MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu “họ Viettel” ngược dòng thị trường bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm

Với tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong “kỷ nguyên 4.0”, các cổ phiếu Viettel trên sàn chứng khoán như VGI, VTP, CTR đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Những tháng đầu năm, diễn biến TTCK không thực sự tích cực khi liên tiếp chịu tác động từ căng thẳng chính trị Mỹ - Iran hay mới nhất là dịch Covid-19. Dù vậy, vẫn có nhiều nhóm ngành ngược dòng tăng trưởng tốt và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như các cổ phiếu "họ Viettel".

Tính tới hết phiên 18/2, cổ phiếu Viettel Global (VGI), Viettel Post (VTP), Công trình Viettel (CTR) lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 16%; 8% và 16% so với đầu năm, đây là con số ấn tượng khi so với mức giảm 3,4% của chỉ số VN-Index hay mức giảm 0,5% của chỉ số UPCom-Index. Đáng chú ý, đà tăng của các cổ phiếu "họ Viettel" không chỉ mới diễn ra thời gian gần đây mà đã diễn ra từ năm 2019. Vậy đâu là yếu tố giúp các cổ phiếu "họ Viettel" trở thành điểm sáng trên thị trường?

Cổ phiếu “họ Viettel” ngược dòng thị trường bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh bứt phá mạnh

Báo cáo tài chính năm 2019 được công bố cho thấy những con số ấn tượng của các doanh nghiệp "họ Viettel". Doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong nhóm Viettel trên sàn chứng khoán là Viettel Global ghi nhận 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2019, tích cực hơn rất nhiều so với mức lỗ gần 1.100 tỷ đồng trong năm trước đó.

Đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận Viettel Global là thị trường Myanmar khi đi vào hoạt động ổn định, kéo lợi nhuận của công ty liên kết tăng gần 1.800 tỷ so với năm 2018. Bên cạnh đó, 8/9 thị trường quốc tế của Viettel Global đều có mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2019 là nguyên nhân quan trọng giúp hiệu quả kinh doanh được cải thiện.

Trong khi đó, Công trình Viettel (CTR) đạt doanh thu 5.046 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế 180,9 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước và hoàn thành vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 của CTR đạt xấp xỉ 3.000 đồng. Năm 2019 cũng đánh dấu những con số kỷ lục về doanh thu cũng như lợi nhuận của CTR từ khi hoạt động tới nay.

Một điểm đáng chú ý, kết quả kinh doanh CTR tăng trưởng tốt diễn ra trong bối cảnh công ty đang xoay chuyển chiến lược đầu tư, từ công ty chuyên xây lắp công trình viễn thông trở thành doanh nghiệp hoạt động trên 4 trụ xây lắp, giải pháp tích hợp, vận hành khai thác và đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông.

Với Viettel Post, năm 2019 cũng ghi nhận những kết quả tích cực với doanh thu 7.808 tỷ đồng, tăng 59% và Lợi nhuận sau thuế 378,2 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Trong năm qua, Viettel Post đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền thương mại điện tử với việc ra mắt trang thương mại điện tử Vỏ Sò và ứng dụng gọi xe, giao hàng MyGo.

Cổ phiếu “họ Viettel” ngược dòng thị trường bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm - Ảnh 2.

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong "kỷ nguyên 4.0"

Theo đánh giá của giới đầu tư, các doanh nghiệp "họ Viettel" đang niêm yết đều có những lợi thế lớn với tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Với CTR, lĩnh vực vận hành khai thác viễn thông, cùng với giải pháp tích hợp đang được coi là động lực tăng trưởng chính. Việt Nam hiện có khoảng 90 nghìn trạm BTS đang hoạt động, mang lại nguồn việc vận hành khai thác dồi dào cho các doanh nghiệp như CTR.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đang bắt đầu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho thuê (cáp ngầm, trạm BTS) với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp cho thuê hạ tầng viễn thông số 1 Việt Nam. Trong dài hạn, lĩnh vực cho thuê hạ tầng viễn thông sẽ mang lại dòng tiền ổn định cho CTR.

Một điểm đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông trên Thế giới đều có xu hướng dùng chung hạ tầng viễn thông, trong khi tại Việt Nam vẫn đang là câu chuyện riêng biệt của Viettel, Mobifone, Vinaphone…Mới đây, Bộ Thông tin truyền thông đã khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông nhằm tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc dùng chung hạ tầng sẽ là cơ hội tăng trưởng mạnh cho những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông cho thuê.

Không chỉ hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông của Viettel cũng được hưởng lợi nhờ chính sách đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài của Tập đoàn mẹ.

Viettel hiện đang đầu tư vào 10 thị trường nước ngoài, trải dài tại 3 khu vực lớn (Châu Phi, Mỹ La Tinh, Đông Nam Á) và được coi là niềm tự hào của Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng viễn thông trên thế giới đang dần chậm lại, tuy nhiên các thị trường đầu tư của Viettel là các quốc gia đang phát triển với dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Cùng với quá trình đầu tư ra nước ngoài của Viettel, các doanh nghiệp trong "họ Viettel" cũng tiến quân ra các thị trường mà Tập đoàn này đầu tư. Trong đó, Viettel Global là doanh nghiệp phụ trách cho hoạt động kinh doanh quốc tế của Viettel.

Sau những năm đầu tư lớn, các thị trường nước ngoài đang tăng trưởng tốt và bắt đầu mang về "trái ngọt" cho Viettel Global. Trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng viễn thông mạnh mẽ tại các thị trường Đông Nam Á sẽ là động lực bứt phá cho Viettel Global.

Trong khi đó, CTR đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại các thị trường quốc tế của Viettel. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có lợi thế không nhỏ để triển khai các hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế Viettel đầu tư.

Với Viettel Post, doanh nghiệp này đang được hưởng lợi khi xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng thịnh hành tại Việt Nam. Viettel Post sở hữu mạng lưới giao nhận rộng khắp cả nước sẽ là lợi thế không nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh. Không những vậy, mặc dù thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh những năm gần đây nhưng so với Thế giới vẫn thấp, đây sẽ là cơ hội cho cả mảng thương mại điện tử cũng như giao nhận của Viettel Post tăng trưởng.

Ngoài những lợi thế riêng đã nêu, câu chuyện 5G hay Mobile Money sẽ là liều thuốc kích thích tăng trưởng của các doanh nghiệp "họ Viettel" trong dài hạn.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh như hiện nay, ngành ICT sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Trong khi đó số lượng các cổ phiếu công nghệ, viễn thông (ICT) trên sàn chứng khoán hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, việc các cổ phiếu ICT như FPT hay "nhóm Viettel" được giới đầu tư săn đón cũng là điều không quá bất ngờ.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên