MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CII: "Thùng không đáy" gọi vốn trên thị trường chứng khoán

02-08-2017 - 09:26 AM | Doanh nghiệp

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) có lẽ là đơn vị chăm chỉ gọi vốn đầu tư nhất bất kể là từ nguồn nào, vay, trái phiếu hay vốn cổ phần.

“Thùng không đáy” gọi vốn

Mới đây, HĐQT CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) vừa công bố phương án chào bán 123 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1.

Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên 2017 đã chấp thuận trong trường hợp CII phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu thì Trái chủ Quỹ Đầu tư Rhinos Asset Management được quyền mua hơn 17,7 triệu cổ phần mới dưới hình thức phát hành riêng lẻ với giá chào bán 26.040 đồng/CP. Số lượng vốn huy động dự kiến là 2.305,2 tỷ đồng. Phương án tăng vốn này sẽ được HĐQT đem ra thảo luận tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới đây.

Với thông tin này thì nhà đầu tư trên thị trường đã phản ứng tiêu cực khiến cổ phiếu CII có nhiều phiên liên tiếp giảm điểm từ mức 38.550 đồng/CP xuống 32.400 đồng/CP. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi CII thường xuyên phát hành trái phiếu chuyển đổi nên số lượng cổ phiếu CII bị pha loãng liên tục trong những năm vừa qua.

Tính đến 30/6/2017, CII đã phát hành ra công chúng 279,8 triệu cổ phiếu, trong đó có 33,56 triệu cổ phiếu quỹ và 246,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, nếu đợt phát hành thực hiện thành công, thị trường sẽ có thêm 140,7 triệu cổ phiếu CII, trong đó 123 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế thời gian giao dịch. Điều này làm pha loãng đáng kể giá cổ phiếu.

Dù mức giá phát hành chỉ 15.000 đồng/CP, chưa tới ½ thị giá hiện tại nhưng cũng khó xác định được CII có thành công trong đợt chào bán này không.

Tuy nhiên, Công ty lại rất hành công trong việc huy động vốn từ kênh trái phiếu. Cuối tháng 7 vừa qua, CII đã phát hành riêng lẻ thành công 2 triệu trái phiếu, tương ứng 200 tỷ đồng giá trị với lãi suất 8% năm đầu tiên và từ năm thứ 2 sẽ là lãi suất tham chiếu + 1%/năm. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo nhưng được đảm bảo giao dịch; tức là nhà đầu tư có nhu cầu bán lại thì Tổ chức giao dịch trái phiếu sẵn sàng mua và ngược lại. Theo CII, sản phẩm huy động vốn này mới nên chỉ phát hành 200 tỷ để đánh giá nhu cầu thị trường, nếu được thị trường đánh giá cao thì sẽ phát hành quy mô lớn hơn.

Trước đó, cuối năm 2016, CII lên kế hoạch huy động 60 triệu USD (1.350 tỷ đồng) qua việc chào bán 120.000 trái phiếu chuyển đổi mệnh giá 500.000 USD/trái phiếu với lãi suất 1%/năm và thanh toán nửa năm 1 lần. Đối tượng mua chính là Rhinos Asset Management (RAM) và các đơn vị liên quan. Giữa tháng 7/2017, CII đã phát hành nốt 20 triệu USD còn lại hoàn tất tổng cộng 60 triệu USD cho RAM và tổ chức liên quan. CII ước tính tại mức giá chuyển đổi 38.500 đồng/CP, nếu RAM thực hiện chuyển đổi thì Công ty sẽ bán 33,5 triệu cổ phiếu quỹ hiện có và thu thặng dư bằng tiền gần 540 tỷ đồng. Trái chủ được tiến hành chuyển đổi sang 1 năm kể từ ngày phát hành (05/1/2017).

Trước khi phát hành cho RAM thì năm 2014, CII cũng đã thành công trong việc phát hành 1.081 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên thời điểm đó. Tính đến 30/6/2017, Công ty đã tiến hành 4 đợt chuyển đổi trái phiếu thành 97,1 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, CII cũng không hề bỏ qua kênh huy động vốn từ vay ngân hàng mặc dù kênh này chi phí vốn lớn hơn hai kênh còn lại. Tính đến cuối quý II, CII có 11.809 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 60,7% tổng tài sản. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.864 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 7.098,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản là 46%. Chủ nợ lớn nhất của CII chính là VietinBank và BIDV.

Tiền đổ về đâu?

Theo công bố thông tin về tiến độ sử dụng 1.081 tỷ đồng huy động được từ trái phiếu chuyển đổi phát hành năm 2014, Công ty cho biết mới sử dụng 678,6 tỷ cho góp vốn Công ty E&C (120 tỷ), thanh toán nợ gốc và lãi đến hạn của đợt trái phiếu phát hành năm 2007 (500 tỷ), bổ sung vốn lưu động 558,6 tỷ đồng.

Số tiền còn lại để đầu tư dự án BOT kết hợp BT cao ốc 152 Điện Biên Phủ nhưng tính đến 30/6/2017 mới giải ngân 88,7 tỷ đồng. Dự án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, sau khi Ủy ban nhân dân TPHCM có quyết định định giá và giao đất thì CII thực hiện thủ tục làm hồ sơ mời thầu để tiến hành triển khai thi công dự án. Trong thời gian chờ thi công thì nguồn tiền còn lại 314,3 tỷ được để ở tài khoản ngân hàng và một phần hỗ trợ dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Đối với phương án huy động 60 triệu USD từ RAM, Công ty dùng để đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4 có diện tích khoảng 89,35 ha) và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chi Thọ) trong Khu đô thị mới Thủy Thiêm theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao. Dự án có tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng nên 60 triệu USD trên chỉ mới đáp ứng 51%. Phương thức thanh toán của dự án là Công ty sẽ nhận được 9 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài ra, mục đích mà CII lên kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ là do với chủ trương kêu gọi đầu tư dưới hình thức PPP của Chính phủ, tính cạnh tranh càng gay gắt, từ năm 2016 trở đi, CII chỉ tập trung vào các dự án quy mô lớn, mua lại dự án hiệu quả đã đi vào khai thác. Trong thời gian tới, Công ty cần vốn để giải ngân vào các dự án như 152 Điện Biên Phủ, hợp tác với HongKong Land để phát triển các dự án bất động sản trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội, dự án BOT cầu đường Bình Triệu (phần 2 – giai đoạn 2),…

Cụ thể, phần đất nhận được từ dự án BOT Thủ Thiêm, CII sẽ bắt tay với Hongkong Land để phát triển tổng cộng khoảng 965 căn hộ cao cấp, biệt thự trên không, căn hộ sân vườn tổng vốn tham gia lên đến hơn 400 triệu USD.

Ngoài các dự án đã và đang triển khai, Công ty còn xúc tiến đầu tư hai dự án lớn khác. Đó là dự án Đường trên cao số 1 tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, chiều dài 9,5 km. Đây là tuyến đường giao thông kết nối khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố. CII đã chính thức có văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án và dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Tiếp theo, CII thương thảo để mua lại 51% cổ phần trong dự án BOT Cầu Cổ Chiên đã được nhà đầu tư khác đầu tư và đưa vào sử dụng do tầm quan trọng của dự án trong việc kết nối với các dự án cầu Rạch Miễu và dự án mở rộng Quốc lộ 60.

Tham vọng không giới hạn

Nói về các mảng kinh doanh, CII đang xây dựng mô hình holdings tập trung vào 5 mảng chính dịch vụ (CII Service), cầu đường (CII B&R), xây dựng (CII E&C), bất động sản (CII Land) và nước (Saigon Water). Trong đó, 3 công ty đại diện cho 3 mảng cầu đường, xây dựng và nước đã niêm yết cổ phiếu trên sàn với mã chứng khoán LGC, CEE và SII; riêng CII Land đang trong quá trình thâu tóm CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB). Tính đến 05/5/2017, CII đã sở hữu 30,08% vốn NBB.

Tại thời điểm cuối năm 2016, Công ty đã góp vốn tổng cộng 4.000 tỷ đồng vào 10 công ty chủ yếu đều thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong đó có 6 công ty con. Ban lãnh đạo cho biết với số vốn mồi 4.000 tỷ này Công ty đã và đang huy động vốn gấp nhiều lần trên thị trường tài chính để đầu tư vào các dự án. Dự kiến, tổng vốn đầu tư sẽ thực hiện trong vài năm tới lên đến 40.000 tỷ đồng.

Tham vọng này của CII là hoàn toàn có cơ sở khi năm 2015, CII đã rất thành công trong việc kết nối đối tác chiến lược Metro Pacific Tollway Corporation (MPTC) với công ty con CII B&R (LGC) và thu lợi gần ngàn tỷ đồng. Cụ thể, CII đã góp thêm vốn vào LGC với giá 10.000 đồng/CP nhưng sau đó bán lại 30 triệu cổ phiếu cho MPTC và thu chênh lệch lên đến gần 300 tỷ đồng. Đồng thời, CII mua 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi LGC với giá chuyển đổi 10.000 đồng/CP và phát hành 1.020 tỷ đồng trái phiếu CII cho MPTC để hoán đổi cổ phiếu LGC với giá chuyển đổi 18.000 đồng/CP. Trong năm 2016, MPTC đã yêu cầu CII thực hiện hoán đổi và Công ty cũng hoán đổi toàn bộ 1.020 tỷ đồng trái phiếu thành 56,7 triệu cổ phiếu LGC cho MPTC. Phần chênh lệch ước tính là trên 450 tỷ đồng (8.000 đồng mỗi một cổ phiếu LGC được chuyển đổi).

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên