MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Cổ phiếu nổi bật tuần] ACB lấy lại tất cả sau sự kiện bầu Kiên

Cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nhất trong thời gian vừa qua, giá cổ phiếu ACB đang lấy lại toàn bộ những gì đã mất sau sự kiện bầu Kiên cách đây hơn 4 năm.

Diễn biến giao dịch của ACB trong thời gian gần đây

Trước thời điểm 20 tháng 8/2012, cổ phiếu của Ngân Hàng TMCP Á Châu (ACB – HNX) vẫn đang được giao dịch quang vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng ngay sau đó thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu Kiên” bị bắt đã làm bay hơi không ít tài sản của cổ đông cũng như cả ngân hàng này ngay sau đó.

Mất đến hơn 45% trong vòng 3 tháng sau đó, ACB có thời điểm còn có ở mức giá 11.600 đồng/cổ phiếu. Và cũng chỉ hồi phục rồi đi ngang quanh vùng từ 12-13.000 đồng trong vòng 2 năm tiếp theo.

Nhưng thời gian vừa qua, giá cổ phiếu đã có những bước đột phá khi kết thúc phiên thứ 6, ACB đóng cửa ở mức 23.100 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Cùng với đợt sóng ngành ngân hàng, ACB đạt mức tăng gần 30% chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch cũng duy trì ở mức cao khi đạt hơn 780 nghìn đơn vị/phiên.

Làm "sạch" bảng cân đối tài sản

Trong lần trả lời phỏng vấn của Forbes vào cuối năm 2016, ông Trần Hùng Huy chủ tịch Ngân Hàng Á Châu bày tỏ, “Bốn năm qua ACB chủ yếu tập trung củng cố các nền tảng, làm sạch bảng cân đối tài sản, thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu, quy hoạch lại kênh phân phối và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự”. Dự kiến, ACB sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm 2018.

Số liệu cũng chỉ ra rằng, trước thời điểm bầu Kiên bị bắt, cuối năm 2011 nhóm “sáu công ty” của ông Kiên vay ACB tổng cộng 1.395 tỷ đồng. Nếu tính cả các khoản nợ đầu tư cổ phiếu, góp vốn dài hạn và lãi phải thu thì tổng nợ của nhóm này lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Ông Huy cũng cho hay, sau 4 năm trích lập dự phòng, cuối năm 2016 số nợ quá hạn của nhóm này giảm còn 1.500 tỷ đồng và sẽ được trích lập, thu hồi dứt điểm trong năm 2017.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, trong 9 tháng năm 2016, ACB đã giải quyết được tổng cộng 1.540 tỷ đồng nợ tại 6 công ty, trong đó thu hồi 731 tỷ đồng, trích lập 809 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đặt ra trong năm nay là giải quyết 2.200 tỷ đồng nợ tại 6 công ty, tức là ACB đã hoàn thành 70% kế hoạch.

Tổng hợp các chỉ tiêu của các ngân hàng

Ngoài ra, một điểm tích cực nữa có thể kể đến là khoản nợ tại Ngân hàng GPBank vào khoảng 772 tỷ đồng đã hoán đổi 520 tỷ đồng nợ bằng trái phiếu của 1 công ty lãi suất 9,2%, phần 252 tỷ còn lại dự kiến sẽ được hoán đổi lấy tài sản của GPBank.

Còn lại nợ tại Ngân hàng xây dựng (VNCB) là 400 tỷ đồng đã được NHNN chấp thuận thu hồi theo lộ trình đến 30/9/2020 và ACB dự kiến có thể hoàn nhập 166 tỷ đồng đã trích lập nếu việc thu hồi này khả quan.

Các chuyên gia đánh giá ACB vẫn đang cho thấy nỗ lực giải quyết nợ quá khứ. Phần nợ này sẽ được tập trung giải quyết trong năm 2017.

Tăng trưởng tốt từ các hoạt động cốt lõi

9 tháng đầu năm 2016, ACB ghi nhận 997 tỷ đồng lợi nhuận sau thế tăng 16,6% so với cùng kỳ. Trong đó, đặc biệt là thu nhập lãi thuần đạt 4.946 tỷ đồng tăng trưởng 17%.


Kết quả kinh doanh 9 tháng/2016 của ACB  

Kết quả kinh doanh 9 tháng/2016 của ACB  

Hoạt động cốt lõi của ACB đạt kết quả trên là nhờ tăng trưởng tín dụng lên đến 18,1%, đồng thời là một trong những ngân hàng có NIM cao nhất. Trong khi thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng mạnh.

Các nhà phân tích của Chứng khoán VCSC nhận định lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của lĩnh vực ngân hàng cốt lõi sẽ tăng 14%-18% trong năm 2017. Đồng thời, ngân hàng có thể đạt ROE lên đến 14%-16% so với mức 8,9% hiện nay, và trả cổ tức khoảng 15% mệnh giá từ năm 2018 trở đi khi các vấn đề được giải quyết xong theo kế hoạch.

Theo Mai Hương

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên