MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngành dệt may và kỳ vọng mới vào CPTPP

Thị trường 40 tỷ USD của 6 nước nhập khẩu dệt may trong CPTPP cùng các ưu đãi thuế quan chính là động lực mới cho ngành dệt may Việt Nam bối cảnh mới.

Cổ phiếu dệt may vẫn nhiều ngã rẽ

Năm 2015, kỳ vọng TPP được ký kết với lộ trình giảm thuế quan đã giúp nhóm cổ phiếu dệt may thăng hoa. Tuy nhiên, kỳ vọng này bị nguội tắt khi Mỹ công bố không tham gia TPP, các cổ phiếu ngành lao dốc trong năm 2016, mất khoảng 50% giá trị như TCM, MPT, G20... Một số cổ phiếu khác lại đạt được mức giá ổn định như EVE, GIL.

Tính từ đầu năm tới nay, ngành dệt may vẫn khá ảm đạm với sự dẫn dắt của một số ít cổ phiếu giá trị. Cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công bất ngờ tăng 76% giá trị, hiện giao dịch ở khoảng 23.700 đồng/cp. Cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng tăng tới 22%, đạt 12.700 đồng/cp. Cuối cùng là cổ phiếu GMC của May Sài Gòn tăng 22%, đạt 27.800 đồng/cp.

Còn lại, các cổ phiếu giảm giá như sợi Thế Kỷ (STK) giảm 3%, Dệt may G.Home (G20) giảm 55%, Eperia (EVE) giảm 20% và XNK Bình Thạnh (GIL) giảm 25%.

Đặc biệt, giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu VGT của "ông lớn" Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và VGG của May Việt Tiến đều giảm lần lượt 33% và 15%.

Diễn biến giá này cũng phần nào phản ánh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 của các doanh nghiệp. Trong nhóm cổ phiếu tăng giá, TCM có kết quả kinh doanh cao nhất ngành với doanh thu đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế đạt 171 tỷ đồng, tăng 90% cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TCM hoàn thành 96% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cả TNG và GMC đều có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, trong đó TNG lãi sau thuế 9 tháng đạt 87,6 tỷ đồng, tăng 25% và GMC lãi 63,5 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ năm trước.

Là một doanh nghiệp có nhiều cải thiện về mặt chiến lược, dù giá cổ phiếu giảm nhẹ nhưng STK vẫn có tăng trưởng tốt về mặt kết quả kinh doanh. Doanh thu 9 tháng đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận đạt 66,9 tỷ đồng, tăng 71%. STK đã hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một số doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh đều giảm như EVE, GIL với lợi nhuận giảm lần lượt 56% và 38%. Cá biệt, G20 lỗ 33 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lý do doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vốn trong kỳ lại cao hơn doanh thu. Cổ phiếu G20 cũng đã rơi vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 28/7 do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính 2016.

Giá cổ phiếu giảm nhưng VGT và VGG đều có kết quả kinh doanh tăng. VGT lãi 9 tháng 512 tỷ đồng, tăng 13% còn VGG lãi 303 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của VGT chỉ 3,9% còn VGG là 4,8%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của TCM là 7%, của EVE là 5%.

Kỳ vọng CPTPP

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam là 21,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 10,2 tỉ đô la, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là thị trường EU (với 28 nước) đạt 3,06 tỉ đô la, tăng 5,7%; Nhật Bản đạt 2,52 tỉ đô la, tăng 6%. Thị trường Hàn Quốc dù giá trị ở mức 2,34 tỉ đô la, đứng thứ 4, nhưng lại là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các con số này đủ để nói lên rằng, Mỹ là một thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, không có Mỹ, không có TPP thực sự là một tổn thất lớn.

Nhưng không phải là không có giải pháp!

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới đây đã được thông qua bởi 11 nước thành viên, không có Mỹ. Mặc dù vậy, Hiệp định vẫn đem lại những kỳ vọng nhất định cho ngành dệt may với giá trị thị trường to lớn mà nó mang lại.

Thống kê cho thấy, 6 nước thành viên CPTPP gồm Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Chile và Peru có giá trị nhập khẩu dệt may năm 2016 vào khoảng 40 tỷ USD, trong đó Canada và Mexico chiếm tỷ trọng lớn nhất là 33,7% và 26%. Giá trị nhập khẩu của 6 nước này gấp 3,5 lần con số xuất khẩu dệt may từ Việt Nam vào Mỹ năm 2016 và gấp 11 lần xuất khẩu vào thị trường EU. Do đó, dư địa thị trường từ các nước thành viên CPTPP cho ngành dệt may không hề nhỏ.

Chưa kể, khi CPTPP được thông qua, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường lớn như Úc, Canada, Mexico, New Zeland sẽ có những ưu đãi thuế. Các ưu đãi thuế như giảm thuế ngay lập tức; giảm trong 7 năm, mỗi năm giảm 1,4%; giảm trong 4 năm, năm đầu tiên giảm ngay 50% và giữ nguyên thuế suất trong 3 năm, giảm nốt xuống 0% vào năm thứ 4; giảm trong 3 năm, năm đầu tiên giảm ngay 50% và giữ nguyên thuế suất trong 2 năm, giảm nốt xuống 0% vào năm thứ 3.

Cũng bởi sự kỳ vọng về TPP, năm 2015 giá trị xuất khẩu ngành dệt may tăng 13%, đạt 22,81 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2016, mức tăng trưởng chỉ đạt 5% là cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009.

Sang năm 2017, thị trường dệt may có nhiều tín hiệu tích cực và kỳ vọng đạt được 26 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nhóm này đạt 21,43 tỷ USD, tăng 9% trong đó xuất khẩu đi Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,2 tỷ USD.

Với thị trường 40 tỷ USD, TPP không Mỹ có vẻ không phải là thách thức quá to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm các thị trường thay thế.

Theo Anh Thư

NDH

Trở lên trên