MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có doanh nghiệp Nhà nước sống chủ yếu dựa vào đất đai

Vấn đề sắp xếp đất đai đang là trở ngại lớn nhất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Hiệu quả nhờ đất đai

"Vấn đề đất đai không mới, tại sao cứ cổ phần hóa phải bàn đến đất đai?", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính dẫn đề phần trao đổi tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), sáng 6/11.

Bởi thực tế, theo ông Tiến, hiện nay sau khi rà soát tách bạch nguồn thu đất đai, nhiều DNNN từ làm ăn hiệu quả trở thành thua lỗ.

Dẫn chứng, ông Tiến cho biết trước đây, lợi nhuận của Văn phòng phẩm Hồng Hà, thay vì từ ngành nghề chính là kinh doanh văn phòng phẩm thì chủ yếu đến từ việc cho thuê đất đai trên phố Lý Thường Kiệt.

Có doanh nghiệp Nhà nước sống chủ yếu dựa vào đất đai - Ảnh 1.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp. Ảnh: N.Anh.

"Có doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại đất đai xong phát hiện sản xuất kinh doanh hoàn toàn không hiệu quả, chỉ sống nhờ cho thuê mặt bằng đất", ông Tiến nhận định. Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay sau khi sắp xếp lại đất đai có thể thấy chất lượng DNNN không tốt. Những doanh nghiệp sống chủ yếu dựa vào đất đai sẽ chấp nhận phải giải thể, phá sản, không cổ phần hóa được.

Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng hiệu quả của các DNNN chưa cao. Nhìn vào lợi nhuận và hiểu quả kinh doanh có thể thấy khối DNNN dựa khá nhiều vào một vài doanh nghiệp lớn.

Theo chuyên gia, nguồn vốn của DNNN có xu hướng tăng nhanh qua các năm nhưng doanh thu lại có xu hướng tăng chững lại. Thâm dụng vốn, thâm dụng lao động, đất đai nhưng các DNNN hoạt động không hiệu quả.


Một ví dụ khác là "lùm xùm" đất đai trong cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Nhiều vấn đề sau cổ phần hóa nảy sinh do thời hạn thuê đất đã hết từ năm 2012, nợ đọng kéo dài nhiều năm nhưng không bị thu hồi và sau đó đánh giá bằng 0.

Vì vậy, khác với trước đây quá trình cổ phần hóa diễn ra song song với sắp xếp lại đất đai, ông Tiến cho biết các doanh nghiệp trong giai đoạn này trước khi cổ phần hóa sẽ phải hoàn thành quá trình rà soát lại đất đai. Sau khi rà soát, doanh nghiệp báo cáo với địa phương, xác định đất phù hợp mới được sử dụng, tính vào giá trị. Đất thừa, không sử dụng sẽ bị thu hồi.

Trừ các doanh nghiệp bất động sản được giao đất, DNNN khác sẽ phải ký hợp đồng thuê đất theo giá mới, nộp ngân sách."Đây là cuộc cách mạng trong sắp xếp nguồn lực mà lâu nay chúng ta chưa làm được. Nó làm chậm tiến trình cổ phần hóa", ông Tiến cho biết.

Lãnh đạo DNNN còn sợ trách nhiệm

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình xử lý các vấn đề về đất đai còn gặp nhiều vướng mắc từ chính tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp. Ông Tiến cho biết doanh nghiệp chưa xử lý xong về đất đai, nợ đọng có tâm lý ngại xử lý bởi khi công khai sẽ không tránh khỏi các thiếu sót.

Ông chia sẻ câu chuyện của nhiều DNNN liên quan đến xử lý công nợ. Họ lo ngại tư nhân không muốn mua lại công nợ của DNNN khi cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, thất thoát khi cho thuê đất đai cũng xảy ra khi một số địa phương để tình trạng thuê đất từ 3 năm thành 5 năm. "Cổ phần hóa chậm cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông Tiến nhấn mạnh.

Trong số các nhóm giải pháp đưa ra, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh tới tính minh bạch. "Không thể nào có cổ phần hóa khi đất đai không rõ ràng, nợ đọng. Vấn đề đất đai, quan trọng nhất là phải công khai minh bạch", vị Cục trưởng nói.

Các DNNN phải thực hiện công khai minh bạch thông tin, nếu không sẽ bị xử lý trách nhiệm. Theo ông, có công khai thì mới biết đất đai đang được xử lý thế nào. Yêu cầu này không mới mà các doanh nghiệp thực hiện quy định tại Luật đất đai năm 2013.

Trước khi cổ phần hóa, Hapro phải mất 1,5 năm để sắp xếp lại đất đai, thu về hơn 100 mảnh khác nhau."Có những mảnh mấy chục mét vuông nhưng sẽ là cơ hội khởi nghiệp cho các thành phần kinh tế khác", ông Tiến nói và cho rằng giải phóng đất đai từ các DNNN sẽ cung cấp thêm nguồn lực mới.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên