MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có CAT 1, hàng không Việt Nam chưa thể bay thẳng đến Mỹ nếu thiếu những điều kiện, thủ tục này

Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) mà Việt Nam nhận được chiều 15/2 chỉ là bước đầu trong kế hoạch thiết lập đường bay thẳng Việt – Mỹ.

CAT 1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế FAA, được dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). CAT 1 là yếu tố then chốt để các quốc gia muốn thiết lập đường bay thẳng đến Mỹ.

Tuy nhiên, nếu chỉ có chứng chỉ CAT 1 thì sẽ là không đủ cho việc xây dựng đường bay thẳng này.

"Khi có CAT 1, các hãng hàng không Việt Nam có quyền đệ đơn xin thiết lập đường bay thẳng đến Mỹ. Nhưng vẫn còn 2 thủ tục nữa", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam nói với Trí Thức Trẻ.

Thứ nhất, Bộ An ninh nội địa của Mỹ sẽ đánh giá an ninh hàng không tại các sân bay và các hãng hàng không Việt Nam có đạt chuẩn đảm bảo hay không. "Vấn đề này đã được thanh sát nhiều lần, không có vấn đề gì lớn cả", ông Thắng nhận định.

Thứ hai, phía Mỹ sẽ đánh giá năng lực của từng hãng hàng không Việt Nam muốn tham gia bay thẳng. "Vấn đề bay giờ chủ yếu phụ thuộc vào các hãng trong nước", ông Thắng cho biết.

Để bay thẳng đến Mỹ, các hãng hàng không cần phải sử dụng những máy bay như Boeing 787-9, Airbus A350: thân rộng, có khả năng khai thác các chặng bay dài.

Tính đến nay, trong nước mới chỉ có Vietnam Airlines đáp ứng được yêu cầu tàu bay thân rộng hoặc có một điểm dừng kỹ thuật, tức dừng tối đa 1 giờ để tiếp nhiên liệu, đồ ăn, hành khách không cần phải rời máy bay.

Hai hãng bay khác là Vietjet Air và Bamboo Airways dù có kế hoạch lập đường bay thẳng đến Mỹ nhưng đang vấp hạn chế là chưa có máy bay thân rộng.

Theo Bloomberg, Vietjet đã có kế hoạch bổ sung thêm máy bay thân rộng để phục vụ cho những chuyến bay thẳng đầu tiên đến California vào năm 2019. Bamboo Airways cũng khẳng định chắc chắn sẽ có đường bay thẳng đến Mỹ trong năm 2020.

Theo ông Thắng, nếu Việt Nam chưa thể có đường bay thẳng đến Mỹ, thì chứng chỉ CAT 1 cũng có ý nghĩa rất lớn. CAT 1 cũng đồng thời là yêu cầu bắt buộc để các hãng bay Việt có cơ hội liên danh (code share - chuyến bay định kỳ mang tên cùng lúc nhiều hãng hàng không) với các hãng hàng không Mỹ.

Mặt khác, với CAT 1, hàng không Việt Nam đã bước lên một nấc thang vị thế mới, chứng tỏ năng lực, chất lượng trong quản lý, an toàn bay.

Để đạt được CAT 1, Việt Nam đã mất 7 năm chuẩn bị, nhưng việc duy trì tiêu chuẩn này còn khó khăn hơn, theo ông Thắng. Thái Lan từng được cấp chứng chỉ này nhưng sau đó đã bị hạ xuống CAT 2. Việc hạ cấp có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành.

Với quy định của Cục Hàng không liên bang (FAA), trong trường hợp của Việt Nam, 1 năm nữa phía Mỹ sẽ thanh sát lại. Và trong các năm tiếp theo, Mỹ sẽ theo dõi quá trình hoạt động và có thể có hoạt động kiểm tra, thanh tra bất thường.

Do đó, ông Thắng cho biết Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên ngành, hệ thống tổ chức của ngành hàng không dân dụng phải liên tục cập nhật. Chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực và huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất trong đánh giá của FAA. Việt Nam phải thường xuyên bổ sung nâng cao số lượng, củng cố chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, nguồn lực Nhà nước cần đảm bảo cho ngành hàng không duy trì năng lực.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên