MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên “thả cửa” dịch vụ đòi nợ thuê

17-09-2017 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bãi bỏ Nghị định 104 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi rất nhiều khả năng khi các điều kiện về vốn, về chứng chỉ chuyên môn hành nghề… được bãi bỏ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đòi nợ thuê bùng phát các hành vi đòi nợ theo kiểu xã hội đen, gây rối loạn an ninh trật tự và tổn hại tài sản, tính mạng của công dân.

Sẽ nở rộ dịch vụ đòi nợ thuê

Mới đây, Bộ Tài chính công bố bãi bỏ Nghị định (NĐ) số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đồng thời cũng bãi bỏ Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12.9.2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 104 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, sau 10 năm ban hành, Nghị định 104 quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, gồm điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ… không còn phù hợp nữa. Ví dụ, đối với quy định về vốn, mặc dù NĐ 104 quy định các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, nhưng Luật DN 2014 đã không còn quy định về vốn pháp định. Như vậy, ngoại trừ một số ngành nghề đặc thù như NH, chứng khoán… thì các ngành nghề khác (trong đó có nghề dịch vụ đòi nợ) sẽ không cần yêu cầu về vốn khi đăng ký thành lập.

Đồng thời, nghị định này cũng quy định một số nội dung về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ như nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ, các biện pháp được thực hiện trong hoạt động dịch vụ đòi nợ, trách nhiệm, quyền hạn của chủ nợ và khách nợ…

Với các điều kiện về chứng chỉ hành nghề, năng lực người quản lý và người lao động làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính cũng cho rằng, các quy định này chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chứ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp khác và nền kinh tế. Vì vậy không cần thiết phải quy định. Hơn nữa, điều kiện về lý lịch tư pháp đối với người quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được quy định tại Nghị định 96/2016. Do vậy không cần thiết phải quy định thêm trong một nghị định mới.

Như vậy, nếu Nghị định bãi bỏ NĐ 104 được thông qua, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ là ngành nghề có khả năng phát triển rất mạnh bởi thay vì phải chấp hành hàng loạt các quy định về vốn, về chứng chỉ hành nghề và năng lực chuyên môn thì hầu như bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể đăng ký thành lập DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ để kiếm tiền mà không lo vi phạm pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, đồng thời bỏ ngành nghề kinh doanh mua bán nợ ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, ngành nghề mua bán nợ sẽ được “thả cửa” hoàn toàn. Và chắc chắn rằng khi đó các công ty dịch vụ đòi nợ sẽ trở thành các công ty mua bán nợ hợp pháp, có thể tự do thỏa thuận mua lại nợ khó đòi, để sau đó đòi nợ theo cách riêng của mình mà ít bị pháp luật chế tài hay kiểm soát.

Cần cẩn trọng

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bãi bỏ NĐ 104 thì cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi rất nhiều khả năng khi các điều kiện về vốn, về chứng chỉ chuyên môn hành nghề… được bãi bỏ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đòi nợ thuê bùng phát các hành vi đòi nợ theo kiểu xã hội đen, gây rối loạn an ninh trật tự và tổn hại tài sản, tính mạnh của công dân.

Chính vì thế, khi một thị trường mua bán nợ phát triển, khi đó, các khoản nợ khó đòi, chủ nợ có thể bán lại cho các đơn vị khác. Dù mua bán lại các khoản nợ, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ vẫn còn, nhưng nó nằm trong các đơn vị mua bán nợ, việc quản lý sẽ minh bạch hơn, hạn chế đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

Cũng theo LS. Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight, khi bãi bỏ NĐ 104 chắc chắn hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen sẽ bùng phát vì các doanh nghiệp sẽ được thành lập mà không cần có vốn, mọi đối tượng phù hợp với quy định trong Bộ Luật Dân sự đều có thể đứng ra thành lập công ty đòi nợ. Thù lao đòi nợ cũng rất hấp dẫn, cộng với việc không cần có chứng chỉ hành nghề, không cần có kiến thức về kinh tế, pháp luật thì lại càng dễ dàng để thực hiện các biện pháp đòi nợ bằng mọi giá.

Cũng theo ông Tín, Bộ Tài chính cần thiết phải tiếp tục coi dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Không những không nên bãi bỏ các quy định về điều kiện trình độ, năng lực người quản lý và lao động trong các doanh nghiệp nhóm này mà còn phải gia tăng các quy định cho chặt chẽ hơn. Theo đó, kể cả các doanh nghiệp có nợ trực tiếp thành lập bộ phận thu nợ thì cũng phải bắt buộc chấp hành các tiêu chuẩn về nghiệp vụ, chuyên môn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết năm 2015, cả nước chỉ 4 tỉnh thành có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, TPHCM có 34 đơn vị được cấp phép, nhưng có 18 đơn vị dừng hoạt động; Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp; An Giang 1 doanh nghiệp; riêng Hà Nội chưa có thống kê cụ thể số doanh nghiệp.

Theo Vi An

Lao động

Trở lên trên