MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông HAR bán tháo sau ĐHCĐ

Thông thường, CP của doanh nghiệp thường bật tăng nhờ những thông tin tích cực được HĐQT công bố trong ĐHCĐ.

Tuy nhiên, CTCP Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) hoàn toàn ngược lại, cổ đông của doanh nghiệp này đã đẩy mạnh bán tháo CP sau khi HĐQT công bố nhiều tờ trình quan trọng.

Thất hứa cổ tức

Tại ĐHCĐ được tổ chức ngày 20-3, cổ đông của HAR đã thông qua phương án kinh doanh cho năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 150 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Đây là con số hết sức ấn tượng nếu biết rằng doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của HAR chỉ đạt 98 tỷ đồng và 28,7 tỷ đồng. Lẽ ra với chỉ tiêu đột biến này cổ đông HAR sẽ rất hồ hởi, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân do doanh nghiệp này quyết định không chi trả cổ tức năm 2017, trong khi kế hoạch trước đó trả cổ tức với tỷ lệ 4,5%.

 Bên cạnh mảng FMCG, HAR còn lấn sân sang mảng an toàn tiền tệ với việc đầu tư vào CTCP Cơ khí Ngân hàng, kinh doanh dịch vụ du lịch với CTCP Khu du lịch Đảo San Hô.
Trả lời cổ đông về lý do không chia cổ tức, Ban điều hành HAR cho biết lợi nhuận năm 2017 sẽ được sử dụng vào các mục đích như: trích lập quỹ đầu tư phát triển, phục vụ cho hoạt động tư vấn chiến lược, tái cơ cấu công ty và hợp tác với đối tác nước ngoài trong thời gian tới; hoàn tất nghĩa vụ thanh toán còn lại cho các thương vụ M&A; thanh toán nợ vay trái phiếu. Do vậy, việc chi trả cổ tức ở thời điểm này không phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một trong những tờ trình quan trọng khác là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 1.013 tỷ đồng, thông qua phương án phát hành CP chi trả cổ tức năm 2016 và phát hành CP theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Kế hoạch tăng vốn cộng với việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 nhằm tập trung nguồn lực để  vực dậy thương hiệu “Xà bông Cô Ba”.

Bởi trước đó, HAR đã mua lại ít nhất 35% vốn của CTCP Sản xuất thương mại Phương Đông, doanh nghiệp đang quản lý thương hiệu xà bông vang bóng một thời này. Theo ông Nguyễn Nhân Bảo, Tổng giám đốc HAR, dự kiến “Xà bông Cô Ba” sẽ ra mắt trở lại trong quý II. Trước mắt sẽ khôi phục lại các kênh phân phối và đưa một lượng sản phẩm ra thị trường. Nếu được đón nhận, HAR dự kiến sẽ đầu tư sản xuất thời gian sau đó.

Cổ đông HAR bán tháo sau ĐHCĐ - Ảnh 1.

Lo ngại hiệu quả đầu tư

Ngay sau khi những thông tin trên được công bố tại ĐHCĐ, thay vì hồ hởi với những kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng cũng như kế hoạch thâu tóm để mở rộng  ngành nghề, HAR bị NĐT bán ra mạnh khiến cho CP này có 3 phiên giảm sàn, từ mức giá trên 11.400 đồng/CP xuống chỉ còn 9.430 đồng/CP (tương đương mức giảm khoảng 18%).

Lý do khiến NĐT bán tháo CP, ngoài thất vọng về chính sách chi trả cổ tức, còn đến từ lo ngại về chiến lược lấn sân sang mảng tiêu dùng của doanh nghiệp. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của HAR là bất động sản. Nhưng ngay với lĩnh vực cốt lõi HAR cũng hoạt động không mấy hiệu quả so với các doanh nghiệp có quy mô tương đương.

Tại ĐHCĐ thường niên năm ngoái, nhiều cổ đông cũng lên tiếng chất vấn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (ĐTTC ngày 29-6-2017 đã có bài “Thất vọng HAR” phản ánh về vấn đề này). Cụ thể, thời điểm cuối năm 2015, HAR tăng vốn từ 567 tỷ đồng lên 967,7 tỷ đồng. Với vốn điều lệ tăng lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả hoạt động lại không tương xứng khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) chỉ đạt 1,77% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 1,56%.

Tại ĐHCĐ năm nay, lãnh đạo HAR chia sẻ về mô hình hoạt động mới của doanh nghiệp là chuyển sang mô hình holding (hoạt động đa ngành, được thành lập với mục đích nắm giữ quyền kiểm soát tại các công ty khác, mỗi công ty sẽ phụ trách một hoạt động riêng lẻ và thường mang tính bổ trợ nhau). Như vậy, việc đầu tư vào mảng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) với thương hiệu “Xà bông Cô Ba” là một trong những bước đi chiến lược của mô hình này.

Điều đáng nói là hoạt động đầu tư ra bên ngoài của HAR cũng từng gây thất vọng với cổ đông. Đơn cử năm 2016, HAR đầu tư vào 2 doanh nghiệp là CTCP Phát triển nhà G Homes và CTCP Glenwood Horeca (tổng giá trị đầu tư khoảng 90 tỷ đồng). Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều làm ăn kém hiệu quả, khiến HAR đã phải trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư này hơn 1,5 tỷ đồng.

Từ những thất bại trong quá khứ, có lẽ cổ đông HAR sẽ không đặt kỳ vọng nhiều vào những tham vọng của những người “lèo lái” doanh nghiệp này khi quyết định nhảy sang mảng kinh doanh mới là FMCG. Đây là lĩnh vực hấp dẫn nhưng sức nóng cạnh tranh cũng khốc liệt không kém với sự xuất hiện của ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế.

Để thành công, không chỉ cần kinh nghiệm mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng, từ chất lượng, mẫu mã cho đến chiến lược marketing, và đặc biệt là hệ thống phân phối rộng khắp. Tất cả những yếu tố này dường như đang rất thiếu đối với một doanh nghiệp khởi nguồn với lĩnh vực bất động sản như HAR.

Theo Kim Giang

Sài Gòn đầu tư Tài chính

Trở lên trên