MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên lạc quan vào Đề án cấm xe máy vào nội đô Hà Nội?

08-07-2017 - 12:00 PM | Xã hội

Hà Nội đã thống nhất đến 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy khu vực nội đô, nhiều người dân lo lắng, các chuyên gia băn khoăn, còn TP. Hà Nội nói làm được.

Sau một năm lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng xong Đề án Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường và được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội xem xét thông qua. Lộ trình đề ra, đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội đô.

Đề án này lại một lần nữa làm nóng dư luận với những băn khoăn về tính khả thi.

Dân lo lắng…

Ở góc độ người dân, ông Đào Văn Chung (Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, để Hà Nội văn minh, lịch sự và vì sự phát triển chung của Thủ đô, người dân sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, ông Chung vẫn còn băn khoăn khi đặt lại vấn đề: “Liệu xe máy có là thủ phạm gây ra nạn ùn tắc và tai nạn giao thông không để phải cấm xe máy vào nội đô? Bởi chiếc xe máy là kế sinh nhai của nhiều gia đình nghèo”.

Cũng hết sức lo lắng với đề xuất này, chị Nguyễn Mai Hương, một viên chức có nhà tại Cầu Diễn, Nam Từ Liên, Hà Nội cho rằng, với nhiều người như chị, nhà trong ngõ nhỏ, đi làm xa 9-10km như hiện tại thì phương tiện thuận lợi nhất vẫn là xe máy.

Đây là những hình ảnh chân thực để TP. Hà Nội quyết tâm đặt ra mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030.

“Tôi nghĩ rằng nên làm tốt về hạ tầng giao thông công cộng cho người dân nhìn thấy, tù đó họ so sánh và đến thời điểm đó họ chuyển sang đi phương tiện công cộng thì tốt hơn là cứ nói cấm mà dân thì không biết phải đi làm như thế nào, cũng hoang mang lắm”, chi Mai Hương cho biết.

Lãnh đạo Hà Nội lạc quan

Vì sao sau rất nhiều lần đặt ra mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân nhưng Hà Nội chưa thực hiện được như mong muốn và gần đây, TP. Hà Nội lại quyết tâm đặt ra mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030?

Trả lời những câu hỏi này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - đơn vị lập đề án cho rằng, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng cách phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải và các phương thức vận tải công cộng như: đường sắt đô thị, xe bus và xe bus nhanh…đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội -ông Vũ Văn Viện. Ảnh NT.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội -ông Vũ Văn Viện. Ảnh NT.

Theo ông Viện, có hai căn cứ quan trọng để xây dựng đề án là: thực tế của TP. Hà Nội và văn bản chỉ đạo của các cấp đặt ra mục tiêu phải xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông cho phù hợp với kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự đi lại của người dân một cách bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.

“Trong giai đoạn đầu, khi nghiên cứu kinh nghiệm của các đô thị khi dừng phương tiện xe máy, ở một số nơi như Trung Quốc, Myanmar đưa ra lộ trình chỉ từ 3-6 năm. Ban đầu, Sở GTVT cùng Viện chiến lược đưa ra mốc 2025, nhưng khi đưa ra hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia cho rằng, mốc từ 2016-2025, tức là khoảng 8-9 năm thì chưa đủ”, ông Viện cho biết.

Sau khi cân đối các điều kiện, Sở GTVT và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận thấy, thời điểm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.

“Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng các chương trình hành động, cũng là để người dân, doanh nghiệp có điều kiện thay đổi thói quen đi lại, phục vụ mục tiêu là đảm bảo nhu cầu đi lại của dân phù hợp với cơ sở hạ tầng”, ông Viện nhấn mạnh.

Ông Viện cho biết, để đáp ứng yêu cầu giảm phương tiện giao thông cá nhân, về nguyên tắc chính quyền sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của dân bằng phương tiện công cộng. Sở GTVT đang trình thành phố đề án phát triển mạng lưới xe buýt.

“Dự kiến, đến 2030 xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Chúng tôi đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp (trong đề án đã nói rõ bố trí điểm giao thông tĩnh phục vụ giao thông cá nhân và công cộng), còn bên ngoài đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng”, ông Viện khẳng định.

Chuyên gia còn…băn khoăn

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng, lộ trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đặt ra từ nay đến năm 2030 hạn chế xe cá nhân gồm cả ô tô, xe máy là chưa hợp lý, thay vào đó chỉ nên hạn chế xe vào giờ cao điểm.

Theo ông Thủy, nếu cấm phương tiện cá nhân thì vận tải công cộng sẽ phải đảm nhận việc kết nối, di chuyển của người dân.

“Trong khi xe buýt đang thụt lùi về tăng trưởng số lượng hành khách, dự án đường sắt đô thị thì “ì ạch”... Để bảo đảm các mục tiêu như Đề án đưa ra, phải giải quyết nhiều công việc nữa”, ông Thủy phân tích.

Còn TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, chủ trương đưa phương tiện vận tải công cộng thay thế các phương tiện cá nhân là việc cần thiết phải làm. Tuy nhiên, cách làm thế nào cần phải nghiên cứu trực tiếp và thực tiễn. Phải đảm bảo các yếu tố thực tiễn hợp với tình hình của nhân dân đang sử dụng các phương tiện cá nhân thế nào và cách thức thay thế.

“Phát triển vận tải hành khách công cộng trước hay loại phương tiện cá nhân để có cơ hội phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ”, ông Tạo nói.

“Phải nhìn nhận thực tại rằng, phương tiện xe máy là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều người dân, gia đình. Vấn đề quan trọng là phải giải quyết trước được đời sống của những con người đang kiếm sống bằng xe máy nếu không giải quyết được điều đó thì có cấm người ta vẫn cứ đi”, ông Tạo phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, đây là thách thức không nhỏ của Hà Nội trong quá trình phát triển giao thông đô thị.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng giải pháp là quan trọng, vì nếu mà cứ đề ra chủ trương nói rất hay mà không có giải pháp cụ thể thì cũng chỉ là đánh bóng tên tuổi mà thôi”, ông Liên nói.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên