MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu hoa hậu] TCM - Sự trở lại ngoạn mục của ông vua ngành dệt may

Kỳ vọng một chu kỳ tăng trưởng mới nhờ giá sợi có xu hướng hồi phục trở lại và nhà máy máy Vĩnh Long bước qua điểm hòa vốn, Dệt may Thành Công (TCM) đang có một đợt tăng giá đáng ngưỡng mộ.

Tuần qua chứng kiến khá nhiều cổ phiếu nổi bật xuất hiện nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm bất động sản, chứng khoán bởi lẽ những nhóm này có số lượng cổ phiếu khá lớn và đang tiếp tục ăn nên làm ra. Nhưng có những nhà đầu tư yêu thích loại cổ phiếu ở cuối hoặc vừa mới thoát khỏi chu kỳ suy thoái bởi vì mặc dù có phần rủi ro hơn nhưng nếu đúng thì phần thưởng của họ là những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Cổ phiếu TCM là một cổ phiếu như vậy. Chính bản thân TCM cũng đã từng minh chứng cho phong cách đầu tư trên khi thoát đáy suy thoái vào tháng 5 năm 2012 ở giá 4.000 đồng lên tới mức cao nhất vào tháng 7 năm 2015 ở giá 40 (giá cổ phiếu đã chia tách). Vậy lịch sử có lặp lại?

Diễn biến giao dịch trong giai đoạn gần đây

Mất chưa đầy 2 tháng để tích lũy quanh vùng đáy ở khoảng từ 13.000 đồng đến 16.000 đồng, cổ phiếu TCM vụt tăng một cách khó hiểu đối với các nhà đầu tư không tập trung nghiên cứu kỹ về tình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này bởi lẽ kết quả kinh doanh được công bố ở thời điểm đó chưa có gì khởi sắc. Tính từ thời điểm xác lập đáy vào ngày 13/12/2016 ở mức giá 13.050 đồng thì với mức giá hiện tại ở 28.700 đồng, TCM đã tăng giá lên tới 119,92%! Và tuần gần nhất cổ phiếu này cũng đem lại 10,4% lợi nhuận cho các nhà đầu tư nắm giữ.

TCM là một cổ phiếu rất hút dòng tiền bởi lẽ cổ đông nội bộ nắm lên tới xấp xỉ 50% lượng cổ phiếu trên tổng lượng cổ phiếu niêm yết chỉ là 49 triệu cổ phiếu, trong khi đó giao dịch bình quân hằng ngày xoay quanh 1 triệu cổ phiếu/ ngày. Ngoài ra cổ phiếu này vẫn bền bỉ tăng kể cả khi thị trường sụt giảm do lo ngại về các biến cố chính trị và quân sự trên thế giới trong khoảng thời gian từ 12/4/2017 đến 25/4/2017.

Kết quả kinh doanh quý I khả quan, và dự báo cả năm 2017 tươi sáng giúp giá cổ phiếu TCM hồi phục trở lại

Trong 2 năm suy thoái, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong giai đoạn này giảm từ mức đỉnh cao ở 168,4 tỷ đồng ở năm 2014 xuống mức 114,29 tỷ đồng vào năm 2016. Giá cổ phiếu TCM cũng sụt giảm tương ứng từ 40.000 đồng xuống đáy thấp nhất vào cuối 2016 ở 13.050 đồng, tuy nhiên một điểm tích cực là doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng từ 2.580 tỷ đồng lên tới 3.072 tỷ đồng ở cùng giai đoạn.

Điều này chứng tỏ ban lãnh đạo vẫn luôn có sự cố gắng để duy trì tăng trưởng, tuy nhiên do khó khăn của ngành và yếu tố nội tại của công ty nên lợi nhuận sau thuế thu về không đạt mức kỳ vọng. Cụ thể LNST giảm mạnh do nhà máy Vĩnh Long vẫn chưa đạt điểm hoà vốn và mảng sợi gặp khó do nhu cầu giảm trong khi tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng chững lại.

Trong thời gian qua TCM đã có nhiều nỗ lực trong việc tái cấu trúc các mảng kinh doanh chính như tăng tỷ lệ sợi sử dụng nội bộ từ 30% lên 40% và thanh lý một phần dây chuyện sợi, tăng công suất mảng vải từ 7 triệu m lên 10 triệu m, nghiên cứu các sản phẩm có biên lợi nhuận cao. Với quyết tâm như vậy thì giai đoạn khó khăn của TCM chỉ được coi là tạm thời, và khi nhu cầu hồi phục từ dệt may ở các thị trường trở lại kết quả kinh doanh của sẽ có nhiều đột biến. Theo nghị quyết của HĐQT của TCM đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 khả quan với doanh thu là 3,243 tỷ đồng (+6% so với thực hiện 2016) và lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng (+55% thực hiện 2016).

Theo đánh giá từ các nhà phân tích công ty sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra dựa trên những giả định sau:

_Mảng may tại nhà máy Vĩnh Long sẽ bước qua điểm hòa vốn từ cuối quý 4/2016, nhờ năng suất lao động bình quân đạt trên mức hòa vốn (30 USD/MO). Trong năm 2017, nhà máy mới này sẽ tạo động lực về tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận cho công ty thay vì phải bù lỗ như trước.

_ Mảng sợi cũng sẽ có tiến triển khả quan hơn khi giá sợi sau khi đạt độ trễ so với giá dầu (nguyên nhân là giá dầu tăng sẽ kéo theo giá sợi nhân tạo có nguồn gốc từ dầu mỏ tăng lên, từ đó tạo đà cho giá sợi tự nhiên của TCM tăng theo – tuy nhiên, quá trình này thường có độ trễ). Thêm nữa, giá bông đang có xu hướng hồi phục và đang ở mức cao nhất hai năm trở lại đây, cũng sẽ là nguyên nhân đẩy giá sợi đi lên trong năm 2017.

_Sản lượng vải xuất khẩu có thể tăng 25% khi công ty có ý định sẽ tăng công suất sản xuất vải từ 7 triệu tấm lên 10 triệu tấm, đồng thời gia tăng sử dụng nội khối của lượng sợi sản xuất lên trên 40%. Hiện mảng vải đang là mảng có biên lợi nhuận cao nhất (khoảng 23%) và thị trường tiêu thụ tại Nhật bản khá ổn định. Tuy nhiên, mảng này lại đóng góp thấp nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty.

_Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy về sản xuất năm nay có khả quan hơn năm trước, các doanh nghiệp năm nay có đơn hàng khá ổn định đến hết quý I và nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý II. Đây là một tín hiệu tích cực và trái ngược với sự ảm đạm do thiếu hụt đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may năm 2016 trước đó.

Kết quả kinh doanh quý I khả quan đang chứng tỏ TCM tạo bước ngoặt trở lại: Doanh thu ước đạt khoảng 756 tỷ đồng (tương đương với khoảng 33,31 triệu USD), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. LNST ước đạt 49 tỷ đồng (tăng 120% yoy) tương đương với tỷ suất LNST là 6,48%, cao hơn nhiều so với thời đi m trước đó (3,01% của Q1.2016, 3,59% của Q2.2016, 5,02% của Q3.2014 và 3,28% của Q4.2016). Đặc biệt trong tháng 3, DT thuần của TCM đạt 16 triệu USD t ng mạnh +21,27% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó riêng mảng may mặc đóng góp tới 10 triệu USD.

KQKD Q1.2017 tăng trưởng rất tích cực khi: Hiệu suất của nhà máy Vĩnh Long đã được cải thiện từ $28/công nhân vào cuối Q4.2016 lên $31/công nhân vào Q1.2017. TCM cũng đã đóng cửa nhà máy sợi 1 tại quận 4 TP. Hồ Chí Minh vì đây là nhà máy có công suất thấp do dùng máy móc cũ và cũng là mảng kinh doanh với biên lợi nhuận gộp thấp.

Kế hoạch nới room và những tin đồn về hiệp định TPP11 ( TPP không có Mỹ) được kết nối trở lại hỗ trợ giá trong ngắn hạn

ĐHCĐ đã thông qua việc cho TCM tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 49%. Theo đó việc tăng tỷ lệ này sẽ gồm 2 giai đoạn tăng lần lượt lên mức 70% và 100%. Khả năng cao việc tăng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua hình thức phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược Trong đó không loại trừ khả năng công ty mẹ E-Land sẽ tăng sở hữu lên tối thiểu 51% để nắm quyền kiểm soát công ty.

Những tin đồn về hiệp định TPP11 (TPP không có Mỹ) vẫn sẽ được kết nối trong thời gian tới, đã khiến cho sự quan tâm tới các cổ phiếu dệt may nói chung và TCM nói riêng mạnh hơn ngoài các yếu tố về mặt cơ bản.

Các mốc hỗ trợ kháng cự cần lưu ý

Trong ngắn hạn TCM vẫn có thể tiếp tục gia tăng và mốc kháng cự cần chú ý gần nhất ở khoảng 30.000 đồng đến 31.000 đồng. Tuy nhiên xét trên xu hướng dài hơn TCM hoàn toàn có thể đạt được mốc đỉnh cao trong lịch sử ở khoảng 40.000 đồng nếu như hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những quý còn lại trong năm.

Trong trường hợp cổ phiếu điều chỉnh, có khả năng đường giá TCM sẽ kiểm tra lại mốc hỗ trợ mạnh tạo bởi đường trung bình động 21 ngày và vùng tích lũy gần nhất. Cụ thể mốc này được xác định trên đồ thị ở khoảng từ 24.000 đồng đến 26.000 đồng.

Tú Phạm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên