MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên thành lập nhà băng Việt kiều

17-11-2016 - 12:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Tại buổi gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 57 chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, TS. Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Hoa Kỳ), chuyên gia tài chính NH, nhắc lại đề xuất Chính phủ cho phép kiều bào huy động vốn để thành lập một NH Việt kiều tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về ý tưởng này, ĐTTC đã có buổi trao đổi với TS. Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
294 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
  • Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...

Phóng viên: - Thưa ông, tại sao ông kiến nghị thành lập NH Việt kiều?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Có 3 lý do chính dẫn đến kiến nghị này. Thứ nhất, mục đích nhằm tạo cơ hội để kiều bào có thể đóng góp đầu tư vào nền kinh tế của Việt Nam. NH luôn là kênh đầu tư hấp dẫn, dễ dàng thu hút nhiều người, có tính chất quan trọng trong hệ thống tiền tệ. Nếu thành lập một xí nghiệp công nghệ thông tin chỉ có người thích công nghệ thông tin mới đầu tư. Nhưng đối với NH, mọi người có tiền, không kể tuổi tác, giới tính và lĩnh vực hoạt động đều có thể đóng góp được.

Hiện nay có khoảng 4,5 triệu kiều bào trên hơn 100 quốc gia có thu nhập vào khoảng 50%/GDP Việt Nam. Vì vậy, thành lập NH Việt kiều là ý tưởng tuyệt vời để nâng cao tinh thần đóng góp của kiều bào vào nền kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành NH.

Như vậy, một NH được thành lập sẽ tạo ra một kênh đầu tư thu hút một cách hiệu quả sự đóng góp của kiều bào vào nền kinh tế ở trong nước. Hiện nay cơ sở pháp lý cũng đã có. Nếu vào 25 năm trước, Luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài mua cổ phần, cổ phiếu của các NH tại Việt Nam. Nhưng đến nay Việt Nam đã có 6 NH có 100% vốn nước ngoài. Đồng thời, ngành tài chính NH đã có nhiều bước đột phá mạnh mẽ. Do đó đề xuất này vẫn còn có giá trị.

Thứ hai, Việt Nam cũng cần có định chế tài chính mẫu mực. Bởi sau nhiều năm tái cơ cấu, hệ thống NH Việt Nam đã tốt hơn nhưng vẫn còn những bất cập. Sau khi NHNN phải mua 3 NH với giá 0 đồng, có lẽ vẫn còn những NH yếu kém khác. Các NH vẫn chưa hoạt động đúng theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn với tiêu chuẩn Basel, NH Việt mới áp dụng Basel I, trong khi đáng lý đã ở Basel II vì thế giới đã áp dụng Basel III lâu rồi.

Hay ngay cả vấn đề thanh tra NH vẫn là thanh tra tuân thủ, trong khi trên thế giới áp dụng phương pháp thanh tra toàn diện và thanh tra rủi ro. Đối với NH Việt kiều sẽ phải áp dụng tất cả thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế từ quản trị doanh nghiệp đến điều hành, sản phẩm dịch vụ, chính sách tín dụng… Đồng thời, yếu tố con người cũng là chỗ để Việt kiều có thể đóng góp được từ những chuyên gia ở nước ngoài về hợp tác trong nước cùng thành lập NH chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba, NH Việt kiều sẽ là đầu mối giữa ngành tài chính NH ở Việt Nam với thế giới bên ngoài; là đầu mối hỗ trợ kiều bào khi về làm ăn ở Việt Nam. Chắc chắn với những chuẩn mực được tổ chức cũng như nguồn vốn dồi dào và các quan hệ, NH Việt kiều sẽ là đầu mối để hệ thống NH Việt tiến dần ra thị trường NH trên toàn thế giới.

- Vậy NH Việt kiều sẽ có định hướng hoạt động và quy mô vốn như thế nào, thưa ông?

- Vốn pháp định tối thiểu của một NH là 3.000 tỷ đồng, tức khoảng 160 triệu USD. Số tiền này không phải quá lớn so với cộng đồng Việt kiều. Cách đây 25 năm, Ban trù bị Ủy ban người Việt ở nước ngoài đã đi qua các quốc gia Đức, Pháp, Hoa Kỳ… và gặp gỡ cộng đồng người Việt, họ rất hồ hởi trong việc mua cổ phiếu của NH. Sau 25 năm, cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất phồn thịnh nên huy động số vốn như thế không phải chuyện khó, đặc biệt ngay cả kiều bào kinh doanh trong nước, doanh nhân Việt kiều cũng có nguồn lực rất mạnh.

Trước hết NH Việt kiều phải được NHNN cho phép hoạt động tại Việt Nam và đăng ký hoạt động như một doanh nghiệp tại Việt Nam. Tiếp đến, về hoạt động, NH Việt kiều cũng là một NHTM hoạt động như tất cả NH khác, bao gồm cho vay, huy động vốn, tham gia vào thị trường 2, thị trường liên NH, cung cấp tất cả dịch vụ như chuyển tiền, kiều hối và đặc biệt quan tâm đến phát triển mạng lưới ở nước ngoài để thu hút kiều hối về Việt Nam. Như vậy, cổ đông của NH Việt kiều sẽ là những kiều bào đã tham gia góp vốn. Lộ trình thực hiện từ 1-2 năm với điều kiện NHNN cho phép một mô hình tổ chức thế này và được Chính phủ hỗ trợ, quan tâm.

- Trong bối cảnh hệ thống NH đang tiến hành tái cơ cấu và chủ trương giảm bớt số lượng NH, liệu đề xuất thành lập NH Việt kiều có khả thi không?

- Theo tôi, đề xuất này khả thi và không đi ngược lại xu hướng thuyên giảm số lượng NHTM tại Việt Nam. Một mặt, NHNN chủ trương muốn kéo số lượng NH xuống còn khoảng 15-20, nhưng NHNN cũng vừa cho phép một NH của Hàn Quốc thành lập NH thứ 6 có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, NH Kiều bào có thể thuộc loại NH có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải NH có vốn nội địa. Thành ra nó được phép đứng ngoài chủ trương kéo số lượng NHTM nội địa xuống. Bên cạnh đó, mục đích kéo số lượng NH xuống là khai trừ những NH quá yếu kém, quá nhỏ. NH Việt kiều là một NH được thiết lập mạnh về vốn và theo tiêu chuẩn quốc tế, nên việc có mặt ở thị trường Việt Nam không những không đi ngược mà còn bổ sung vào việc thực hiện chủ trương đúng đắn.

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH

- Có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không đề xuất mua một NH yếu kém rồi tiến hành tái cơ cấu?

- Thực ra một NH yếu kém thường phát sinh vấn đề tiêu cực và để sửa sai, loại bỏ những tiêu cực đó không phải dễ, đặc biệt là con người hoạt động tại một môi trường rất khó thay đổi văn hóa, thói quen so với việc đặt ra tổ chức mới trong môi trường mới, với tiêu chí mới và đạo đức kinh doanh mới sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tôi cũng không loại bỏ trường hợp nếu có một NH nào trở thành ứng viên thuận lợi và được Chính phủ cho phép sẽ mua những NH đó. Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy việc thành lập mới dễ dàng hơn là mua NH yếu kém rồi chỉnh sửa lại, trong khi nếu mua được NH hoạt động tốt, có thị trường tốt dĩ nhiên giá sẽ cao.

Ngoài ra, vấn đề nợ xấu vẫn là nhức nhối nhất trong hệ thống NH. Một món nợ xấu kéo dài từ 3-5 năm mới xử lý được vì rất nhiều trường hợp người vay nợ không hợp tác. Nhiều món nợ không làm sao có thể xử lý được và việc kéo dài sẽ tạo ra thiệt hại cho NH. Do vậy những NH có nợ xấu thật sự không phải là ứng viên tốt cho NH Việt kiều.

- Thưa ông, các doanh nghiệp trong nước sẽ được tiếp cận như thế nào nếu NH mới thành lập?

- Vốn chủ yếu là vốn đầu tư của kiều bào và không loại trừ khả năng bán vốn trên thị trường tài chính trong nước, mời gọi cổ đông trong nước tham gia. Đồng thời, NH cũng sẽ có những chính sách về tín dụng, huy động, các dịch vụ tài chính cung cấp cho toàn bộ hệ thống người dân và doanh nghiệp. Tức là hoạt động như là một NH Việt Nam nhưng thế mạnh được chú trọng là hỗ trợ Việt kiều về làm ăn sinh sống lập nghiệp, kinh doanh ở Việt Nam, giúp trở thành kênh đầu tư cho kiều bào. Bởi thông thường các NH trong nước sẽ khó có thể mạnh dạn cho kiều bào vay vốn nếu như chưa nắm được lịch sử tín dụng, thân nhân, tài sản của họ ở nước ngoài. Mặt khác NH này cũng sẽ đẩy mạnh lĩnh vực xuất nhập khẩu, hỗ trợ kiều bào xuất hàng về Việt Nam cũng như những doanh nghiệp kiều bào xuất đi ra nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Xuân Anh (thực hiện)

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên