MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chuyện thất bại] Cha đẻ Google từng "mất chức" vì quyết định sai lầm

30-07-2017 - 15:44 PM | Tài chính quốc tế

CEO Larry Page, người yêu Google bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết đã buộc phải từ bỏ vị trí lãnh đạo vì quyết định sai lầm của mình.

LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.

NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp.

Kỳ 17: Cha đẻ Google từng "mất chức" vì quyết định sai lầm

Có lẽ một trong những tấm gương điển hình nhất về ý chí vươn lên sau thất bại của một lãnh đạo công ty là Larry Page - CEO và là nhà đồng sáng lập của Google. Chàng sinh viên tốt nghiệp trường Stanford đã nuôi ý định sáng tạo một "cỗ máy" tìm kiếm thông tin. Lúc bấy giờ, Altavista là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất, sử dụng từ khóa để cho ra kết quả tìm kiếm có liên quan với thông tin người dùng cần. Page nhận thấy rằng sẽ tốt hơn nếu một công cụ tìm kiếm có thể xếp hạng các trang web dựa theo tính liên quan của các trang web đó so với nội dung mà người dùng đang cần bằng cách sử dụng các thuật toán từ khóa phức tạp hơn.

Larry Page cùng người cộng sự của mình Sergey Brin đã viết ra một phần mềm có thể phân tích, tổng hợp và sắp xếp nội dung trang web. Cả Page và Brin đều làm việc miệt mài thậm chí "quên" ngủ, tắm giặt và giao tiếp với bên ngoài.

Ngay sau khi hoàn thành, phiên bản đầu tiên của cỗ máy tìm kiếm đã thực sự thành công. Nó hoạt động tốt hơn so với những gì mà Page và Brin kỳ vọng trước đó. Ngay lập tức họ đã nhìn ra giá trị thương mại của cỗ máy tìm kiếm này. Tuy nhiên, cả hai đều muốn tập trung hoàn thành chương trình học tiến sĩ nên họ quyết định bán phần mềm này.

Page và Brin cố gắng bán phần mềm cho nhiều công ty về trang web năm 1997 nhưng không ai hứng thú về sản phẩm tìm kiếm này. May mắn là đến năm 1998 khi Larry Page và Sergey Brin nhận được 100.000 USD từ 1 nhà đầu tư để thành lập Google Inc trong một garage ở vùng ngoại ô Menlo Park, bang California và Larry Page được bổ nhiệm vị trí CEO. Họ ở trong “trụ sở” chật chội này trong vòng 6 tháng.

Ban đầu Google có tên là BackRub. Sau đó 2 nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đăng ký tên miền Google.com vào tháng 9 năm 1997. Tên gọi này có nguồn gốc từ "googol" - con số toán học biểu thị cho số 1 và 100 số 0 đằng sau. Tên gọi này nhấn mạnh mục đích tạo ra vô hạn tài nguyên web.

Larry Page, đồng sáng lập Google
Larry Page, đồng sáng lập Google

Đến 1999, Google phát triển nhanh chóng với xuất phát điểm chỉ có 2 nhân viên thành một công ty với hàng trăm nhân viên và thu hút được số vốn đầu tư mạo hiểm đầu tiên lên tới 25 triệu USD từ nhiều công ty thung lũng Silicon trong đó có Kleiner Perkins. Khi đó, Google được định giá 100 triệu USD.

Tuy nhiên, số vốn đó đi kèm với một thỏa thuận Page phải từ chức CEO. Ban đầu Page từ chối nhưng anh hiểu rằng Google đang cần vốn và ông đã đồng ý. Tuy chỉ vài tháng sau khi Google nhận được vốn, Page lên tiếng thay đổi quyết định và vẫn muốn giữ chức vụ CEO.

Ngay cả khi Google tăng trưởng theo cấp số nhân, Page vẫn nhấn mạnh rằng mình đóng vai trò trong sự thành công của mọi dự án. Trên thực tế, một trong những nguyên tắc quản lý mà Page đặt ra là "Không ủy thác quyền cho bất kỳ ai, làm mọi điều mà bạn có thể để hoàn thành công việc nhanh hơn".

Tháng 7/2001, Page bất ngờ đưa ra quyết định sa thải toàn bộ quản lý dự án bởi ông cho rằng họ không làm tốt phần việc của mình. Hơn thế nữa, ông không tin tưởng khả năng lãnh đạo của những người không có chuyên môn máy tính có thể quản lý đội ngũ kỹ sư của công ty. Tuy nhiên, quyết định này của ông không được đón nhận. Thậm chí, trong cuộc họp, một kỹ sư đã gắt lên rằng cách lãnh đạo của ông không chuyên nghiệp và những gì ông đang làm thật "lố bịch".

Cuối cùng, thực tế đã chứng minh quyết định của Page là sai lầm. Đội ngũ kỹ sư của công ty cần những người quản lý để "chèo lái" họ mỗi khi rắc rối xảy ra đồng thời đảm bảo rằng công việc được thực hiện đúng hạn. Page đã đưa ra một quyết định liều lĩnh, dại dột mà có lẽ sẽ không một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm dày dặn nào chấp nhận.

Một tháng sau, Larry Page miễn cưỡng trao vị trí CEO cho Eric Schmidt, một nhà quản lí kì cựu, người bắt đầu làm việc tại thung lũng Silicon từ đầu những năm 80, khi ấy Page vẫn còn đang học ở trường phổ thông.

Eric Schmidt giữ cương vị CEO trong vòng 10 năm. Dưới thời của Schmidt, Google phát triển phồn thịnh với sự kiện IPO thành công năm 2004 và thương vụ thâu tóm Android năm 2005. Số lượng nhân viên của Google tăng lên tới 24.000 người và giá trị vốn hóa thị trường đạt 180 tỷ USD.

Còn về phần Page, nhiều thông tin cho biết sau khi rời khỏi vị trí CEO ông cảm thấy "không vui" và thường xuyên không xuất hiện công khai. Thực ra, phải đặt địa vị vào hoàn cảnh của Page mới hiểu cảm giác hy sinh của một người dành trọn tâm huyết, trái tim cho Google trong nhiều năm mà Linked In đã so sánh giống như "cắt đi một chân".

Thế nhưng niềm vui trở lại với Larry Page khi một lần nữa được đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 2011. Sự trở lại của Page lần này hoàn toàn khác. Page trở thành một lãnh đạo sáng suốt hơn, ít tranh cãi, nóng nảy và điều quan trong hơn là ông đã học được cách bổ nhiệm người khác làm việc. Có lẽ điều quan trọng nhất là Larry Page đã thực sự trưởng thành. Thay vì chấp nhận thất bại khi buộc phải dời vị trí CEO, Larry Page quay trở lại với tâm thế mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn và trở thành tâm gương sáng biến thất bại thành thành công.

Theo Đức Quỳnh

NDH

Trở lên trên