MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu dệt may “bừng sáng” nhờ CPTPP

Cùng với kết quả kinh doanh khả quan đang giúp cổ phiếu ngành dệt may bay cao

CPTPP sớm ký kết, các FTA sẽ có hiệu lực

Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 23/1 đã phát đi thông báo rằng Hiệp định TPP mới - được biết với tên chính thức là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoặc TPP 11 - sẽ được ký kết tại Chile vào 8/3 sau 2 ngày đàm phán thương mại ở Tokyo.

Theo đó, Nhật Bản hy vọng TPP 11 sẽ được thông qua vào 2019 và trở thành mốc son để kêu gọi Mỹ trở lại và các nước khác tham gia. TPP 11 chiếm 12,9% GDP thế giới và 14,9% thương mại toàn cầu. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ tại Davos rằng: “tôi sẽ tham gia TPP, nếu như chúng tôi đạt được 1 thỏa thuận tốt hơn nhiều so với trước đây".

Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã thông tin Hiệp định TPP-11, với tên mới là (CPTPP) sẽ được ký kết chính thức vào tháng 3 tới sau một số vướng mắc cần đàm phán trong đó có yêu cầu về lao động và công đoàn đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định dù CPTPP không có Mỹ và các lợi ích không còn cao như tính toán ban đầu nhưng các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế, tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. "Với sự tiến bộ, chắc chắn ảnh hưởng của nó sẽ không dừng lại ở 11 nước mà trong tương lại sẽ kéo các quốc gia khác, thậm chí ngay với Mỹ chúng tôi vẫn tin rằng có cơ hội kéo họ quay trở lại", ông Tuấn Anh kỳ vọng.

Mới đây, Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016, mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2018 là 20 tỷ USD. Điều này do đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2017 để đón đầu các FTA có hiệu lực, nên xuất khẩu da giày của Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI.

Tính chung cả ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Ngành dệt may cũng đặt mục tiêu đạt 34 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2018, tăng 10% so với năm 2017.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2018 có xu hướng tích cực do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018.

Thông tin tích cực, cổ phiếu dệt may “bốc đầu”

Đứng trước những kỳ vọng và sự đón đầu các FTA ; đặc biệt là những thông tin hết sức khả quan của CPTPP sẽ được ký kết trong tháng 3 tới, cổ phiếu ngành dệt may đã phản ứng rất tích với các thông tin này.

Dẫn đầu và cũng là đại diện cho ngành dệt may, cổ phiếu Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT) bỗng chốc thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi có mức tăng hơn 66% chỉ trong 18 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018; riêng 1 tuần qua đã có mức tăng 41% và hiện đứng ở 19.430 đồng/cp (25/1).

Không chỉ tăng mạnh về thị giá mà khối lượng giao dịch của VGT cũng tăng đột biến từ mức trung bình năm chỉ gần 38.000 cp/phiên lên hơn 353.000 cp/phiên, tức khối lượng đã tăng lên hơn 9 lần.

Cổ phiếu dệt may “bừng sáng” nhờ CPTPP - Ảnh 1.

Sức hút của VGT thời gian qua có lẽ đến từ sự thừa hưởng thông tin tích cực của CPTPP và các FTA. Bên cạnh đó, Vinatex cũng có những thông tin khả quan từ kết quả kinh doanh của tập đoàn cũng như kế hoạch thoái vốn.

Cụ thể, Vinatex cho biết, tổng doanh thu của tập đoàn cả năm 2017 ước đạt 45.550 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 1.434,4 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Năm 2018, Vinatex đặt kế hoạch 48.500 tỷ đồng doanh thu và 1.450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 6,5% và 1,1% so với thực hiện năm 2017.

Năm 2018, Tập đoàn cũng sẽ triển khai thực hiện thoái vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên công tác tổ chức, cán bộ, quản lý tại Tập đoàn và cơ chế quản lý của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên sẽ dần có sự thay đổi. Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ thoái hết 53,5% vốn cổ phần đang nắm giữ tại Vinatex trong năm nay.

Cổ phiếu dệt may khác cũng có mức tăng ấn tượng là TCTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) khi đạt mức giá 62.420 đồng/cp (25/1), tương ứng tăng 45% trong 1 tháng qua. Kết quả kinh doanh của VGG cũng khá ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch chỉ sau 9 tháng, lãi ròng đạt 303,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu dệt may “bừng sáng” nhờ CPTPP - Ảnh 2.

Cổ phiếuCTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đã tăng giá 17% trong 1 tháng qua và hiện được giao dịch tại mức giá 15.700 đồng/cp (25/1). Khối lượng giao dịch được cải thiện từ mức 320.000cp/phiên trong 1 năm lên 952.000cp/phiên trong tuần qua, tương đương tăng lên 3 lần về khối lượng.

Cổ phiếu dệt may “bừng sáng” nhờ CPTPP - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TNG cũng được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh tích cực. Doanh thu thuần của TNG tăng trưởng 32% lên 2.489 tỷ đồng; từ đó công ty báo lãi tăng trưởng 42% đạt hơn 115 tỷ đồng; đồng nghĩa với việc hoàn thành và vượt kế hoạch năm được ĐHĐCĐ giao nhiệm vụ. EPS năm 2017 của TNG đạt 3.112 đồng, với mức giá đang giao dịch trên sàn 15.700 đồng/cp, PE của TNG đang giao dịch ở mức 5 lần.

Một cổ phiếu dệt may cũng thu hút sự chú ý là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM). Ngay thông tin về ký kết TPP, TCM đã có ngay phiên tăng trần lên 28.550 đồng/cp, như vậy TCM đã tăng giá 111% trong năm qua.

Cổ phiếu dệt may “bừng sáng” nhờ CPTPP - Ảnh 4.

Hoạt động kinh doanh của TCM cũng tăng trưởng khá tốt, đạt mức lợi nhuận sau thuế 192,6 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất từ 2011 đến nay. So với năm 2016, doanh thu đạt 3.209 tỷ, tăng trưởng 5% và lợi nhuận cao hơn năm cũ đến 67,5% và vượt kế hoạch cả năm.

Nhìn chung cổ phiếu dệt may đã có những phiên giao dịch thăng hoa vừa qua nhờ hiệu ứng CPTPP, bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh cũng khả quan đang giúp cho kỳ vọng của cổ phiếu ngành dệt may rất sáng trong năm 2018.

Theo Huy Lê

NDH

Trở lên trên