MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên hợp thức hóa vốn phi chính thức?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn chính thức và thường tìm đến tín dụng đen vì thủ tục nhanh gọn.

Ngày 21-8, tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Chuyên đề thị trường vốn , tài chính tổ chức tại TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ lo ngại tình trạng vốn mỏng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2016, cả nước chỉ có 47% DN hoạt động có lợi nhuận. Ông Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề phải chăng do vốn mỏng làm lợi nhuận thấp.

Thực trạng tín dụng đen nở rộ cũng được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường vốn và tài chính để bảo đảm thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho DN nhỏ và vừa để hỗ trợ nhóm DN này phát triển.

Có nên hợp thức hóa vốn phi chính thức? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp thấp do vốn mỏng

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty CP Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, cho biết nhóm DN nhỏ và vừa không có nhiều kinh nghiệm về thị trường vốn, tài chính, do đó khó tiếp cận được các nguồn vốn chính thức. Theo ông Hùng, nguồn vốn chính thống khó tiếp cận, song nguồn vốn phi chính thức hay còn gọi là tín dụng đen lại tràn lan với các dịch vụ nhanh gọn dẫn đến việc DN vừa và nhỏ dựa nhiều vào nguồn vốn này. "Trung bình vốn DN vừa và nhỏ chỉ khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vốn thực có của chủ sở hữu chỉ khoảng 20%-30%. Có những doanh nghiệp nhỏ và vừa có tới 60% tổng vốn sản xuất, kinh doanh là từ tín dụng đen" - ông Nguyễn Kim Hùng nêu thực trạng.

Trước thực trạng đó, ông Hùng mong muốn Chính phủ tạo hành lang pháp lý để hợp thức hóa vốn tín dụng đen nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa. Từng tham gia tái cấu trúc nhiều DN, ông Hùng cho biết việc sử dụng vốn tín dụng đen khiến DN phải trả chi phí tài chính rất lớn, trong khi khoản này chưa hạch toán được vào chi phí chính thức.

Có cách nhìn lạc quan hơn về tín dụng đen, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cho rằng loại hình này không hoàn toàn xấu. Mặt khác, tín dụng đen có những ưu điểm tạo điều kiện thuận lợi cho người vay. "Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách để kiểm soát thị trường, phải thể chế hóa, chính thức hóa và đưa vào khuôn khổ để điều tiết thị trường tín dụng đen. Việc này có thể tham khảo kinh nghiệm của các ngân hàng ở Hà Lan" - ông Warrick Cleine nói.

Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đối với tín dụng đen theo đúng nghĩa của nó thì phải chống, xóa bỏ vì tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi, trục lợi. Theo Phó Thủ tướng, đối với hình thức tín dụng "phi chính thức" có sự công khai nhất định dựa vào cung cầu, Chính phủ muốn nắm bắt kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này và cần nghiên cứu để có công cụ quản lý.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên