MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển mạng giữ số giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng di động

Dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ cho phép người dùng di động lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao, đồng thời thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh tích cực về chất lượng, giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Trước thông tin các nhà mạng Viettel và MobiFone, VinaPhone bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao di động, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin & Truyền thông về dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng di động này.

PV VietNamNet: - Ông có thể giới thiệu qua về việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số ở các quốc gia trên thế giới?

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông: - Dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (Mobile Number Portability - MNP) được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Đến đầu những năm 2000, dịch vụ này được các nước như Hoa Kỳ, Úc và các nước khu vực Châu Âu triển khai, cung cấp. Đến nay, dịch vụ MNP đã có mặt tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành một xu thế phố biến của thị trường viễn thông viễn thông di động phát triển, trong đó khu vực Đông Nam Á có Thái Lan, Malaysia, Lào…

Trong bối cảnh thị trường viễn thông di động tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, trên cơ sở tiếp thu khuyến nghị từ các tổ chức viễn thông thế giới mà Việt Nam là thành viên và đặc biệt là việc đàm phán ký kết hiệp định TPP (Chương 13: Viễn thông) sắp đi đến hồi kết, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông di động phối hợp, tổ chức triển khai Đề án MNP để sớm cung cấp dịch vụ MNP cho người dân.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thuyết trình tại hội thảo quốc tế về kết nối băng rộng FTTH hồi tháng 10/2016.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thuyết trình tại hội thảo quốc tế về kết nối băng rộng FTTH hồi tháng 10/2016.

- Vậy các chủ thuê bao di động cần hiểu về dịch vụ “chuyển mạng giữ số” như thế nào?

- Dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (MNP) là dịch vụ do "doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất" cung cấp cho thuê bao di động của mình.

Dịch vụ này cho phép thuê bao di động có thể chuyển đổi "doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất" mà vẫn giữ nguyên được số điện thoại của mình - bao gồm cả mã mạng và số thuê bao. Nghĩa là, việc người sử dụng vẫn thực hiện quay số bình thường không cần có bất kỳ sự thay đổi nào trong việc quay số đến thuê bao đã chuyển mạng.

- Việc triển khai dịch vụ MNP sẽ mang lại những lợi ích gì cho người dân và thị trường viễn thông, thưa ông?

- Thứ nhất, MNP đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng. Trong quá trình sử dụng, người sử dụng khi đã giữ các mối liên hệ thông qua số điện thoại di động của mình sẽ có tâm lý ngại thay đổi số điện thoại, kể cả khi chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, các dịch vụ gia tăng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mình. Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là giải pháp duy nhất khắc phục những trở ngại này và ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.

Thứ hai, MNP sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. Khi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ khiến các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ họ cung cấp không đảm bảo hoặc chỉ chất lượng dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng.

Dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh tích cực về chất lượng, giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng. Ảnh: vov.vn

Dịch vụ chuyển mạng giữ số sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh tích cực về chất lượng, giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng. Ảnh: vov.vn

Ví dụ, người di chuyển hay phải đi công tác ở các tỉnh sẽ ưu tiên chọn mạng có vùng phủ sóng rộng; khi người dùng hay phải sử dụng thiết bị cầm tay thông minh vào mạng sẽ chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ truy cập Internet tốt.

Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu, họ phải thực sự đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để cải thiện chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, liên tục đưa ra các các thông báo, số liệu chứng minh chỉ tiêu kỹ thuật mạng lưới của mình đạt và vượt mức qui chuẩn, thông qua đó chứng minh được dịch vụ do họ cung cấp có chất lượng cao. Như vậy người được hưởng lợi chính là các thuê bao di động, họ được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của mình.

Thứ ba, đối với xã hội và sự phát triển của lĩnh vực viễn thông, MNP tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, gắn kết với một số điện thoại đang sử dụng và đây sẽ là nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới như thương mại điện tử, ví điện tử…. Bên cạnh đó, việc cá nhân hóa số điện thoại cũng phần nào giải tỏa áp lực về sự cạn kiệt kho số hiện nay.

- Các chủ thuê bao di động cần làm gì để được sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số?

- Các nhà mạng thống nhất với nhau và công bố công khai, trong đó bao gồm một số nội dung cơ bản như sau: Điều kiện về thời gian sử dụng dịch vụ tại nhà mạng chuyển đi, thông tin thuê bao, thời gian sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế, thanh toán cước trả sau, dịch vụ nội dung… Như vậy, để có thể đăng ký dịch vụ chuyển mạng, thuê bao chỉ cần phải chủ động khai báo, cập nhật đầy đủ thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật hiện hành và đăng ký dịch vụ chuyển mạng tại nhà mạng chuyển đến.

- Ông có thể cho biết công tác triển khai dịch vụ MNP tại Việt Nam hiện đã đến giai đoạn nào?

- Với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Chỉ đạo Đề án MNP, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông di động đã tích cực phối hợp, làm việc và thống nhất những nội dung cơ bản để làm sở cứ triển khai đồng bộ trên toàn mạng di động.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng hệ thống, kết nối hệ thống giữa Trung tâm chuyển mạng quốc gia và các nhà mạng; thực hiển kiểm tra đường truyền và kế hoạch kiểm tra hệ thống đã được thực hiện từ tháng 7 năm 2017 với một số nhà mạng; dự kiến sau khi hoàn thành kiểm thử hệ thống với các nhà mạng dịch vụ sẽ được thử nghiệm với một số thuê bao thử nghiệm nhằm sửa các lỗi có thể xảy ra trong quá trình triển khai. Sau đó, hệ thống sẽ được chạy thử với tải thật trong 2 tháng trước khi triển khai dịch vụ tới người dân.

Với việc chủ động nắm bắt và làm chủ công nghệ, một số doanh nghiệp di động chỉ đầu tư nâng cấp phần cứng còn toàn bộ phần mềm triển khai dịch vụ được doanh nghiệp tự thiết kế, lập trình, triển khai. Đây là một bước đi mạnh dạn và đáng khuyến khích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Với quyết tâm và hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm chuyển mạng quốc gia - Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông di động mặt đất chắc chắn trong thời gian tới người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn.

Xin cảm ơn ông.

Theo Huy Phong

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên