MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Dược: Thuốc tốt không có giá rẻ

Năm 2016 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các cổ phiếu dược phẩm vốn được coi là nhóm cổ phiếu phòng thủ, những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh cùng việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia của các cổ đông chiến lược đã đưa cổ phiếu dược trở thành một trong những ngành mang lại lợi nhuận tốt nhất cho năm 2016.

Trong Báo cáo chiến lược mới đây của CTCK Rồng Việt, với các yếu tố hỗ trợ còn tiếp tục trong năm 2017, ngành dược được đánh giá sẽ là một thách thức lớn cho những ai muốn lựa chọn ngành này để đầu tư. Nhà đầu tư đang đứng trước hai lựa chọn. Hoặc là mua cao và kỳ vọng bán giá cao hơn trong tương lai, hoặc là phải bỏ công tìm những cổ phiếu có định mức giá rẻ hơn so với trung bình ngành.

Dưới đây là những đánh giá về cơ hội và thách thức cho ngành này, hy vọng những nhận định sau sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về ngành dược trong năm 2017.

Cơ hội

Có tiềm năng tăng trưởng lớn, chỉ tiêu thuốc của một người Việt Nam theo đánh giá chỉ bẳng khoảng 17% trung bình của thế giới, tuy nhiên vẫn cao hơn so với các quốc gia có GDP bình quân đầu người tương đương. Với dân số 90 triệu người và nằm trong nhóm những nước tăng trưởng, Việt Nam vẫn là một thị trường rộng lớn để các doanh nghiệp dược khai thác.

Kỳ vọng nới room, theo các báo cáo của EIU về tiềm năng phát triển ngành ý tế trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá ngang hàng với Indonesia và Philippines khi nằm trong những nước đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhất trong thời gian tới. Việt Nam có sức hút mạnh với dòng vốn ngoại, với trường hợp tiên phong của DMC trong năm 2016 sẽ là xu hướng cho không ít các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối trong nước.

Luật Dược được thay đổi (có hiệu lực từ năm 2017) với nhiều khuyến khích cho các doanh nghiệp nội. Đầu vào được hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất cho phép nộp hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc generic sớm, tiêu thụ được ưu tiên khi đấu thầu kênh điều trị ETC.

Xu hướng nâng cấp nhà máy lên chuẩn EU – GMP hoặc PIC/S. Với xu hướng này ngoài việc nâng cao chất lượng thuốc, đáp ứng được thoi quen tiêu dùng ngày càng cao còn giúp né nhóm đấu thầu ETC số 3, nơi cạnh tranh bằng giá hết sức khốc liệt.

Với việc chạy theo xu hướng nâng cấp nhà máy, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư các nhà máy như IMP, DMC, TRA, DHG sẽ có lợi thế hơn các công ty khác cùng ngành.

Rủi ro

Cạnh tranh trong ngành tiếp tục diễn ra gay gắt, các sản phẩm Âu Mỹ luôn có ưu thể hơn về chất lượng và thương hiệu, còn thuốc của Trung Quốc và Ấn Độ lại có lợi thể hơn về giá rẻ.

Việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh bị quản lý chặt chẽ do việc kháng thuốc ngày càng phổ biến và trở thành một nguy cơ lớn, tuy nhiên tại việt nam thói quen sử dụng thuốc không kê đơn đã tồn tại nhiều năm khiến cho các biện pháp quản lý khó có thể tác động đến doanh số bán thuốc.

Đánh giá về một số cổ phiếu tiêu biểu trong ngành

CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG), là doanh nghiệp dược phẩm đầu ngành của Việt Nam xét về quy mô cũng như hệ thống phân phối. Định hướng vào phân khúc thị trường phổ thông và tập trung phân phối sản phẩm thông qua hệ thống nhà thuốc. Do đó, 90% doanh thu của công ty đến từ kênh OTC. Danh mục thuốc chủ lực: Hapacol (giảm đau hạ sốt) Klamentin, Haginat (kháng sinh) Naturenz (gan mật) Nattoenzym, Apitim (tim mạch-tiểu đường) Spivital, Unikid (dinh dưỡng).

Hai cổ đông lớn nhất hiện tại là SCIC (43,3%) và Taisho (24,4%). SCIC chưa cho thấy ý định muốn thoái vốn khỏi DHG.

Các sản phẩm chủ lực của DHG có độ phủ thương hiệu cao và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng mạnh là một lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành. Sự xuất hiện của đối tác chiến lược Taisho còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đem lại doanh thu phân phối cho DHG. Ngoài ra, ưu đãi về thuế lớn giúp tăng lợi ích cho cổ đông.

Doanh thu ước tính trong năm 2017 đạt 4.250 tỷ đồng (tăng 12,5%), với top 5 sản phẩm có doanh thu trên 100 tỷ là Hapacol, Klamentin, Haginat, Apitim và Naturenz. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 780 tỷ. EPS sau khi trích 12,5% quỹ khen thưởng phúc lợi là 7.835 đồng.

Các yếu tố xúc tác cho giá cổ phiếu, tương tự trường hợp của DMC, các thông tin về nới room cho khối ngoại hay Taisho có động thái nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG sẽ tác động rất tích cực lên giá cổ phiếu.


Diễn biến giá cổ phiếu HDG trong 1 năm qua

Diễn biến giá cổ phiếu HDG trong 1 năm qua

CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (mã chứng khoán IMP), là công ty chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm tân dược, dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu ngành.

Sản phẩm chủ lực là các dòng thuốc kháng sinh, tiêu hóa như Pms-Claminat, Pms-Probio hay nhóm kháng sinh tiêm được sản xuất bằng công nghệ lên men Enzymatic của Tây Ban Nha. Công ty chiếm khoảng 3% thị phần dược nội địa và nằm trong top 5 công ty Việt Nam có doanh thu sản xuất dược lớn nhất.

Tiên phong trong việc sở hữu hệ thống nhà máy hiện đại chuẩn EU – GMP. Việc sở hữu nhà máy như vậy đem lại lợi thế khi đấu thầu vào kênh ETC, vừa là tấm giấy chứng nhận về chất lượng thuốc cũng như cho phép công ty có khả năng nâng giá bán.

IMP là một trong không nhiều công ty trên thị trường Việt Nam chạy theo hướng sản xuất dược phẩm chất lượng cao. Về dài hạn, IMP sẽ hưởng lợi khi nhu cầu sử dụng thuốc chất lượng cao ngày càng tăng của người dân.

Doanh thu kênh ETC trong năm 2017 hứa hẹn tăng trưởng mạnh 70%, đạt khoảng 250 tỷ đồng nhờ cạnh tranh ở nhóm đấu thầu số 2 “dễ thở” hơn và hưởng lợi từ luật dược sửa đổi quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu. Hai dây chuyền tiêm Penicillin và Cefalosporin dự kiến sẽ đóng góp khoảng 92 tỷ đồng.

Công suất của nhà máy Cephalosporin sau khi được nâng chuẩn EU-GMP dự kiến tăng từ 20% lên 50%. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp tiếp tục được duy trì trên mức 40%. Với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý như 2016, lợi nhuận trước thuế và trích quỹ khoa học công nghệ có thể đạt 180 tỷ đồng, cao hơn 12% so với kế hoạch của IMP. EPS sau khi trừ quỹ khen thưởng phúc lợi 12% ước đạt 3.100 đồng.

Các yếu tố xúc tác lên giá cổ phiếu, các thông tin liên quan đến việc nới room cho NĐT nước ngoài hay sự tham gia của các cổ đông chiến lược. Đây là điều đã từng xảy ra đối với DMC (nới room) hay DHG (Taisho) trong năm 2015.


Diến biến giá cổ phiếu IMP trong 1 năm qua.

Diến biến giá cổ phiếu IMP trong 1 năm qua.

Tiến Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên