MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu mía đường Thành Thành Công thua xa nhà "lão bà" Trần Thị Thái

Trong khi KTS và SLS nằm trong top những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thị trường trong 6 tháng đầu năm với mức tăng giá trên 100% thì SBT chỉ tăng 23% còn BHS thậm chí là giảm.

Mỗi khi nhắc đến ngành mía đường Việt Nam, những nhà đầu tư chứng khoán sẽ nghĩ ngay đến đế chế Thành Thành Công của cặp vợ chồng nổi tiếng Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc với 2 mã cổ phiếu BHS của CTCP đường Biên Hòa và SBT của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.

Nhưng trong năm nay, những người yêu thích cổ phiếu mía đường chắc chắn sẽ “bỏ phiếu” cho doanh nghiệp Kim Hà Việt của lão bà Trần Thị Thái hơn là Thành Thành Công bởi sức tăng trưởng của nhóm này vượt trội hơn hẳn.

KTSSLS tăng hơn 100%, BHS và SBT dậm chân tại chỗ

Ở độ tuổi gần 70, bà Trần Thị Thái là doanh nhân lão làng nổi tiếng trong ngành mía đường. Bà Thái cùng công ty riêng Công ty TNHH Kim Hà Việt là cổ đông của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa niêm yết như Mía đường Bình Dương, Mía đường 333, Mía đường Cần Thơ, Mía đường Sóc Trăng, Tổng công ty Mía đường I, Mía đường Tây Nam…

Còn trên sàn chứng khoán, gia đình bà Trần Thị Thái đang nắm CTCP Đường Kon Tum (KTS) và CTCP Mía đường Sơn La (SLS).

Trong 6 tháng đầu năm 2016, KTS và SLS đều nằm trong top những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt là 390% và 145%. KTS là cổ phiếu có mức sinh lời tốt nhất trong số gần 700 cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, KTS đã leo lên mức giá 70.000 đồng (giá điều chỉnh sau khi doanh nghiệp đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 40%) còn SLS đã hơn 122.000 đồng (giá điều chỉnh sau khi đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 40%).

Diễn biến giá cổ phiếu KTS và SLS 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu KTS và SLS 6 tháng qua

Trong khi đó, SBT chỉ tăng khoảng 23%. BHS thậm chí còn giảm.

Diễn biến giá cổ phiếu SBT và BHS 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu SBT và BHS 6 tháng qua

Những doanh nghiệp ổn định sau tái cơ cấu được tin tưởng hơn

Giá đường phục hồi do ảnh hưởng của El Nino đã đem lại kết quả kinh doanh vượt bậc cho các doanh nghiệp mía đường. Tuy nhiên, nhóm của bà Trần Thị Thái có thể nói đã đi vào ổn định với cơ cấu cổ đông và bộ máy lãnh đạo là những người trong gia tộc mía đường này, trong khi nhóm của ông Đặng Văn Thành dự kiến tiếp tục cơ cấu với nhiều tin đồn tràn ngập thị trường.

Cụ thể, giữa năm 2015, khi DATC hoàn thành việc thoái vốn khỏi KTS và SLS, cả 2 doanh nghiệp đã xuất hiện những cổ đông mới liên quan đến gia đình bà Thái.

Cơ cấu cổ đông 2 doanh nghiệp thuộc nhóm lão bà Trần Thị Thái

Cơ cấu cổ đông 2 doanh nghiệp thuộc nhóm "lão bà" Trần Thị Thái

Ông Đặng Việt Anh- con trai bà Thái giữ chức Chủ tịch HĐQT ở 2 công ty. Ông Trần Ngọc Hiếu, em trai bà Thái, đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của SLS và Thành viên HĐQT KTS từ năm 2015.

Theo số liệu công khai, tại SLS, bà Thái cùng gia đình đang sở hữu khoảng 34% vốn cổ phần. Riêng bà nắm giữ gần 1,9 triệu cổ phiếu tương đương 27,43% vốn. Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật cũng có sở hữu 15% vốn SLS. Tổng sở hữu công khai của bà Thái và nhóm liên quan tại đây lên đến 49%.

Đối với KTS, bà Thái chỉ sở hữu 3% vốn nhưng Công ty TNHH Kim Hà Việt do bà làm đại diện đang sở hữu 15% vốn.

Quý 1/2016, SLS và KTS tăng trưởng doanh thu ở mức 29% và 103%, lãi ròng lần lượt ghi nhận gấp 4 lần và 27 lần cùng kỳ năm trước, tăng trưởng vượt trội trong ngành.

Về phía BHS và SBT, sau công cuộc M&A với đường Ninh Hòa và đường Nhiệt điện Gia Lai, góp phần tạo nên con sóng hồi năm 2015 thì thị trường tiếp tục râm ran thông tin 2 doanh nghiệp sẽ sáp nhập và bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Trong thời gian gần đây, không chỉ BHS và SBT mà cả các DN khác trong tập đoàn Thành Thành Công cũng liên tục công bố những hoạt động mua bán cổ phần giữa các công ty thành viên. Có lẽ vì thế, trong bức tranh tranh tối tranh sáng tại nhóm này, nhà đầu tư chưa muốn tham dự.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên