MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu “con cháu đại gia” lên sàn, không phải ai cũng phất

Một vài cái tên đáng chú ý lên sàn gần đây có thể kể tới “nhóm Masan” như Masan Consumer (MCH), Nước khoáng Quảng Ninh (QHW); “nhóm FPT” bao gồm FPT Telecom (FOX), Chứng khoán FPT (FTS); Các cổ phiếu thuộc “họ” Sabeco, Habeco như Bia Hà Nội – Thái Bình (BTB), Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (SB1)…

Thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đón nhận một loạt cổ phiếu mới lên sàn, mang lại nhiều sự lựa chọn cho giới đầu tư. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp là “con cháu” của các đại gia trên sàn chứng khoán.

Một vài cái tên đáng chú ý lên sàn gần đây có thể kể tới “nhóm Masan” như Masan consumer (MCH), Nước khoáng Quảng Ninh (QHW); “nhóm FPT” bao gồm FPT Telecom (FOX), Chứng khoán FPT (FTS); Các cổ phiếu thuộc “họ” Sabeco, Habeco như Bia Hà Nội – Thái Bình (BTB), Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh (SB1).

Ngoài ra, một vài cổ phiếu khác như Hanel xốp nhựa (HNP), Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) cũng là những cái tên đáng chú ý do Hanel, Gelex, VnSteel nắm giữ phần lớn cổ phần.

Nhiều gương mặt gây thất vọng

Mặc dù cùng là “con cháu đại gia” nhưng diễn biến giao dịch của các cổ phiếu sau khi lên sàn nhìn chung không thực sự tích cực. Tiêu biểu là trường hợp cổ phiếu MCH khi rơi một mạch từ 90.000 đồng xuống 80.000 đồng chỉ sau 5 phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM. Một tên tuổi đáng chú ý khác là FTS của FPTS với 2 phiên giảm sàn liên tiếp sau khi niêm yết trên HoSE.


Cổ phiếu MCH giảm mạnh sau khi lên sàn

Cổ phiếu MCH giảm mạnh sau khi lên sàn

Đáng chú ý, Masan Consumer được biết đến là doanh nghiệp sản xuất các loại đồ uống không cồn, mì gói, nước chấm…của tập đoàn Masan và là “con gà đẻ trứng vàng” cho Masan với tỷ lệ cổ tức chi trả rất hậu hĩnh. Trong khi đó, FPTS cũng thường xuyên nằm trong top 10 CTCK chiếm thị phần lớn nhất 2 sàn HoSE và HNX.

Không những vậy, một vài trường hợp sau khi lên sàn gần như không xuất hiện giao dịch như QHW, TNS, BTB. Trong đó, với TNS thì việc cổ phiếu không hấp dẫn nhà đầu tư có nguyên nhân từ hoạt động kinh doanh yếu kém khi thua lỗ triền miên. Tính tới 30/6/2016, số lỗ lũy kế của TNS đã lên tới gần 280 tỷ đồng.

Còn với QHW, việc cổ phiếu này không có thanh khoản không đến từ câu chuyện hoạt động kinh doanh mà đến từ việc cổ phiếu trôi nổi quá ít. Hiện tại, Masan Beverage và Tỉnh ủy Quảng Ninh nắm giữ tổng cộng hơn 80% cổ phần QHW. Một tên tuổi đáng chú ý khác là FTS của FPTS với 2 phiên giảm sàn liên tiếp sau khi niêm yết trên HoSE.

Với BTB, câu chuyện của cổ phiếu này cũng đến từ việc hoạt động kinh doanh không thực sự tích cực. Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2016, BTB vẫn còn lỗ lũy kế hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc BTB không hấp dẫn giới đầu tư còn đến từ việc sóng cổ phiếu bia đã không còn sôi động như cách đây 2 tháng và các cổ phiếu “họ” Habeco vốn dĩ cũng không được quan tâm nhiều như các cổ phiếu “họ” Sabeco.

Điểm sáng FOX, HNP

Bên cạnh các cổ phiếu “con cháu đại gia” gây thất vọng kể trên vẫn xuất hiện khá nhiều cổ phiếu thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư sau khi lên sàn như HNP với 3 phiên tăng trần liên tiếp. Việc HNP tăng mạnh đến từ hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả của doanh nghiệp này cũng như việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% chỉ sau vài phiên lên sàn.

Tuy vậy, cổ phiếu đáng chú ý nhất mới lên sàn gần đây là FOX với 2 phiên tăng trần liên tiếp và không có dư bán.

Việc FOX nhận được sự quan tâm lớn là điều không quá bất ngờ khi FPT Telecom là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hàng đầu của tập đoàn FPT. Trong 9 tháng đầu năm 2016, công ty mẹ của FPT Telecom đạt 3.950 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 509 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Báo cáo hợp nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 662 tỷ đồng và giá trị sổ sách đạt 23.924 đồng. Công ty này cũng thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trên 20%, chưa kể cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, việc cổ phiếu tự do trôi nổi khá thấp cũng như kỳ vọng của giới đầu tư về việc SCIC tiến hành thoái vốn cũng là những yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng của FOX.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên