học và y khoa không?

• Phương pháp này có phổ biến ở các nước khác không?

• Phương pháp này đã được nghiên cứu một cách khoa học trên người, với nhóm đối chứng để kiểm định không?

• Phương pháp này có đắt tiền không?

Ảnh minh họa.​

Ảnh minh họa.​

Các phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ là gì?

Phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ là một nhóm hệ thống điều trị và chăm sóc sức khoẻ bao gồm các phương pháp và sản phẩm đa dạng mà hiện nay chưa được xem là một phần của điều trị thường quy (conventional treatment).

Nhiều phương pháp hỗ trợ/thay thế đã có lịch sử lâu đời, được quan tâm nghiên cứu và xuất hiện trong y văn nhiều hơn từ khoảng năm 1940 và có "vòng đời" khá giống nhau.

Đầu tiên, chúng xuất hiện và được cổ súy rầm rộ bởi một số nhóm/tổ chức dựa trên vài ca bệnh lẻ tẻ. Sau đó, những bác sĩ và nhà nghiên cứu chính thống về ung thư chịu không nổi áp lực từ những lời đồn nên phải tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng.

Khi những thử nghiệm này không cho ra kết quả gì như kỳ vọng, nhóm cổ súy lại lên tiếng chỉ trích rằng phương pháp nghiên cứu chưa đúng hoặc người ta đã cố tình làm sai kết quả để vùi dập một phương pháp hay.

Cuối cùng, các thảo luận "chìm xuồng" và mỗi phương pháp/sản phẩm đó ẩn mình (đôi khi tái phát!) để tiếp tục lan truyền trong một số nhóm "hỗ trợ bệnh nhân" mặc dù công hiệu không/chưa được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học.

Xin lưu ý thêm, nếu một phương pháp được chứng minh rõ ràng trên người bệnh là có tác dụng cụ thể như cải thiện thời gian sống, ngăn cản tiến triển của căn bệnh, giảm nhẹ triệu chứng/tác dụng phụ hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống, nó có thể trở thành điều trị thường quy và thường được bảo hiểm chi trả.

Một số phương pháp thay thế hoặc hỗ trợ trong điều trị ung thư

Có rất nhiều phương pháp hỗ trợ/thay thế liên quan tới điều trị ung thư, thường được phân nhóm thành:

Chế độ ăn kiêng như chế độ Gerson, chế độ Macrobiotic, chế độ Kelley-Gonzalez hoặc cách dùng hỗn hợp rau và thảo mộc chọn lọc,…

Phương pháp thực dưỡng Ohsawa hay gạo lức muối mè được nhiều người Việt biết tới nhưng không mấy phổ biến ở nước khác.

• Các sản phẩm thảo dược như trà xanh, trà Essiac, nhân sâm, yến, nấm Shiitake và linh chi, Trinh nữ hoàng cung, Đông trùng hạ thảo, tam thất, bạch quả, Mistletoe, PC-SPES, Sho-saiko-to, St. John wort, Hoàng kỳ, hạt Guarana,…

• Các chất bổ sung không phải là thảo dược như Melatonin, dầu cá, sụn cá mập và sụn bò, Hydrazine, Coenzyme Q10, chiết xuất tuyến ức, Lycopene, vitamin C,…

• Các phương pháp tương tác như châm cứu, mát-xa, thôi miên, can thiệp hành vi, liệu pháp thư giãn, tịnh thiền, Yoga, âm nhạc trị liệu, xúc giác trị liệu (Therapeutic touch), tưởng tượng trực quan, liệu pháp tâm linh,…

Một số phương pháp/sản phẩm nói trên có bằng chứng khoa học về sự an toàn hay lợi ích trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, đa số phương pháp chưa có đủ bằng chứng hoặc đã bị phủ nhận.

Bệnh nhân nghĩ gì về phương pháp thay thế/hỗ trợ?

Các phương pháp thay thế/bổ trợ liên quan tới ung thư đang rất phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy có tới 90% bệnh nhân ung thư đã từng dùng phương pháp này như là một phần của quá trình điều trị. Tuy nhiên, người bệnh thường không kể trừ khi được hỏi chi tiết.

Trong một nghiên cứu, việc bộc bạch thay đổi từ 7% tới 43% khi câu hỏi trực tiếp được thêm vào phần hỏi bệnh.

Đáng tiếc là trên thực tế, thảo luận giữa bác sĩ và bệnh nhân về phương pháp hỗ trợ/thay thế vẫn còn hạn chế và chỉ thường bắt đầu từ phía người bệnh. Nhiều bệnh nhân nói rằng họ mong sao các bác sĩ ung thư quan tâm hơn, có nhiều thông tin hơn, hoặc nhiệt tình trao đổi hơn về vấn đề này.

Thật ra, việc bệnh nhân dùng các phương pháp hỗ trợ/thay thế không phải vì không hài lòng với các phương pháp điều trị thường quy mà là vì họ cảm thấy các phương pháp này phù hợp hơn với cách suy nghĩ và niềm tin của họ về sức khỏe và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một vài yếu tố liên quan tới xu hướng chọn lựa các phương pháp hỗ trợ/thay thế là:

● Tham gia các nhóm bệnh nhân và nhóm hỗ trợ.

● Căng thẳng tâm lý xã hội (ví dụ, lo lắng, trầm cảm).

● Bị nói là bệnh nặng, có tiên lượng xấu.

● Tuổi và giới tính (phụ nữ trẻ).

● Cảm giác "không còn gì để mất".

Một số người Việt có thể lựa chọn phương pháp hỗ trợ/thay thế vì vài nguyên nhân khác như do quảng cáo quá tay trên đài báo và các mạng xã hội.

Dù gì, việc thấu hiểu những lo lắng và đặc điểm của bệnh nhân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ bệnh nhân-bác sĩ, thúc đẩy thảo luận cởi mở về rủi ro và hiệu quả của nó nhằm góp phần cung cấp thông tin đúng để bệnh nhân lựa chọn sáng suốt.

Theo BS-TS Phạm Nguyên Quý (Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật)

Trí thức trẻ

Trở lên trên