MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có những thứ dành cả đời để bận tậm, đến phút cuối mới vỡ lẽ hóa ra chẳng quan trọng tới vậy: Xe xịn, nhà đẹp, công việc hào nhoáng có đủ khiến bạn vui?

27-04-2021 - 10:33 AM | Sống

Có những thứ dành cả đời để bận tậm, đến phút cuối mới vỡ lẽ hóa ra chẳng quan trọng tới vậy: Xe xịn, nhà đẹp, công việc hào nhoáng có đủ khiến bạn vui?

Cuộc sống này quá ngắn ngủi để chúng ta cảm thấy hối tiếc.

Bạn có muốn sống một cuộc đời an nhàn? Bạn có muốn ở mãi trong vòng an toàn? Bạn có muốn đứng ngoài cuộc mãi mãi?

Có lẽ, chẳng ai muốn trở thành người như vậy cả. Chúng ta luôn mơ ước một cuộc đời thú vị và tuyệt vời. Chúng ta có tham vọng, hoài bão và mục tiêu, nhưng lại ngại hành động để leo lên nấc thang mới trong cuộc đời này.

Vấn đề là bạn đang sợ hãi và bận tâm quá nhiều thứ. Con người chẳng thể gạt nỗi sợ sang một bên để tự do theo đuổi mục tiêu của mình. Điều này thật ngớ ngẩn. Chẳng có trở ngại nào là không thể vượt qua, song bộ não bé nhỏ của loài người đã ngăn chúng ta lại.

Vậy làm thế nào để thay đổi? Hãy nghĩ đến cái chết. Trong khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, chúng ta sẽ nhận ra: có những thứ dành cả đời để bận tâm, nhưng thật ra lại chẳng quan trọng chút nào.

Nỗi xấu hổ và sự từ chối

"Dám dấn thân và chấp nhận mình sẽ bị từ chối là điều vô cùng cần thiết." - Robert Genn

Với hầu hết mọi người, cảm giác bị từ chối và xấu hổ là hai nỗi sợ lớn nhất.

Trên thực tế, cảm giác bị từ chối và xấu hổ không tệ như bạn vẫn tưởng. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Bạn không có được thứ mình muốn và cảm thấy tổn thương đôi chút. Sau đó, bạn sẽ hoàn toàn quên mất chuyện đó và hồi phục rất nhanh.

Người đời có câu: "20 tuổi, quan tâm đến mọi thứ người khác nghĩ; 40 tuổi, bớt bận tâm người ta nghĩ gì về mình; 60 tuổi, nhận ra sự thật rằng chẳng có ai nghĩ đến mình bao giờ".

Đến khi về già và cận kề cái chết, bạn mới hiểu rằng mình không nên bận tâm quá nhiều đến vậy. Con người ai cũng như vậy; chúng ta để ý quá mức tới những cảm xúc nhất thời, để rồi tự tay phá hủy đi niềm vui lâu dài của bản thân.

Mỗi khi bị từ chối, hãy cố gắng nhìn mọi thứ khác đi, bởi con người không ai là hoàn hảo cả. Nếu sống đủ lâu, bạn sẽ nhận ra nỗi sợ hãi ấy chỉ tồn tại trong đầu mình. Bạn không bận tâm đến nó quá nhiều, nhưng nó lại ngăn cản bạn làm điều mình muốn.

Hãy thử tưởng tượng cảm giác bị từ chối hay xấu hổ. Liệu bạn có còn quan tâm đến chuyện đó sau 6 tháng, 6 tuần hay thậm chí là… 6 tiếng? Nếu cứ mãi bận tâm về chúng, có lẽ bạn sẽ phải hối hận cả đời này.

Có những thứ dành cả đời để bận tậm, đến phút cuối đời mới biết hóa ra chẳng quan trọng tới vậy: Xe xịn, nhà đẹp, công việc hào nhoáng có đủ khiến bạn vui? - Ảnh 1.

Những tình huống rủi ro

"Tôi sẽ nói cho bạn biết điều gì đã thay đổi toàn bộ cuộc đời mình: Tôi phát hiện mọi thứ đều có rủi ro. Ngay khi bạn sinh ra, rủi ro đã tồn tại. Nếu bạn thử nghiệm là liều lĩnh, hãy đợi tới lúc phải trả giá vì không dám thử." - Jim Rohn

Cách bạn quản lý rủi ro sẽ quyết định thành công lâu dài trong cuộc đời. Chỉ cần tìm ra những tình huống có mức độ rủi ro vừa phải, nhưng đem lại nhiều lợi ích cho mình, bạn sẽ dễ dàng trở nên thành công hơn.

Nhìn chung, hãy nhìn nhận rủi ro theo cách này. Nếu thứ bạn muốn thử không khiến bạn rơi vào cảnh khốn cùng, vậy tại sao lại không thử?

Trong giờ phút sinh tử, bạn thực sự còn gì để mất? Tiền bạc ư? Dĩ nhiên là vậy. Ai cũng muốn có tiền để xoay xở những lúc nắng mưa bất ngờ, khi tuổi già ập đến.

Thế nhưng, nếu bạn muốn khởi nghiệp và cần tới 10.000 USD thì sao? Đó có thể là một cơ hội thay đổi cuộc đời bạn theo hướng tích cực.

Bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm ăn là liều lĩnh, nhưng trong giờ phút sinh tử, bạn sẽ chẳng ngại mất mát nếu thất bại. Hầu hết chúng ta đều nợ nần không ít thì nhiều, vì thế đừng ngại rủi ro nếu nó có thể đem lại cho bạn cơ hội đổi vận.

Nếu thất bại nhưng không hoàn toàn gục ngã, bạn sẽ sống sót. Còn nếu thành công, bạn sẽ có thêm một ký ức tuyệt đẹp cho tới cuối đời.

Sự nghiệp hào nhoáng

"Làm thế nào một người lại thích thú với việc bị chuông báo thức gọi dậy lúc 6h30 sáng, nhảy ra khỏi giường, ép bản thân vệ sinh cá nhân và mặc quần áo, vượt qua con đường đông đúc vào giờ cao điểm để tới một nơi mà anh ta làm ra rất nhiều tiền cho người khác và phải biết ơn vì có cơ hội làm điều đó?" - Charles Bukowski

Nếu không quan tâm đến công việc mình đang làm, mọi lời khen ngợi mà bạn nhận bây giờ sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi bạn gần đất xa trời.

Chúng ta luôn cố gắng để tạo ra vỏ bọc nghề nghiệp hoàn hảo cho mình. Để làm gì? Để gây ấn tượng với ai? Một trong những bi kịch lớn nhất trong xã hội hiện đại là con người đang để sự nghiệp tự do chi phối mình.

Bạn được dặn rằng, chỉ khi leo lên những nấc thang sự nghiệp, bạn mới nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của người đời. Chúng ta cố xây dựng hình ảnh để khiến người khác hài lòng thay vì làm điều mình thực sự muốn.

Bạn phấn đấu để trở thành luật sư top đầu, nhưng lại chẳng thích gì công việc này. Liệu bạn có nhận được sự tôn trọng của những người trong nghề? Tất nhiên. Khi thấy bạn bước ra khỏi chiếc BMW mới cóng trong bộ suit Armani bảnh bao, mọi người có ấn tượng không? Có, nhưng chỉ trong khoảng 5 giây ngắn ngủi.

Vấn đề là bạn hoàn toàn có thể kiếm được cả đống tiền từ công việc mình yêu thích. Chỉ những người ghét công việc mình đang làm mới cần những lời khen ngợi, những món quà phù phiếm để lấp đầy khoảng trống trong lòng.

Ở tuổi 90, liệu bạn có nhìn lại sự nghiệp và cảm thấy hài lòng? Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta đày đọa bản thân trong một công việc mình chán ghét.

Có những thứ dành cả đời để bận tậm, đến phút cuối đời mới biết hóa ra chẳng quan trọng tới vậy: Xe xịn, nhà đẹp, công việc hào nhoáng có đủ khiến bạn vui? - Ảnh 2.

Những trận cãi nhau vụn vặt và bất đồng quan điểm

"Không gia đình nào là hoàn hảo; chúng ta cãi nhau, đánh nhau. Đôi lúc chúng ta còn không nói chuyện với nhau, nhưng suy cho cùng, gia đình vẫn là gia đình. Tình yêu thương vẫn luôn luôn tồn tại."

Thật khó để tưởng tượng cảnh cha mẹ và con cái từ mặt nhau, nhưng việc này vẫn thường xảy ra. Bởi lẽ, mối quan hệ giữa con người với nhau thực ra rất phức tạp.

Có những sai lầm là không thể tha thứ, buộc chúng ta phải ngoảnh mặt lại với những người mình từng yêu quý. Thế nhưng, mọi thứ ở dưới ngưỡng đó nên được nhìn nhận thông qua lăng kính sinh tử.

Trong một buổi hội thảo, vị diễn giả nổi tiếng đã hỏi những người tham dự: "Bạn có đang cãi nhau với ai đó, mà nếu họ chẳng may chết đi, bạn sẽ cảm thấy hối hận vì chưa kịp làm lành không?" Sau đó, ông yêu cầu các khán giả ra ngoài và gọi điện thoại cho người đó.

Đến cuối ngày, một nữ khán giả run rẩy đứng lên, xin phép được nói. Cô kể rằng chỉ vài tiếng sau khi gọi điện cho cha để làm lành, cha cô đã gặp tai nạn và qua đời. Cô vẫn chật vật với cảm giác tội lỗi, tiếc nuối quãng thời gian quý giá mà nhẽ ra họ có thể hàn gắn với nhau. Dù vậy, ít nhất cô đã gọi điện và trò chuyện với cha trước khi ông mất - điều mà nhiều năm trời cô đã không làm.

Khi huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant đột ngột qua đời, rất nhiều người đã gọi điện cho người thân để nói lời yêu thương. Nhưng sau đó thì sao? Chúng ta lại quay trở về với guồng quay cũ của cuộc sống mà không biết rằng cái chết vẫn đang lởn vởn đâu đây.

Vì thế, hãy tự hỏi bản thân: Bạn đang giận dỗi ai? Nếu chẳng may họ qua đời ngay lúc này thì sao? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào?

Ép bản thân bằng bạn, bằng bè

"Chúng ta mua những thứ mình không cần với số tiền mình không có chỉ để gây ấn tượng với những người mình không thích." - Dave Ramsey

Hãy thử nhìn một lượt xung quanh. Có bao nhiêu người bạn thực sự thích? Có bao nhiêu người thực sự thích bạn, không quan tâm bạn đi xe gì, ở nhà nào, mặc đồ hiệu hay không?

Khi đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ chẳng còn bận tâm đến việc gây ấn tượng với người khác. Bạn đi xe xịn vì thích xe xịn, ở trong căn nhà phù hợp với mình, mặc quần áo theo phong cách mình ưa thích.

Nếu cứ đua đòi cho bằng bạn bằng bè, chúng ta sẽ nhận được gì? Chúng ta chỉ đang tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho những thứ phù phiếm, thay vì những trải nghiệm thú vị thực sự có lợi cho mình.

Con người ai cũng yêu tiền. Tiền bạc cho chúng ta tự do và phương tiện để làm điều mình muốn, không chỉ đơn giản là mua thứ mình muốn. Tiền bạc giúp chúng ta trải nghiệm những điều khiến cuộc sống thêm phong phú hơn.

Nhưng để kiếm được số tiền đó, bạn phải ngừng bận tâm xem người khác nghĩ gì, ngừng sợ hãi rủi ro, dám chấp nhận thách thức trước khi hết thời gian quý giá.

Có những thứ dành cả đời để bận tậm, đến phút cuối đời mới biết hóa ra chẳng quan trọng tới vậy: Xe xịn, nhà đẹp, công việc hào nhoáng có đủ khiến bạn vui? - Ảnh 3.

***

Con người ai rồi cũng sẽ phải chết. Vì thế, hãy cứ sống trọn vẹn cuộc đời này.

Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Bản năng sẽ kìm hãm bạn, buộc bạn phải tự đấu tranh để giành lấy cuộc đời mình mong muốn. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, nhưng điều đó cũng chẳng sao cả, bởi nỗi sợ sẽ giúp bạn trở nên dũng cảm hơn.

"Sống vui hay chết mòn?" - một lời động viên chúng ta thấy nhan nhản trên mạng xã hội nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Dù vậy, bạn vẫn cứ nên thử một lần, để khi đối diện với giờ phút cuối cùng của cuộc đời, bạn có thể tự hào rằng mình không còn gì tiếc nuối.

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên