MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện quả oliu và 1001 cách cắt giảm chi phí của các hãng hàng không

01-10-2016 - 07:32 AM | Tài chính quốc tế

Các hãng hàng không làm thế nào để cắt giảm chi phí mà không làm giảm chất lượng dịch vụ, trong bối cảnh yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và lợi nhuận biên ngày càng bị thu hẹp?

Những năm 1980, một tiếp viên hàng không của hãng American Airlines quan sát và nhận thấy hành khách sẽ hào hứng ăn hết hộp salad trong bữa tối trên máy bay nhưng 3/4 trong số họ có thói quen bỏ lại quả oliu trong khẩu phần của mình.

Robert Crandall – ông chủ của American Airlines khi đó – ngay lập tức bỏ quả oliu ra khỏi suất ăn. Bên cung cấp thực phẩm tính tiền theo số lượng nguyên liệu trong hộp salad: 60 cent cho 4 nguyên liệu nhưng giá cho 5 nguyên liệu lên tới 80 cent và oliu chính là nguyên liệu thứ 5. Do đó, dù chỉ là những quả oliu nho nhỏ, động thái này đã giúp American Airlines tiết kiệm được tới 40.000 USD mỗi năm.

Năm 1994, Southwest Airlines cũng nghe theo đề xuất của một tiếp viên và bỏ logo trên các túi đựng rác, giúp tiết kiệm được khoản chi phí in ấn lên tới 300.000 USD mỗi năm.

Hai ví dụ trên đây là ví dụ chính xác để trả lời cho câu hỏi: các hãng hàng không làm thế nào để cắt giảm chi phí mà không làm giảm chất lượng dịch vụ, trong bối cảnh yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và lợi nhuận biên ngày càng bị thu hẹp?

Có thể ví von các hãng hàng không đã học tập cách ép cân của những siêu mẫu muốn có thân hình đồng hồ cát. Họ sử dụng những tấm thảm mỏng hơn, phục vụ thức ăn trong những chiếc hộp giấy để cắt giảm chi phí. Một số thậm chí còn dỡ bỏ các thiết bị an toàn sử dụng trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp trên mặt nước nếu máy bay không bay qua vùng biển.

Trọng lượng của những chiếc ghế cũng được giảm xuống. Trên những chiếc máy bay Airbus A321, hãng hàng không Air Mediterranée của Pháp thay thế 220 ghế hạng phổ thông (mỗi chiếc nặng 12kg) bằng những chiếc nhỏ gọn hơn được làm từ những vật liệu siêu nhẹ (như titanium) và chỉ nặng có 4kg. Hãng hàng không giá rẻ GoAir của Ấn Độ thì chỉ tuyển dụng tiếp viên hàng không nữ vì trung bình họ sẽ nhẹ hơn 10 đến 15kg so với các đồng nghiệp nam.

Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt, các biện pháp này giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu đáng kể. Theo tính toán, mỗi kg giúp các hãng tiết kiệm tới 100 USD tiền nhiên liệu mỗi năm.

Những chiếc máy bay hiện đại còn được thiết kế theo kiểu dáng nhỏ gọn nhất có thể. Southwest Airlines ước tính có thể tiết kiệm 54 triệu gallon nhiên liệu mỗi năm sau khi chuyển sang sử dụng những mẫu máy bay hiện đại được lắp đặt thêm những cánh lượn hoặc có đuôi gập nhằm nâng hiệu suất vận hành của cả chuyến bay.

EasyJet, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng châu Âu, sử dụng loại sơn đặc biệt giúp loại bỏ những cú va đập siêu nhỏ để máy bay di chuyển dễ dàng hơn và do đó giúp tiết kiệm nhiên liệu.

Trên toàn thế giới, các phi công được khuyên là không nên cất cánh khi bướm ga mở hoàn toàn và nên chuyển máy bay đến vùng không khí loãng hơn và ít lực cản hơn càng nhanh càng tốt. Các phi công phải biết cách vận hành máy bay sao cho tiết kiệm được nhiều nhiên liệu nhất.

Các hãng hàng không châu Âu tính toán rằng thời gian để hành khách lên máy bay cũng như chất hành lý lên khoang quá lâu cũng đem khiến họ thiệt hại tới 1 tỷ USD mỗi năm. Và Airbus đã có câu trả lời cho vấn đề này: họ vừa được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm cabin di động. Các vị trí chỗ ngồi trong cabin giống với trên khoang máy bay. Cabin này được đặt ở cửa ra tàu bay, “chất đầy hành khách và hành lý” sau đó được đưa vào một chiếc máy bay rỗng giống như một hộp diêm vừa khít với cái vỏ của nó. Khi máy bay hạ cánh, việc cần làm là thay thế cabin thay vì chờ đợi khách lên và xuống.

Chi phí thực hiện ý tưởng của Airbus có thể lên tới hàng tỷ USD và sẽ phải mất nhiều năm để triển khai. Thậm chí nhiều người còn hoài nghi về tính khả thi của nó. Trong lúc ấy, các hãng hàng không sẽ tiếp tục bỏ đi những quả oliu thừa.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên