MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Eximbank vẫn tiếp tục tăng trần

27-12-2021 - 11:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu Eximbank vẫn tiếp tục tăng trần

Cổ phiếu EIB liên tục tăng trần trong bối cảnh Eximbank chuẩn bị bầu nhân sự HĐQT. Trước đó, cổ phiếu này cũng leo dốc mạnh trong tháng 11 khi xuất hiện tin đồn DOJI mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC.

Cổ phiếu EIB tiếp tục thể hiện "phong độ" ấn tượng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi tăng trần 6,9% lên mức 33.350 đồng, với khối lượng dư mua hàng hàng trăm nghìn đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này.

Trong tuần trước, EIB đã liên tục tăng giá trong toàn bộ 5 phiên giao dịch với tỷ suất sinh lời lên tới 20%, cao nhất ngành ngân hàng và bỏ xa các mã đứng sau như VCB (5,1%), SSB (4,8%), MSB (3,6%), VAB (3,4%),…

Cùng với diễn biến giá, khối lượng giao dịch của EIB cũng tăng mạnh với hơn 15 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng 66% so với tuần trước.

Sau chuỗi ngày tăng giá liên tục, thị giá EIB đã tiệm cận mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết là 33.400 đồng/cp được xác lập vào ngày 4/6.

Cổ phiếu Eximbank vẫn tiếp tục tăng trần - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu EIB trong thời gian qua. (Nguồn: Tradingview)

Cổ phiếu Eximbank tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị bầu nhân sự HĐQT. Ngày 22/12 vừa qua là ngày cuối cùng Eximbank nhận hồ sơ đề cử nhân sự dự kiến vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020-2025. Diễn biến đáng chú ý của cổ phiếu EIB trong tuần khiến giới đầu tư tiếp tục dò đoán về những thay đổi về thượng tầng của nhà băng này.

Trước đó, EIB cũng bật tăng mạnh trong tháng 11 khi thị trường xuất hiện tin đồn: Nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này. Tuy nhiên, đại diện DOJI sau đó đã lên tiếng đã bác bỏ thông tin này.

Về SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank. Cụ thể, SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, một số nguồn tin không chính thức trên thị trường cũng cho rằng SMBC sẽ "buông’’ Eximbank sau hơn 13 năm gắn bó để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank. Bởi theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.

Thông tin SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank đang ngày càng được củng cố khi VPBank mới đây đã "trải thảm’’ đón cổ đông chiến lược khi đang xin ý kiến cổ đông khóa "room’’ ngoại ở mức 17,5% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ. Mặc dù ngân hàng chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng lãnh đạo VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.

Không những vậy, những diễn biến mới đây cho thấy mối quan hệ giữa VPBank và SMBC đang ngày càng "nồng ấm".

Trong tháng 11, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.

"Sự kiện này là bước phát triển mới, tiếp tục mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện giữa VPBank và SMBC trong thời gian tới.", Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết tại buổi ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với SMBC vào ngày 27/10.

Trở lại với Eximbank, tỷ lệ sở hữu giữa các "phe’’ tại ngân hàng này khi tiến hành họp đại hội cổ đông vào tháng 4 được cho là ngang ngửa nhau (đây cũng chính là nguyên nhân khiến các buổi đại hội cổ đông của nhà băng này liên tiếp bất thành trong thời gian qua).

Với cơ cấu cổ đông trên, trong trường hợp SMBC "buông tay" Eximbank, nhóm cổ đông nào tiếp quản lượng cổ phần do SMBC để lại sẽ có khả năng giành quyền chi phối nhà băng này.

Mặt khác, trong trường hợp SMBC chuyển nhượng 15% vốn tại Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, room nước ngoài tại ngân hàng sẽ hở ra một khoảng lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.

Trong khi đó, ngân hàng này thông báo đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đủ điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến 18% như tài liệu đại hội đồng cổ đông đề xuất.

Năm 2021, Eximbank cũng đặt mục tiêu kinh doanh tham vọng với kế hoạch lãi trước thuế tăng 63%, đạt 2.150 tỷ đồng.

Quy mô tài sản dự kiến tăng 10% so với cuối năm 2020 lên 177.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng đặt kế hoạch huy động vốn 148.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 117.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 10% và 15% so với mức thực hiện năm 2020.

Quốc Thụy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên