MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái được Forbes vinh danh vì bảo vệ Sơn Đoòng: Không cần nhớ tên tôi, hãy nhớ câu chuyện mà tôi đang làm!

Lê Nguyễn Thiên Hương cho biết cô thích được biết đến với tư cách là người đi kể chuyện về Sơn Đoòng. Chuyến phiêu lưu với hệ thống hang động lớn nhất thế giới, đến thời điểm này được Hương nhận định là đang thành công. "Tôi thấy mình thật may mắn", Hương nói với Trí Thức Trẻ vì "tôi chưa làm được gì cho Sơn Đoòng nhưng đã nhận được từ nó quá nhiều".

Những câu chuyện đáng nhớ của 7 ngày "du hành vào tâm trái đất"


Là một những du khách người Việt đầu tiên thám hiểm hang Sơn Đoòng kể từ khi hang được chính thức mở cửa, chuyến đi đó đối với chị như thế nào?

Năm 2014, tôi là một trong số ít người Việt đầu tiên tham gia thám hiểm hang Sơn Đoòng, kéo dài trong 1 tuần lễ.

Tôi nhớ là lúc đến cửa hang, bác trưởng đoàn là Howard Limbert, cũng là người tìm ra Sơn Đoòng, chọn tôi là người đầu tiên đu dây vào trong. Tôi có hỏi tại sao lại là tôi thì bác ấy trả lời vì tôi bé nhất, nhẹ nhất nên... "muốn thử dây". Tôi nghe mà sợ chết ngất.

Đấy là lần đầu tiên tôi đu dây. Cái cảm giác ngửa mặt lên trần, phía sau lưng mình là bóng tối, cứ từ từ chìm vào thật đáng sợ. Tôi còn phạm một sai lầm nữa là trong quá trình luyện thể lực, tôi không tập nhiều với tay nên sức yếu. Cơ thể vì thế không giữ được thăng bằng, cứ bị hất qua hất về, bầm dập ghê lắm.

Nhưng khoảnh khắc khi vượt qua các chướng ngại vật đầu tiên để đến giếng trời – gần chỗ nghỉ giải lao thứ nhất thật đẹp. Bạn phải tưởng tượng là sau rất rất lâu mò mẫm trong bóng tối, bạn được thấy ánh nắng mặt trời, chan hoà. Đó là một điều rất xúc động.

Cô gái được Forbes vinh danh vì bảo vệ Sơn Đoòng: Không cần nhớ tên tôi, hãy nhớ câu chuyện mà tôi đang làm! - Ảnh 1.

Chúng tôi còn được bác Howard dẫn vào một trong những nơi được xem là sâu nhất trong lòng hang, nơi không một tia sáng nào có thể lọt đến. Bác bảo chúng tôi đứng thành vòng tròn, tắt đèn pin đi. Tôi không thể quên cảm giác ngột thở của lúc đó. Thực sự, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái gọi là bóng tối tuyệt đối. Nó giống như mình chết rồi ấy. Tôi thấy sợ hãi vô cùng.

Khi bình tĩnh lại, tôi hiểu bác Howard làm vậy để chúng tôi cảm nhận được sự nhỏ bé và vô thường của con người trong thế giới này. Con người hay nghĩ rằng bản thân kỳ diệu lắm, gì cũng làm được, cũng chinh phục được, nhưng không phải vậy. Thiên nhiên kỳ vĩ và vượt xa hơn nhận thức con người rất nhiều.

Bác Howard sau đó gọi riêng tôi ra. Bác kể cho tôi về dự án cáp treo và nói rằng dù là người tìm ra Sơn Đoòng nhưng ông thấy hối hận. Cả hệ sinh thái hang bình yên suốt 5 triệu năm có nguy cơ bị phá huỷ. Bác đã bật khóc nức nở.

Bác ấy cho rằng bản thân là người nước ngoài, sẽ không bảo vệ được hang. Thay vào đó, chỉ người Việt Nam mới bảo vệ được di sản thiên nhiên này. Lúc này tôi mới hiểu được tại sao bác lại gọi tôi ra nói chuyện. Do vậy, đến khi ra khỏi hang, chuyện tôi muốn làm ngay lập tức là làm sao bảo vệ được Sơn Đoòng.

Bỗng dưng nổi tiếng vì Sơn Đoòng


Chị đã xây dựng dự án như thế nào?

Nói thật là trước khi tôi làm dự án Sơn Đoòng, tôi chưa bao giờ làm dự án xã hội nào dài hạn và chuyên nghiệp cả. Thế nên bước ra khỏi hang, tôi quyết tâm lắm nhưng cũng chả biết làm gì, bắt đầu từ đâu. Tôi cũng chẳng có nhiều mối quan hệ.

Tôi chỉ quen đúng một anh nhà báo và đã liên lạc với anh. 1 tháng sau, anh ấy có viết bài trên Tuổi trẻ cuối tuần về chuyện Sơn Đoòng. Tôi thì viết rất nhiều thư đến các bộ, ngành, tổ chức quốc tế. Đa phần người ta không trả lời hoặc có trả lời cũng rất chung chung.

3 tháng sau khi bài báo thông tin sẽ có cáp treo ở Sơn Đoòng, tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi có viết bài trên blog -  dù lúc đó không ai đọc blog nữa rồi, liệt kê ra những lý do mà dự án này không nên có.

Tình cờ thế nào hôm tôi viết blog đó, có một anh ở Hà Nội, đọc được bài báo trên Tuổi trẻ, đã lập trên Facebook trang Save Son Doong, như ngày nay mọi người thấy. Anh ấy tìm thấy bài viết của tôi và đăng lên trang. Đến 2 ngày sau, khi tôi mở blog, đã thấy hàng chục nghìn người đọc bài mình. Anh ấy cũng nhắn tin cho tôi và đề nghị tôi làm admin cho trang. Chúng tôi chính thức trở thành cộng sự.

Tôi dần hiểu được là để bảo vệ Sơn Đoòng, cần có tiếng nói của cộng đồng, còn một người đơn lẻ thì không làm gì được. Khi những người chung một tình yêu với Sơn Đoòng được tụ tập lại, chúng tôi đã làm được rất nhiều thứ, với sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng. Đến cuối tháng 10/2014, chiến dịch Save Son Doong chính thức bắt đầu.

Cô gái được Forbes vinh danh vì bảo vệ Sơn Đoòng: Không cần nhớ tên tôi, hãy nhớ câu chuyện mà tôi đang làm! - Ảnh 2.

Nhóm Save Sơn Đoòng bảo vệ quan điểm chống cáp treo dựa trên cơ sở gì? Nhiều người cho rằng nếu lắp cáp treo ở xa, hành khách đi bộ vào thì vẫn ổn? Và phát hiện hang để làm gì nếu không muốn cho nhiều người tham quan?

Những lý lẽ này rất phổ biến và có giá trị chứ không hoàn toàn vô lý. Sau 4 năm, ngoài những người ủng hộ hoàn toàn, chúng tôi phân ra làm 3 nhóm phản đối.

Nhóm thứ nhất là những người có lợi ích kinh tế từ dự án cáp treo. Chúng tôi bỏ họ qua một bên, dĩ nhiên họ muốn có cáp treo và không nên cố gắng thay đổi họ, nó không khả thi.

Nhóm thứ hai là những người không có lợi ích kinh tế gì, họ chỉ đơn thuần muốn nhiều người biết đến hang, được dễ dàng tham quan, du lịch, thoả mãn trí tò mò. Thường nhóm này sẽ rất dễ thay đổi nếu đưa ra được các lập luận đúng đắn, bằng chứng sát thực.

Ví dụ, với quan điểm phát triển du lịch đại trà mới giúp kinh tế địa phương tăng trưởng, chúng tôi chia sẻ với họ rằng nó đúng, nhưng chỉ trong ngắn hạn còn tác hại lâu dài là nhiều. Rất nhiều nơi ở Việt Nam như Sapa, Phú Quốc, Hạ Long... đã chứng kiến điều này mà không phải đợi thêm Sơn Đoòng làm ví dụ.

Hay chúng tôi giải thích các tính chất địa lý và sinh học của hang Sơn Đoòng vốn không phù hợp với việc tổ chức du lịch ào ạt, dễ dãi, mà cáp treo là một phần phương tiện.

Sơn Đoòng được hình thành là nhờ vào sự đứt gãy của địa chất. Trong 5 triệu năm hình thành, phát triển, đã có hai mảng trần hang bị sụp xuống, tạo thành giếng trời. Do vậy, khi tác động lực xây dựng, nhiều rủi ro lớn có thể xảy đến. Đây cũng là lý do khiến công ty đầu tiên, dù không thừa nhận, rút khỏi dự án cáp treo. Chuyên gia của họ đã khuyến cáo rằng rất nguy hiểm nếu xây.

Còn về mặt sinh học, các sinh vật trong hang rất đặc biệt. Chúng không hề quen với ánh sáng, tiếng ồn. Những ánh đèn flash, tiếng động lớn và kéo dài có thể giết chết chúng...

Thực ra nhóm đối tượng thứ hai không khó thuyết phục, miễn là đưa ra đủ bằng chứng cho họ thấy. Trong lúc làm, tôi nhận ra rằng nhóm thứ ba mới khó nhất và ban đầu, đây là nhóm chúng tôi gặp nhiều nhất.

Những người ở nhóm này họ đồng ý rằng điều chúng tôi làm là đúng nhưng họ từ chối tham gia vì nghĩ rằng có lên tiếng cũng không thay đổi được gì. Chỉ có một cách thuyết phục họ là phải kiên trì, làm từng bước của mình thật tốt. Khi Save Son Doong càng được xã hội công nhận, họ sẽ có nhiều niềm tin hơn.

Vậy kinh phí hoạt động của dự án, nhóm có được qua đâu?

Trong 4,5 năm qua, nguồn tiền đến từ bán áo thun gây quỹ. May mắn là anh Phương Nam, chủ của Aothun.vn đã hỗ trợ rất nhiều. 2/3 số tiền thu để chi trả cho chi phí sản xuất. 1/3 số còn lại giúp cho nhóm chi trả các hoạt động.

Khi chúng tôi tổ chức triển lãm thực tế ảo về Sơn Đoòng, chúng tôi có gây quỹ cộng đồng, được 130 triệu đồng để trang trải. Anh Martin Edstrom, chủ nhân của những hình ảnh này đã cho chúng tôi toàn quyền sử dụng với mục đích phi lợi nhuận.

Kỷ niệm với Tổng thống Obama


Năm 2016, chị được trao đổi trực tiếp với Tổng thống Obama khi ông gặp gỡ người trẻ Việt. Chị đã chuẩn bị như thế nào và tự tin bao nhiêu % mình sẽ được Tổng thống chọn?

Trước khi đến buổi đó, tôi và nhóm đã ngồi xem lại tất cả các video các cuộc nói chuyện với người trẻ của Tổng thống Obama. Chúng tôi phân tích xem xu hướng lựa chọn của Tổng thống như thế nào.

Tôi nhận ra rằng ông ấy thường bị chú ý đến những người có vẻ ngoài khác biệt, thực ra là để dễ nhận dạng, gọi tên. Thế rồi chúng tôi lại ngồi nghĩ nát óc xem mình nên làm gì. Lúc đầu là áo dài, nhưng cũng sẽ có nhiều người mặc, mà khi ngồi xuống, rất khó thấy. Sau đó, chúng tôi thống nhất phương án đội nón lá.

Nhưng tôi biết rằng bên an ninh Mỹ sẽ không đồng ý nếu họ biết chiếc nón lá tôi sử dụng như món quà tặng cho Tổng thống. Vì vậy, tôi đội một chiếc nón lá trơn và bảo đấy là thứ chống nắng. Khi vào được bên trong, tôi mới lôi bút màu ra tô vẽ, khiến nó trở nên bắt mắt.

Tôi đã rất thất vọng khi Tổng thống Obama không nhìn về hướng khán đài mà tôi ngồi. Cơ hội của tôi ngày hôm đó là 7/700. May sao sau câu hỏi thứ 3, Tổng thống đã nhìn về phía tôi. Thế là tôi vẫy nói lia lịa. Khi tôi đứng lên giới thiệu bản thân đến từ Save Son Doong, các bạn trẻ xung quanh đã vỗ tay ủng hộ. Câu chuyện chúng tôi nhờ Tổng tống Obama đã lên được các trang quốc tế.

Tức là chị tin Tổng thống Obama sẽ có chung quan điểm với chị?

Khi tôi đặt câu hỏi "Nếu đến Sơn Đoòng ngài sẽ đi bộ hay đi cáp treo" thì tôi rất tin ông ấy sẽ bảo là không bao giờ đi cáp treo.

Nhưng giả sử Tổng thống Obama nói ngược lại thì sao, chị có tính đến phương án dự phòng?

Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Nếu ông ấy nói vậy thì chắc tôi xỉu mất thôi, tôi không biết sẽ làm gì lúc đó luôn vì câu của Tổng thống Obama nói ra có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn. Thực sự thì tôi cũng lo lắng, gần như đây là ván bài 5 ăn 5 thua, nhưng trong đầu tôi vẫn tin rằng phần ăn nhiều hơn thua. Theo những gì tôi tìm hiểu được, tôi tin rằng bác ấy sẽ hướng đến một sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.


Nỗi buồn ẩn sau vinh dự được Forbes vinh danh


Có bao giờ chị cảm thấy muốn từ bỏ dự án này chưa?

Cũng có nhiều lúc phân vân chứ. Khi bắt đầu vào dự án cũng là lúc tôi nộp đơn thạc sĩ bên Mỹ. Ban đầu, tôi định học ngành tâm lý giáo dục, nhưng Sơn Đoòng là lý do khiến tôi chuyển hướng sang nghiên cứu phát triển bền vững.

Hai năm đi học là hai năm tôi sống cả hai múi giờ. Sáng đi học theo giờ Mỹ, tối thức dậy theo giờ Việt Nam để làm việc với các nhóm. Lúc đầu, tôi giữ chuyện này cho riêng mình, vì tôi là trưởng nhóm, nói ra mọi người sẽ mất tinh thần. Chỉ có tôi là thùng rác, nghe, động viên các bạn thôi.

Nhưng có một lần tôi chịu hết nổi, tôi lôi một bạn ra than thở bao chuyện. Lúc đó tôi mới thấy bạn ấy động viên mình rất nhiều. Tỏng nhóm, mọi người đều chia sẻ trách nhiệm và tình yêu với Sơn Đoòng. Khi bạn nản mình giúp bạn và ngược lại.

Nhiều khi tôi nói là phải cảm ơn Sơn Đoòng vì nhờ đó chúng tôi tìm thấy nhau. Chúng tôi sẽ không buông xuôi, vì chính bản thân và đồng đội.

Nhưng đấy là phía những người trẻ, dễ hiểu và thông cảm hơn cho những lý tưởng cộng đồng. Còn gia đình chị thì sao, ba mẹ chị có bao giờ nhắc con gái?

Bố tôi là người hay lo. Bình thường ông không trách tôi chuyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng vì từ bé đến giờ tôi đã như vậy, ông quen rồi (cười). Nhưng dự án này thì ông lo thật vì ông nghĩ dự án của tôi động chạm quyền lợi nhiều người. Do vậy, tôi không nói với ông những thứ tôi làm.

Chỉ đến khi tôi nhận được học bổng thạc sỹ Mỹ nhờ case study Sơn Đoòng, tôi mới nói với ông. Ông vẫn lo nhưng nghĩ tôi ở nước ngoài sẽ ổn hơn.

Đến khi về nước năm 2017, tôi được Forbes vinh danh, tôi nghĩ ông cũng tự hào. Ông chưa bao giờ nói thẳng là để tôi làm nhưng khi ông đi dự lễ trao giải hay ngồi nói chuyện với bạn bè, ông đã kể về tôi một cách tự hào. Tôi hiểu ông đang "bật đèn xanh" cho con gái.

Nghĩa là ghi nhận của Forbes có ý nghĩa cho gia đình chị hơn chính bản thân chị?

Nói thật khi nhận được tin, tôi vừa mừng vừa buồn. Mừng vì điều này sẽ khiến cho Save Son Doong được công nhân, gia đình cũng tin tưởng hơn để tôi làm việc. Còn buồn vì đây là chương trình vinh danh cá nhân trong khi Save Son Doong là chiến dịch tập thể. Như tôi đã kể, nếu mình tôi làm, tôi đã bỏ cuộc từ lâu.

Tôi thấy rất thương các bạn mình, họ rất cực, không ai kém ai cả, nhưng họ chưa được vinh danh.

Cô gái được Forbes vinh danh vì bảo vệ Sơn Đoòng: Không cần nhớ tên tôi, hãy nhớ câu chuyện mà tôi đang làm! - Ảnh 3.

Hiện tại các dự án cáp treo đang đóng băng, vậy hướng đi tiếp theo cho Save Son Doong là gì?

Chúng tôi muốn trường hợp của Sơn Đoòng trở thành tiền lệ cho các dự án môi trường, xã hội khác. Khi ngày càng nhiều người tin vào câu chuyện của chúng tôi, họ sẽ tin vào sức mạnh, tiếng nói của cộng đồng trong bảo vệ thiên nhiên.

Hiện chúng tôi đang tiển lãm thực tế ảo về Sơn Đoòng khắp nơi để nhân rộng câu chuyện này. Còn nhóm vẫn tiếp tục theo dõi tình hình của hang, để có những hành động kịp thời. Chúng tôi gần đây cũng nhận được lời mời của một trường bên Trung Quốc sang chia sẻ và làm triển lãm. Đây là lần đầu tiên nhóm nhận được lời mời quốc tế. Và đây cũng là hướng đi của Save Son Doong.

Cảm ơn chị!

Phương Ánh - Đồ hoạ: 7 pm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên