MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế tài chính mới giúp huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý hơn

Trong năm 2018, ngành tài chính sẽ nỗ lực triển khai tái cơ cấu thu chi ngân sách theo hướng hợp lý hơn, đồng thời, tăng cường tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chính sách tài chính mới, sẽ giúp huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý, công bằng hơn, góp phần chống thất thoát, tham nhũng lãng phí.


Đây là những nội dung chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018.

Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn đặc biệt nhất trong công tác điều hành tài chính-ngân sách năm 2017 của Bộ Tài chính?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có thể nói năm 2017 tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đóng góp vào việc hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trước tiên, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Công tác xây dựng thể chế năm 2017 đã được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện với khoảng 220 văn bản pháp luật được trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, bao gồm: Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); 63 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án khác; 131 Thông tư...; tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đẩy mạnh, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ với 47 nhóm nhiệm vụ, 87 giải pháp và 175 sản phẩm đầu ra. Bộ đã rà soát cắt giảm nhiều thủ tục, đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong quản lý thuế (có trên 97% nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử được đẩy mạnh). Ngành hải quan cũng được điện tử hoá, tăng cường kết nối doanh nghiệp, kho bãi, cảng biển thuận lợi hơn. Đây cũng là điểm quan trọng vì Việt Nam là nền kinh tế mở với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp khoảng 1,7 lần GDP.

Điều này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần nâng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam từ 82/190 nền kinh tế lên thứ hạng 68/190 nền kinh tế (tăng 14 bậc)...

Thứ hai, tôi cho rằng Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương, chú trọng khai thác nguồn thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế.

Trong công tác quản lý chi NSNN, Bộ Tài chính đã rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ chi; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ. Tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán Quốc hội quyết định; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán, xử lý nhiệm vụ cấp thiết. Lần đầu tiên trong 10 năm chỉ tiêu bội chi NSNN được bảo đảm trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, bội chi NSNN năm 2017 giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán, cân đối ngân sách Trung ương và các địa phương cơ bản được đảm bảo.

Thứ ba, ngành tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính và quản lý nợ công. Năm 2017 ghi nhận thị trường chứng khoán và bảo hiểm đều có bước phát triển tốt. Ngoài ra, còn có nhiều kết quả về cổ phần hoá (CPH) và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, quản lý giá...

Đã hơn một năm qua, kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện Nghị quyết này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bám sát nội dung Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ Tài chính đã giúp Chính phủ chủ trì soạn thảo, để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), xác định rõ phạm vi nợ công; thống nhất đầu mối quản lý về nợ công; thu hẹp đối tượng và siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, đối tượng vay lại vốn vay nước ngoài; tăng cường quản lý sử dụng vốn vay lại và vốn vay có bảo lãnh Chính phủ. Ví dụ, nếu như trước đây vốn ODA thì còn cấp phát nhưng nay sẽ theo phương thức cho vay lại, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay của ngân sách địa phương, trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, minh bạch hoạt động vay nợ của địa phương. Bộ Tài chính cũng siết chặt bảo lãnh cho vay, gần như không cấp mới, điều này giúp kéo đỉnh nợ công xuống.

Bộ Tài chính cũng thực hiện tái cơ cấu lại NSNN. Thu cân đối NSNN trong 02 năm 2016-2017 đạt khoảng 24,6% GDP; tỉ trọng thu nội địa bình quân đạt trên 80% (so với tỉ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%).

Tổng chi ngân sách bám sát dự toán; trong đó cơ cấu chi có sự chuyển dịch đúng hướng, hướng tới thông lệ quốc tế. Cụ thể, chi đầu tư phát triển trong 2 năm 2016-2017 tăng lên bình quân chiếm 26-27% tổng chi NSNN (giai đoạn 2011-2015, dự toán chi ĐTPT chiếm 18,2%/tổng chi NSNN; thực hiện là 25%/tổng chi NSNN); tỉ trọng chi thường xuyên giảm đi trong dự toán 2 năm 2016-2017 là 64-65% (giai đoạn 2011-2015 là 67,8%).

Về cân đối NSNN, tỉ lệ bội chi NSNN tính theo GDP thực tế bình quân 2 năm 2016-2017 là 4,27% (tính theo Luật NSNN năm 2015 và GDP thực tế), trong đó bội chi năm 2017 khoảng 3,48% GDP thực hiện.

Về nợ công, thông qua các biện pháp tái cơ cấu, đã kéo dài kỳ hạn nợ (kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2017 ước là 13,5 năm, so với kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,7 năm), nâng kỳ hạn danh mục TPCP đến cuối năm 2017 là 6,7 năm (so với 5,98 năm thời điểm cuối năm 2016); lãi suất giảm; đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và ngoài nước, từ cơ cấu nợ trong nước/ngoài nước là 39%/61% năm 2011, chuyển thành 60%/40% năm 2016; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỉ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54%).

Ước đến 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3%GDP, trong đó nợ chính phủ khoảng 51,6% GDP, nợ được Bảo lãnh Chính phủ khoảng 9,1% GDP, trong giới hạn quy định.

Bộ Tài chính kỳ vọng rằng với việc triển khai các Nghị quyết này và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, sẽ là nền tảng để đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công đã đề ra.

Tuy nhiên, theo tôi để cơ cấu lại NSNN cần khắc phục được các thách thức, trong đó có việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu; còn  nhiều rủi ro chưa lường trước được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáp nhập và cổ phần hóa DNNN...

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể liên quan đến thực hiện nhiệm vụ tài chính đi đôi với quản lý tài sản công, có các công cụ chống lợi ích nhóm và tham nhũng mạnh mẽ, Bộ trưởng sẽ ưu tiên những nhiệm vụ nào để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có thể nói, các chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính rất sát sao, rất đúng và trúng.

Ví dụ với chỉ đạo của Thủ tướng là phải siết chặt, không để nhóm lợi ích “làm phép” trên tài sản công đúng vào thời điểm ngành tài chính cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý tài sản công đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.  Chúng tôi đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 16 văn bản quy pháp pháp luật hướng dẫn Luật gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng. Cùng với việc ban hành thể chế, chúng tôi triển khai tập huấn toàn quốc cùng các bộ ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thực hiện. Chúng tôi cũng quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng tới các cán bộ, đó là Bộ Tài chính không chỉ là nơi quản lý tiền bạc, mà cần có các công cụ tài chính hướng tới chống tham nhũng, lãng phí.

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính sẽ là nơi tham mưu chính sách tài chính lớn với tiêu chuẩn là phải khơi thông nguồn lực bố trí sắp xếp chi hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chúng tôi xác định đó nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, ngân sách.

Nhân dịp đầu Xuân năm mới Mậu Tuất 2018, thay mặt cho trên 74.000 cán bộ, công chức toàn ngành tài chính, tôi xin gửi lời chúc năm mới thành công tới toàn thể người dân, doanh nghiệp. Chúng ta hay cũng nhau thành công, cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu nhiệm vụ trong nghị quyết Quốc hội và kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm mà Chính phủ đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Huy Thắng (thực hiện)

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên