MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông nên đối phó với cổ phiếu bị pha loãng như thế nào?

Nếu lợi ích đem lại thấp hơn giá trị bị pha loãng thì nên bán cổ phiếu đó đi trước khi bị pha loãng, hoặc không nên nắm giữ nữa nếu kì vọng của bạn đối với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp không cao hơn tốc độ pha loãng hay thậm chí thấp hơn.

Trong thời gian qua thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến muôn cách pha loãng cổ phiếu của các Doanh nghiệp như: chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành để cấn trừ công nợ, phát hành trái phiếu chuyển đổi…v.v..

Vậy pha loãng cổ phiếu là gì?

Pha loãng được hiểu là khi công ty tăng thêm số lượng cổ phiếu ra công chúng, tại mức thấp hơn giá trị trường của công ty. Vì vậy, nếu 1 cổ phiếu giao dịch ở mức 100.000 đồng/ 1cp, bất kì những cổ phiếu nào được thêm vào thị trường mà công ty nhận được ít tiền hơn 100.000 đồng/1cp sẽ có tác động suy giảm trên cổ phiếu của công ty hay nói cách khác cổ phiếu của công ty đã bị pha loãng. Vì vậy, nếu công ty lựa chọn phát hành cổ phiếu cho nhân viên chẳng hạn, với giá 10.000 đồng/cp, bất cứ khi nào lựa chọn này được thực hiện, sẽ có sự pha loãng ròng cho công ty khoảng 90.000 đồng/cp.

Tại sao công ty pha loãng cổ phiếu của họ?

Có nhiều mục đích khác nhau, một số mục đích chính là tăng vốn, giảm thị giá, chống thâu tóm, động viên nhân viên, cấn trừ công nợ…v.v

Vậy Cổ đông nên đối phó thế nào khi cổ phiếu mình bị pha loãng?

Về nguyên tắc chung, cổ đông phải biết được cổ phiếu mình đang bị pha loãng bao nhiêu phần trăm khi Doanh nghiệp có ý định gia tăng số lượng cổ phiếu ra thị trường.

Nếu cổ phiếu bạn đang nắm giữ bị pha loãng 15% mỗi năm thì cổ đông nên yêu cầu tối thiểu doanh nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng mỗi năm tương đương với 17,6%. Tại sao phải 17,6% mà không phải 15%, việc đó giống như bạn vừa thua lỗ 50% tiền thì bạn phải sinh lợi 100% trên vốn còn lại mới hoàn vốn, chúng ta có thể tính đơn giản bằng công thức (1/(1-15%)-1) là ra tỷ lệ tăng trưởng cần thiết mà bạn yêu cầu cho doanh nghiệp.

Pha loãng thông qua hoán đổi/phát hành cổ phiếu để thâu tóm/sát nhập thì tính thế nào?

Pha loãng thông qua thâu tóm và sát nhập thương ít được đề cập. Nếu doanh nghiệp mà bạn đầu tư đang chuẩn bị một cuộc thâu tóm hoặc mua lại công ty khác, thì thường công ty đang được mua lại có giá trị sổ sách thấp hơn những gì nó đang được mua lại – pha loãng ở đây là giá trị thị trường của cổ phiếu phát hành mới để phục vụ cho việc hoán đổi hoặc mua lại trừ đi giá trị sổ sách của công ty mua lại. Phần tài sản tăng thêm từ việc thâu tóm và sát nhập đó được đưa vào “ Lợi thế thương mại” cho doanh nghiệp thâu tóm.

Tóm lại, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kĩ trước khi cổ phiếu mình nắm giữ bị pha loãng. Nếu lợi ích đem lại thấp hơn giá trị bị pha loãng thì nên bán cổ phiếu đó đi trước khi bị pha loãng, hoặc không nên nắm giữ nữa nếu kì vọng của bạn đối với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp không cao hơn tốc độ pha loãng hay thậm chí thấp hơn.

Nguyễn Luân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên