MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu của các doanh nghiệp "ăn nên làm ra" đang như thế nào?

Có những lúc giá cổ phiếu không "thuận chiều" theo mức tăng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mùa báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã khép lại, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng đột biến, thậm chí vượt xa kế hoạch đặt ra cho cả năm, thì vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ, hoặc cũng có những doanh nghiệp lỗ triền miên chưa dứt.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lãi/lỗ nhiều lúc cũng không "thuận chiều" với biến động giá cổ phiếu trên thị trường. Hãy điểm xem, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp "ăn nên làm ra" hiện như thế nào.

Một cái tên rất mới trên sàn chứng khoán gây bất ngờ

Một trong những ngành có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong quý 2 và nửa đầu năm 2019 vừa qua là ngành hạ tầng khu công nghiệp. Và trong ngành này, cái tên được nhắc đến nhiều nhất mấy tháng qua không phải là các "ông lớn" nào khác, mà là một "tân binh" của sàn Upcom – CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán SIP).

Hơn 69 triệu cổ phiếu SIP chào sàn từ 6/6/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu. Đến nay, sau gần 3 tháng lên sàn, SIP đã kịp tăng gần 8 lần, lên 131.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó ấn tượng nhất là sau 5 phiên đầu đóng cửa ở giá tham chiếu, sau đó SIP tạo bất ngờ với 9 phiên liên tiếp tăng trần, sau đó là chuỗi tăng điểm mạnh.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu SIP từ khi lên sàn.

Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2018 đạt 3.239 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm trước đó và lợi nhuận sau thuế tăng 40%, đạt trên 248 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.976 tỷ đồng, tăng 34,4% so với nửa đầu năm ngoái, còn lợi nhuận sau thuế tăng 65%, đạt gần 214 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành khu công nghiệp tăng trưởng lớn về lợi nhuận

Cũng trong nhóm ngành KCN, Becamex IDC (BCM) đạt 3.379 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, tăng 11,7% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 40,9%, lên 1.323 tỷ đồng. Cổ phiếu BCM cũng tăng khoảng 34%, lên 33.000 đồng/cổ phiếu.

Một cái tên khác đáng phải nhắc đến là KCN Nam Tân Uyên (NTC) với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 86,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với gần 86 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. Song lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng 49%, lên trên 130 tỷ đồng. Đặc biệt giá cổ phiếu NTC đã tăng gấp 2,5 lần thời điểm đầu năm, lên xấp xỉ 190.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 2.

Doanh thu, lợi nhuận sau thuế và giá cổ phiếu NTC.

Một doanh nghiệp ngành KCN khác là KCN Tín Nghĩa (TIP) với doanh thu 6 tháng đạt 104 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận đạt 48,2 tỷ đồng, tăng 124% so với nửa đầu năm ngoái. Đáng chú ý, cổ phiếu TIP đã tăng vọt gấp 2,5 lần thời điểm đầu năm (giá đã điều chỉnh), hiện giao dịch quanh mức 35.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu TIP trong 1 năm gần đây.

Tân Tạo (ITA) báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 355 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận đạt 105 tỷ đồng, tăng 135% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên kết quả kinh doanh tăng không đồng thời kéo theo giá cổ phiếu. ITA vẫn giao dịch lẹt đạt dưới ngưỡng 3.600 đồng/cổ phiếu hơn 1 năm nay, thậm chí có lúc xuống đến 2.500 đồng/cổ phiếu. Hiện tại ITA đang giao dịch quanh mức giá 3.300 đồng/cổ phiếu.

Viettel Global bất ngờ lãi hơn 700 tỷ đồng so với số lỗ 366 tỷ đồng cùng kỳ

Sau loạt doanh nghiệp ngành hạ tầng được nhắc đến, thì cái tên Viettel Global (VGI) cũng rất đáng được chú ý. Tuy doanh thu 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 1,7%, còn 7.869 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế bất ngờ đạt 761 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 366 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn giảm, các công ty liên doanh liên kết mang về số lãi 112 tỷ đồng thay cho số lỗ 411 tỷ đồng cùng kỳ. Dù vậy, Viettel Global vẫn còn số lỗ lũy kế đến 30/6/2019 lên đến 5.078 tỷ đồng.

Cùng với đó, giá cổ phiếu VGI cũng đạt mức tăng trưởng gấp 2,8 lần thời điểm đầu năm, từ mức giá 13.400 đồng/cổ phiếu lên 37.400 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 4.

Quán quân ngành nhiệt điện có tăng trưởng cả về lợi nhuận và giá cổ phiếu

Nhiệt điện Hải Phòng (HND) không chỉ dành ngôi "quán quân" tăng trưởng trong ngành nhiệt điện, mà giá cổ phiếu cũng tăng khá mạnh. Xét về kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 5.754 tỷ đồng, tăng 9 so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế đột biến đạt 515 tỷ đồng, tăng gần 57% so với lợi nhuận đạt được 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công ty đã giảm nợ gốc tiền vay, giảm lỗ tỷ giá và chi phí các loại giảm.

Giá cổ phiếu HND cũng đạt mức tăng trưởng 61% so với thời điểm đầu năm, hiện giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 5.

Lợi nhuận nửa đầu năm của Kido gấp 2,3 lần cùng kỳ trong khi cổ phiếu giảm sâu

Việc cổ phiếu KDC dư mua trần 2 phiên liên tiếp vừa qua khiến các nhà đầu tư bỗng quan tâm sâu hơn tới doanh nghiệp này. Xét về kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 3.225 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt 113 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 49 tỷ đồng.

Dù vậy trên thị trường cổ phiếu KDC lại bất ngờ giảm sâu, trong đó có những phiên đã thủng luôn khoảng giá 18.000 đồng/cổ phiếu, tạo đáy mới trong nhiều năm lại đây cho cổ phiếu KDC.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 6.

Vingroup (VIC) công bố đạt 61.280 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, tăng nhẹ so với con số 60.691 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên nhờ chi phí, giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng mạnh nên LNST đạt 3.352 tỷ đồng, tăng trên 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó giá cổ phiếu VIC đã tăng 28% kể từ đầu năm 2019, lên 122.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó đã duy trì mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm 2019 đến nay.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 7.

Diễn biến giá cổ phiếu VIC trong 1 năm gần đây.

Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu tăng

Nhà Từ Liêm (NTL) vừa có quý 2 khá "thất thường" khi doanh thu và lợi nhuận tăng xấp xỉ 10 lần cùng kỳ năm ngoái, kéo theo đó doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 453 tỷ đồng, gấp 6,6 lần nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tương tự gấp 6,5 lần, đạt trên 120 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu, trong quý 2 vừa qua công ty đã bàn giao dự án chung cư lô 4.5 Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long và Dự án Bắc quốc lộ 32, Hoài Đức, Hà Nội cho khách.

Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, trên thị trường cổ phiếu NTL cũng tăng 47% so với đầu năm, đạt 25.000 đồng/cổ phiếu – đồng thời thoát khỏi thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá trước đó.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu NTL trong 1 năm gần đây.

Doanh nghiệp ngành may, May Sông Hồng (MSH) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đến 52% so với cùng kỳ, lên 219 tỷ đồng. Giá cổ phiếu MSH đạt mức tăng 44,4% so với thời điểm đầu năm, hiện giao dịch quanh mức 59.200 đồng/cổ phiếu.

Lợi nhuận tăng nhưng giá cổ phiếu không có đột phá, thậm chí giảm mạnh

Cũng có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể tạo được bước đột phá. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc diện này như Bảo hiểm dầu khí, Nam Việt, Cầu đường CII...

Cầu đường CII (LGC) cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 353 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận sau thuế bất ngờ đạt 356 tỷ đồng, gấp 2,6 lần lợi nhuận đạt được nửa đầu năm ngoái và đã vượt gần 17% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 213 tỷ đồng. Tuy vậy cổ phiếu LGC lại không tạo được đà bứt phá, thanh khoản thị trường rất thấp, chỉ vài chục đến mấy trăm cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Bảo hiểm Dầu khí (PVI) cũng là một ví dụ. Doanh thu 41%, lên 3.323 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 89,4% lên 462,6 tỷ đồng. Trong khi đó giá cổ phiếu PVI lại không tạo được đà bứt phá, chỉ đạt mức tăng 17% kể từ đầu năm, lên quanh mức giá 36.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu PVI khá tốt, hàng trăm ngàn đến hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Việc Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) báo lãi lớn nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ không phải là điều lạ, khi đây là giai đoạn công ty đã hoàn tất quá trình sáp nhập. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.487 tỷ đồng, gấp 8,6 lần cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế gấp 13 lần, đạt 281 tỷ đồng.

Điều lạ ở đây là giá cổ phiếu DGC lại giảm mạnh so với đầu năm, hiện giao dịch quanh mức 27.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 28%.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu DGC trong 1 năm gần đây.

Nam Việt (ANV) – doanh nghiệp ngành thủy sản công bố doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ, đạt 1.975 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 353 tỷ đồng, tăng đột biến 82,5% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên ngược lại, giá cổ phiếu ANV lại giảm mạnh so với đầu năm 2019.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 10.

Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh khả quan quý 2 và 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua. Điểm qua, CEO Group (CEO) đạt 2.566 tỷ đồng doanh thu, tăng 140% so với cùng kỳ. Và lợi nhuận sau thuế tăng 124%, đạt 277 tỷ đồng. Tuy vậy cổ phiếu CEO lại không "thuận chiều" tăng cùng kết quả kinh doanh, ngược lại đang giảm mạnh và vừa về chạm mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 11.

Diễn biến giá cổ phiếu CEO trong 1 năm gần đây.

Trong "họ nhà Vin", Vinhomes (VHM) công bố doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 72,4%, lên 26.770 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.142 tỷ đồng, tăng 36,6% so với nửa đầu năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 9.783 tỷ đồng. Vinhomes còn chiếm luôn ngôi vị doanh nghiệp lãi lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên giá cổ phiếu VHM tăng chưa thực sự ấn tượng. Nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay VHM đã tăng 20%, từ mức 72.500 đồng/cổ phiếu lên 87.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đã mấy tháng nay giá cổ phiếu VHM không có nhiều đột phá.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ăn nên làm ra đang như thế nào? - Ảnh 12.

Năm Bảy Bảy (NBB) có doanh thu chỉ bằng 1/4 so với nửa đầu năm ngoái, đạt 125,6 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế gấp gần 6 lần, đạt trên 232 tỷ đồng chủ yếu nhờ ghi nhận khoản doanh thu tài chính 255 tỷ đồng. Dù vậy, cổ phiếu NBB cũng không có sự bứt phá, hiện giao dịch quanh mức 20.500 đồng/cổ phiếu – không tăng so với thời điểm đầu năm.

Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase – mã chứng khoán BWE) cũng bất ngờ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ năm trước dù doanh thu tăng không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do công ty tiết giảm khoản lớn chi phí tài chính.

Tuy có kết quả kinh doanh tốt hỗ trợ, nhưng trên thị trường giá cổ phiếu BWE lại không có nhiều biến động từ đầu năm 2019 đến nay dù thanh khoản thị trường rất tốt.

Ngành xi măng cần nhắc đến Xi măng Bỉm Sơn (BCC) với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.914 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 47,8%, đạt 80 tỷ đồng. Dù vậy, giá cổ phiếu BCC vẫn lẹt đẹt dưới mệnh giá, thậm chí cả năm nay chỉ mấy phiên vượt lên trên mốc 9.000 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh đóng một phần rất quan trọng trong nhận định của nhà đầu tư khi đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự tăng/giảm giá cổ phiếu còn phụ thuộc rất nhiều vào cung/cầu thị trường, vào nhu cầu nhà đầu tư và các yếu tố tác động khác.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên