MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Có môi trường kinh doanh thuận lợi, dân sẽ tự bán vàng, USD để kinh doanh”

26-07-2017 - 20:59 PM | Tài chính - ngân hàng

GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nêu quan điểm với BizLIVE.

Huy động vàng , USD trong dân không phải là việc dễ”

Vừa qua, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, một lần nữa vấn đề nghiên cứu giải pháp huy động USD, vàng lại được đặt ra.

Trao đổi với BizLIVE, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng việc huy động vàng, USD là chủ trương đúng nhưng khó thực hiện.

Việc áp dụng chính sách trần lãi suất huy động USD 0%/năm trong thời gian qua đã góp phần hạn chế trữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng có biện pháp bình ổn thị trường vàng bằng cách không cho nhập khẩu vàng.

“Những chính sách này đã góp phần làm cho thị trường vàng bình ổn, một phần USD đã được chuyển hoá thành tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa xử lý triệt để được hiện tượng găm giữ vàng, USD trong dân”, ông Lược nói.

Ông Lược cho rằng, sở dĩ người dân vẫn muốn giữ USD vì đồng tiền này có tính ổn định nhất thế giới, ngoài chức năng lưu thông nó có chức năng dự trữ. Hiện đồng Việt Nam cũng được người dân dự trữ thông qua kênh gửi tiết kiệm vì lãi suất cao hơn lạm phát.

Tuy nhiên, trong thời gian trước có nhiều thời điểm lạm phát cao, thậm chí có lúc lên tới 17-20% do vậy tâm lý nhiều người dân vẫn muốn chia tiền ra làm ba phần, một phần gửi tiết kiệm, một phần mua vàng, 1 phần dự trữ USD để đảm bảo trong mọi trường hợp.

“Chính vì tâm lý này, việc huy động được nguồn lực vàng, USD theo tôi không phải là dễ”, ông Lược nhận định. Vậy chúng ta có thể huy động bằng cách nào? Ông Lược phân tích, có hai cách để huy động trực tiếp đó là mua hoặc gửi tiết kiệm.

Nếu gửi tiết kiệm có lãi suất thì theo ông Lược, chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc thực hiện trước đây. Bởi lẽ nếu thực hiện huy động qua kênh tiết kiệm, vàng và USD sẽ có thêm chức năng lưu thông, dễ dẫn đến tình trạng đô la hoá.

“Hiện nay Việt Nam chỉ nên duy trì gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam. Còn việc huy động vàng, USD bằng cách gửi tiết kiệm có lãi suất có thể coi là giải pháp nhưng cần được tính toán kỹ lưỡng trong điều kiện hiện nay”, ông Lược nói.

Còn nếu mua, ông Lược cho rằng rất khó để người ta bán nếu mua ngang giá thị trường, còn nếu mua cao hơn giá thị trường thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng đồng vốn đó hiệu quả, sinh lời?

“Có một cách huy động vàng, USD trong dân hợp lí đó chính là thông qua thị trường chứng khoán. Nhưng muốn làm được như vậy thì phải có một thị trường chứng khoán phát triển, bền vững để người ta có niềm tin bán vàng, bán USD để đầu tư”, ông Lược cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Lược, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro, niềm tin chưa cao.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có môi trường kinh doanh thuận lợi, dân sẽ tự bỏ vàng, USD kinh doanh

Theo GS. TSKH. Võ Đại Lược, điều quan trọng nhất hiện nay đó là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân khi đó sẽ tự bỏ tiền ra kinh doanh.

“Có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ kích thích người dân đem vàng, USD đổi thành tiền. Lúc này dù không huy động thì người dân cũng sẵn sàng bỏ ra để làm ăn kinh doanh”, ông Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lược cho rằng hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Theo điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi.

Ông Lược cho rằng, từ con số nêu trên cũng đặt ra bài toán: Khi khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vậy thì việc sử dụng vốn từ việc huy động vàng, USD làm sao cho có hiệu quả.

Theo ông Lược, cái “khó” đối với các doanh nghiệp hiện nay không chỉ là là vấn đề thủ tục, chi phí không chính thức… mà còn liên quan tới tỷ giá và lãi suất.

Lãi suất Việt Nam còn quá cao chính là một trong những nút thắt lớn nhất của nền kinh tế, khiến cho doanh nghiệp khó cạnh tranh được. Nếu điều chỉnh chính sách hạ được lãi suất sẽ có tác động rất lớn và lâu dài đối với doanh nghiệp.

Không chỉ lãi suất, theo ông Lược, giá đồng bạc Việt Nam khá cao. Theo tính toán của các học giả Fullbright, trong 10 năm lạm phát 100% nhưng đồng bạc Việt Nam hạ giá 30%.

“Cao như vậy thì các ngành sản xuất trong nước sẽ đều bị cạnh tranh vì giá nhập khẩu vào rẻ còn xuất khẩu lại cao vì bị kích giá lên. Trong khi đó nợ xấu lớn, nợ công cao. Trong bối cảnh hiện nay, nếu có huy động được vàng, USD trong dân thì cũng khó đẩy được nguồn vốn ấy vào sản xuất một cách có hiệu quả”, ông Lược nhận định.

Do vậy, theo ông Lược, bên cạnh tính toán giải pháp huy động vàng, USD trong dân, Chính phủ cũng cần nghiên cứu kỹ việc sẽ cho ai vay, làm thể nào để sử dụng nguồn vốn đó sinh lời.

Ông Lược cho biết, giải pháp căn cơ cần thực hiện vẫn là xử lý một cách triệt để nợ xấu, cải tổ được hệ thống ngân hàng, cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công một cách thực chất.

“Khi nào thực hiện một cách có hiệu quả 3 chương trình tái cơ cấu kinh tế nói trên thì việc huy động vàng, USD sẽ có hiệu quả”, ông Lược nhận định.

Theo N.Mạnh

Bizive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên