MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tối thứ 4: Nên tặng bò hay nên giết đi con bò cuối cùng của bạn?

10-05-2017 - 20:00 PM | Doanh nghiệp

“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - Ngạn ngữ Châu Phi.

Tuần này, câu chuyện đến với bạn là câu chuyện về những con bò. Có thể giúp người ta thoát nghèo bằng cách "tặng cần câu chứ không tặng cá", nhưng cũng có khi, nên thả nốt con cá cuối cùng trong giỏ cá mới là cách giúp đỡ tốt nhất.

Nên tặng bạn con bò khởi nghiệp?

Chuyện kể rằng, ở làng nọ có anh Giàu rất tốt bụng, là bạn thân với anh Nghèo, nhà cũng gần nhau, lớn lên với nhau từ bé. Anh Giàu sau thời gian dài đi làm ăn xa về, tạo dựng được số vốn liếng kha khá, thấy anh hàng xóm cũng là bạn thân hồi niên thiếu đang sống quá nghèo khổ, liền nghĩ việc giúp bạn thoát nghèo.

Là người giỏi kinh doanh làm ăn, anh Giàu hiểu rằng muốn giúp bạn thoát nghèo thật sự thì cần “tặng cần câu cá chứ không tặng cá”.

Vì thế, hôm sau anh Giàu lên chợ huyện mua 1 con bò béo khỏe về tặng anh Nghèo, còn không quên dặn dò bạn: "Anh cứ khai hoang ruộng đất, đợi đến mùa xuân tới, tôi về sẽ mang theo hạt giống cho bạn, mùa thu năm tới bạn đã có thể thu hoạch và thoát nghèo rồi". Nói rồi anh Giàu lại lên đường tiếp tục công việc làm ăn của mình.

Anh Nghèo tràn đầy hy vọng, ngay chiều hôm đó đưa bò ra đồng làm việc với viễn cảnh thoát nghèo diễn ra trước mắt. Tuy nhiên, chỉ được mấy ngày đầu hăng hái, viễn cảnh lo cỏ cho bò ăn, lo cơm cho người…lại khiến anh Nghèo suy nghĩ: “hay mình bán bò đi, mua được 3 con dê. Trước hết thịt một con dê để ăn, vẫn còn 2 con, mình sẽ nuôi nó lớn, sinh con và gầy dựng đàn dê mới. Như thế hẳn là nhanh kiếm được tiền lắm”.

Nghĩ là làm, anh Nghèo ngay lập tức gọi người đến bán bò, mua dê và thịt bớt 1 chú dê lấy thịt ăn dần. Tuy nhiên, chỉ được 1 tuần, thịt dê cũng hết, dê lại chưa đến lúc sinh con. Anh Nghèo nghĩ bụng: “kiểu này phải giết 1 con dê nữa mất. Mà thế thì làm sao có 1 đàn dê được. Hay thôi bán 2 con dê này, mua lấy mấy chục con gà, vừa có thể thịt để ăn, gà lại cũng nhanh đẻ trứng có thể bán được tiền...”

Nghĩ là làm, anh Nghèo mang dê đi bán và mua gà về. Tuy nhiên, gà chưa kịp đẻ trứng, ấp con, thì anh Nghèo đã lần lượt làm thịt lấy thức ăn cho gia đình. Chẳng mấy chốc đàn gà cũng chẳng còn con nào, và anh Nghèo lại trở về trắng tay như xưa.

Mùa xuân đến, anh Giàu trở về mang theo bao nhiêu hạt giống và hy vọng, tuy nhiên, thấy tình cảnh anh Nghèo, cảm thấy quá nản nên liền quay trở ra, về với công việc của mình.

Bất kể công việc của bạn là gì, bạn cũng có thể kết nối chúng với một mục đích lớn hơn, và mục đích đó sẽ giúp bạn yêu những gì mình đang làm.


Bài học rút ra là: Thành công là điều bất kỳ ai cũng mong muốn. Tuy nhiên điều quan trọng để dẫn tới thành công là kiên trì.

Chuyện anh Nghèo anh Giàu cũng như starup mà nay đang được nhắc nhiều đến. Không cần kêu gọi vốn, anh Giàu đã như một nhà tài trợ vốn cho anh Nghèo khởi nghiệp. Tuy nhiên, không đủ kiên trì theo đuổi ý tưởng, lập trường ban đầu, mà anh Nghèo đã bỏ qua mất cơ hội của mình.

Anh Nghèo có thể biện mình các giải pháp anh đưa ra là thức thời, tuy nhiên, do không kiên định với định hướng đề ra, thường xuyên chuyển hướng đầu tư trước áp lực cuộc sống đã dẫn đến thất bại trước mắt.

Tỷ phú Jack Ma, người được biết đến như là người sáng lập website thương mại quốc tế nổi tiếng Alibaba cho rằng: "Niềm tin ngày hôm nay để đối mặt với tương lai đến từ kinh nghiệm nghiệt ngã của chính chúng ta 5 năm về trước".

Ông từng nói: "Hôm nay rất gian khổ, ngày mai nghiệt ngã hơn, nhưng ngày kia lại tươi sáng. Nhưng đa số chúng ta lại chết ở tối ngày mai và chẳng thể nhìn thấy ánh hào quang của ngày kia. Bởi vậy, làm bất cứ việc gì cũng cần kiên trì".


Hay thực ra nên giết nốt con bò cuối cùng của bạn?

Một câu chuyện khác về một con bò khác, một khởi đầu khác cũng như kết cục hoàn toàn khác. Nhờ đó, chúng ta nhận ra rằng, mọi việc thành bại đều do chính mình và cách xử sự của mình đối với hoàn cảnh gặp phải.

Chuyện kể về 2 thầy trò một nhà hiền triết nọ, một hôm đi qua một ngôi làng xa lạ. Sau một ngày nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống những người trong làng, tối đó 2 thầy trò xin ngủ tạm trong nhà một gia đình cuối xóm. Đây là gia đình nghèo khổ nhất làng, cả nhà từ ông bà cụ, con cái đến cháu chắt hơn chục người sống trong căn nhà tranh rách nát. Nguồn thu duy nhất từ một con bò để vắt sữa hàng ngày. Đó là tài sản quý nhất của gia đình.

Sau một hồi lâu nói chuyện cùng gia đình, 2 thầy trò được cho ngủ lại trong căn chòi rơm. Nửa đêm, nhà hiền triết giục cậu học trò dậy lên đường đi tiếp. Trước khi đi còn không quên lấy con dao trên vách đâm chết con bò. Câu học trò hoang mang không hiểu những cũng vội theo chân thầy rời làng sợ bị vạ lây.

Bẵng đi mấy năm sau, 2 thầy trò lại có dịp đi qua ngôi làng đó. Anh học trò sợ hãi bảo thầy tránh xa, vòng đường khác. Nhưng nhà hiền triết không nghe, cùng học trò đi về cuối làng. Cả 2 cùng ngạc nhiên khi thấy, thay cho căn nhà tranh cũ nát năm xưa là căn nhà ngói khang trang.

Mạnh dạn vào hỏi thăm, gia đình năm xưa nhận ra 2 thầy trò đã giết bò của mình, liền rối rít cảm ơn 2 thầy trò rồi kể lại. Thì ra, sáng dậy khi phát hiện con bò đã chết, gia đình cũng rất hoảng sợ. Tuy nhiên, kỹ năng sinh tồn nên phải tự xoay xở bằng cách ra đồng khai hoang đất trồng lương thực, ban đầu để khỏi chết đói, sau để bán và lấy vốn chăn nuôi thêm. Giờ họ đã có cuộc sống khá sung túc.


Nếu bạn có 1 công việc đủ để bạn lo cho cuộc sống, bạn sẽ có tâm lý ỷ lại. Chính con bò đã trói buộc cả gia đình nghèo trong sự bao bọc an toàn. Mất đi vỏ bọc, họ mới nghĩ đến chuyện phải chống chọi với cuộc sống và mới tự mình vươn lên.

Đôi khi, quẳng cho bạn một cái phao và bạn chẳng biết cách sử dụng nó để thoát nạn. Nhưng đôi khi, vì cái phao cuối cùng đã hỏng và bạn phải tự cố cứu lấy mình. Vì thế, hãy chọn đường đi cho mình để luôn là người đi trước.

Trong kinh doanh, sai lầm nhất chính là giữ khư khư giả định hay suy nghĩ cảm tính về mọi thứ mà không cởi mở trước cái mới và nhận thức đúng đắn về những gì đang xảy ra. Nhiều khi, cần một cú sốc để tạo "cú huých" tỉnh thức cho quan niệm cố hữu của chúng ta, để dễ dàng tiếp nhận những điều mới hay thói quen mới.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên