MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện nghề của cô gái BIDV làm tín dụng tại “vùng 135”

31-08-2017 - 13:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Khách hàng của tôi đa dạng lắm, có người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mở trang trại lợn, thế là tôi lập tức nắm được giá cả lợn thịt, lợn giống trên thị trường, thậm chí là chu kỳ sinh sản của lợn mẹ bao lâu thì có thể cho bán một lứa lợn con...

Tôi đang tạm xa những hồ sơ vay, những lãi suất, những chỉ tiêu tháng/quý/năm, những cuộc điện thoại liên tục réo gọi của khách hàng… để lại quay về với bài vở, thầy cô và giảng đường ở một nơi rất xa. Nhưng khi biết về cuộc thi, nhắc đến cái nghề mình từng gắn bó, trong lồng ngực lại rộn ràng, hồi hộp như khi nhắc đến tên người yêu của cô gái đôi mươi đang tràn đầy tình yêu và sức sống, thôi thúc tôi viết những dòng chia sẻ về trải nghiệm của cá nhân mình.

Đó là những chia sẻ của độc giả Vi Hải Thư – cán bộ BIDV Bắc Kạn gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức, cùng với bài dự thi về Nghề Tín dụng mà chúng tôi xin giới thiệu dưới đây.

----------------

Hành trình “Cá chép vượt vũ môn”- nên thử làm những điều không thể

Mới bước chân khỏi cánh cổng trường Đại học, tôi tham gia một cuộc thi tuyển dụng tập trung diễn ra trong suốt 3 tháng ròng từ vòng loại hồ sơ, thi nhanh qua mạng, thi viết tập trung và phỏng vấn tại chi nhánh.

Bốn vòng, cái forum cùng ngóng kết quả trên U&B của chúng tôi cứ ngày một ít đi qua các vòng, tôi biết mỗi người đều có những nỗ lực của riêng mình, còn kết quả bây giờ có thể coi như một sự may mắn sau những nỗ lực đó, như một câu nói tôi từng đọc được "Bạn càng làm tốt bao nhiêu, hết sức bao nhiêu, cống hiến bao nhiêu thì may mắn sẽ đến với bạn theo một cách rất bất ngờ mà bạn sẽ không bao giờ biết!", và tôi là người may mắn khi có thể lọt vào vòng cuối cùng!

Vẫn chưa hết hồi hộp khi nhớ lại cảm xúc của 4 năm về trước, lúc nhận được email thông báo đã trúng tuyển. Tôi không biết niềm vui các banker khác ra sao nhưng với tôi, vượt ra ngoài sự vui mừng tất dĩ của bao sinh viên mới tốt nghiệp Đại học là thoát khỏi hai chữ “Thất nghiệp” hay những lời hỏi han quan tâm ân cần nhưng vô tình trút đầy áp lực như “Đi làm ở đâu rồi cháu?”, thì còn là sự tự hào, hãnh diện, là sự khẳng định giúp tôi tự tin hơn vào chính mình. Vì tôi ngoại hình trung bình, chiều cao suýt soát, là một con bé sinh ra và lớn lên ở nơi được cả nước ưu tiên hỗ trợ, được gọi là “Vùng 135 - Vùng đặc biệt khó khăn”, đã vậy tôi còn quyết định thi trái chuyên ngành để vào vị trí Chuyên viên Tín dụng.

Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn thấy đó một trong những quyết định sáng suốt nhất của mình, để kết thúc cuộc sống sinh viên và tự gắn cho mình một danh hiệu mới “người làm nghề Tài chính - Ngân hàng”.

Thử thách đến từ những điều thật giản đơn!

Thật đúng như câu nói “Công việc trong mơ bỗng chốc mất đi vẻ hào nhoáng một khi chúng ta đã thực sự bắt tay vào làm”. Nụ cười vô tư trong sáng đầy háo hức của tôi cũng khép lại sau một chồng tài liệu đặt trên bàn. Thời gian thử việc bắt đầu với công việc chính là đọc văn bản để nắm quy trình, hỗ trợ và làm một số công việc được giao. Với điểm yếu chung của hầu hết các bạn sinh viên là ít khi đọc luật và ngại nghiên cứu văn bản quy định, mặc dù các giáo trình môn học thì nắm rất chắc cùng điểm tổng kết rất cao, tôi chính là một trong số đó. Biết bao văn bản quy định của Ngành và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan mà gần như tôi chưa bao giờ đọc trọn vẹn, trong khi công việc sau này sẽ luôn phải bám sát quy trình, quy định. Tôi đã thực sự bị sốc khi nhận ra lỗ hổng kiến thức rất thiết thực này của mình, và chắc hẳn các bạn cũng hình dung ra được tôi sau đó ra sau để vượt qua được đợt báo cáo thử việc rồi chứ. Nên các bạn hãy rút kinh nghiệm, tìm đọc các văn bản quy định có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực của mình ngay từ bây giờ đi nhé!

Tôi nhớ mãi lời chị T cùng phòng lúc tôi vừa đến nhận nhiệm vụ tại phòng Quản lý Khách hàng Cá nhân sau 3 tháng thử việc, như để an ủi và xoa dịu nỗi lo lắng đằng sau đôi mắt chữ A mồm chữ O của tôi trước sự hiểu biết về kiến thức xã hội của các anh chị, “Em cứ làm ở phòng này một thời gian thôi là em biết hết nhà cửa ngõ ngách nào của ai, đáng bao nhiêu tiền, ông nọ bà kia làm nghề gì, tương cà mắm muối đến xe sang giá cả thế nào là sẽ biết hết, đừng lo lắng quá!”.

Tôi bán tín bán nghi cười trừ dạ vâng, vì lúc đó thú thật có ai gọi tôi là “con gà công nghiệp” thì tôi cũng gật đầu nhận ngay, thay vì bắt tôi trả lời “đường Nguyễn Văn Tố ở đâu? Mét vuông đất ở đó cỡ bao nhiêu tiền?...”. Tuy nhiên không lâu sau đó tôi bắt tay vào làm chính thức, khách hàng của tôi người làm nghề bán gạo, bán rau quả ở chợ, người trồng quýt…, nên tôi phải biết được tình hình buôn bán của họ ra sao, giá cả các mặt hàng kinh doanh, doanh thu lãi lỗ của họ thế nào, có đủ để trả nợ vay đúng thời hạn hay không? Rồi có khách hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mở trang trại lợn, tôi lập tức nắm được giá cả lợn thịt, lợn giống trên thị trường, thậm chí là chu kỳ sinh sản của lợn mẹ bao lâu thì có thể cho bán một lứa lợn con! Rồi có người thế chấp nhà cửa, ô tô, tôi đương nhiên cũng nắm được bảng giá đất trên địa bàn tỉnh lẫn giá cả xe cộ như thế nào…

Nếu bạn chọn trở thành một cán bộ tín dụng, thì hãy từ bỏ suy nghĩ ngày ngồi bàn giấy, phòng điều hòa 8 tiếng rồi xách túi ra về là có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi văn bản thì có sẵn để nghiên cứu, nhưng những kiến thức thực tế như vậy đòi hỏi phải có sự nhạy bén quan sát, lắng nghe và khéo léo thu thập một cách liên tục. Làm tín dụng rồi sẽ thấy kĩ năng mềm là hết sức cần thiết, để tiếp xúc với bao nhiêu khách hàng thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biết là khách hàng cá nhân càng đa dạng hơn nữa, mỗi người một tính cách. Có kỹ năng mềm để phục vụ khách hàng tốt hơn, làm hài lòng khách hàng hơn, nhưng đồng thời vẫn thu thập được thông tin cần thiết cho bạn. Những thông tin đó tạo nên chữ “Tín” trong khoản “Tín dụng” mà bạn sắp giải ngân, nếu không đủ tín bạn có dám cho khách hàng đó vay tiền không, hay nhắm mắt giải ngân cho đủ chỉ tiêu dù biết chắc rằng tương lai sẽ có ngay một khoản nợ xấu?!

Bên cạnh áp lực về chỉ tiêu doanh số hoặc thậm chí là những cám dỗ, luôn là những quy định chặt chẽ về an toàn tín dụng. Đó cũng chính là một trong những thách thức lớn và đặc thù nhất của nghề Tín dụng.

Vinh quang là có thể mỉm cười không hối tiếc khi nhìn lại quãng đường mình đã đi.

Dù thời điểm năm 2013 ngành ngân hàng không còn là quá “hot” nữa, và chi nhánh tôi công tác chỉ là một chi nhánh nhỏ trong toàn hệ thống. Nhưng vì những mong ước đã được nhen nhóm, ấp ủ đủ lớn, vì khát khao được dấn thân thử sức nên khi được khoác lên mình bộ đồng phục và gắn lên ngực dòng tên của mình, được in nắn nót bên cạnh Logo của một Ngân hàng trong Top các ngân hàng lớn nhất Việt Nam, tôi đã không giấu nổi niềm vui mừng, xúc động.

Rồi bắt đầu những thứ bảy, chủ nhật vẫn phải đến cơ quan để làm hồ sơ cho kịp tiến độ giải ngân. Thêm những trưa hè nắng cháy hay ngày đông rét cóng vẫn đến tận nhà khách hàng để thẩm định, bụng sôi cồn cào vì mùi thức ăn của bữa cơm quây quần ấm cúng mà vẫn cố tươi cười làm cho xong việc mới chạy vội đi mua một suất cơm bụi, rồi lại quay về cơ quan... Năm đầu tiên tôi còn lo lắng với việc tìm kiếm khách hàng, nhưng đến năm thứ hai lượng khách được bạn bè, người thân, đồng nghiệp của họ giới thiệu đến đã tăng lên nhiều. Vậy thì bao vất vả có là gì, không vui sao được khi được khách hàng tin tưởng, lãnh đạo thừa nhận năng lực và đồng nghiệp sẻ chia. Cảm ơn tất cả những khó khăn, thử thách để qua mỗi ngày tôi càng cảm thấy mình xứng đáng hơn với danh hiệu “Mỗi cán bộ là một lợi thế cạnh tranh” như quan điểm xuyên suốt của ngân hàng.

Tôi cứ bị ám ảnh bởi những lời ca của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý viết về cô gái Tày đi làm tín dụng từ những năm 1971:

“Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng,

Làm tín dụng, em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ,

Nuôi thêm nhiều lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…”

Bài hát ra đời khi nhiệm vụ chiến lược của ngành ngân hàng là cung ứng vốn kịp thời phục vụ miền Nam đánh Mỹ và miền Bắc đi lên xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Còn bây giờ khi đất nước đã lặng khói bom, im tiếng súng hơn 40 năm thì ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, những ca từ đó vẫn nói lên đúng nhiệm vụ của chúng tôi - Những cán bộ tín dụng công tác tại vùng cao. Thấp thoáng tôi thấy bóng dáng mình - Cô gái Tày đi làm tín dụng để cho những “bông lúa chắc đều hạt ngô thắm nở”, để “xây nên những mái ngói đỏ như son”, để “bản làng khác thuở năm xưa”. Dù chỉ góp chút công lao nhỏ bé, nhưng chúng tôi đã vui cùng nụ cười rám nắng khi bà con được mùa, hạnh phúc cùng những mái nhà nho nhỏ nhưng là tâm nguyện cả một đời tằn tiện lam lũ được cất lên.

“Vinh quang không phải đích đến mà là trên mỗi chặng đường”, và với tôi vinh quang là khi có thể mỉm cười không hối tiếc nhìn lại quãng đường mình đã đi. Cho dù là ngân hàng hay bất cứ ngành nghề nào đi nữa, nếu chưa trải qua những gian nan thử thách, chưa thực sự hết mình cố gắng cho công việc thì chưa thể chạm đến thứ cảm xúc đó. Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị bạn bè đồng nghiệp, những người đã dìu dắt tôi bước qua thử thách, cùng đi qua khó khăn, để tôi có được niềm tự hào như hôm nay khi nghĩ về.

------------------

Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.

Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn. Các bài dự thi được lựa chọn đăng tải sẽ được nhận nhuận bút cùng với cơ hội đoạt giải thưởng lên đến 30 triệu đồng trong gói giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.

Vi Hải Thư (BIDV Bắc Kạn)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên