MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu SHB bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài?

Trong nhiều ngày gần đây, cổ phiếu SHB xuất hiện những phiên giao dịch có khối lượng rất lớn. Gần nhất, ngày cuối tuần qua, SHB khớp hơn 7,4 triệu đơn vị và ghi nhận mức tăng 8,5% sau 3 phiên tăng liên tục.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/10/2016, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội khớp lệnh hơn 7,4 triệu cổ phiếu, đứng đầu sàn HNX về khối lượng giao dịch. Con số này vẫn thấp hơn 9,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên 6/10 nhưng mức giá đóng cửa 5.100 đồng đã ghi nhận cho SHB 3 phiên tăng liên tục với tổng cộng 8,5%.

Trước đó, SHB từng xuất hiện nhiều phiên có khối lượng rất lớn. Vào ngày 16/9/2016, cổ phiếu này khớp 24,2 triệu đơn vị với mức giá bình quân 4.600 đồng. Ngày 29/09/2016, SHB khớp 5,1 triệu cổ phiếu, mức giá bình quân 4.600 đồng.

Xem lại lịch sử 4 năm trở lại đây, SHB đã từng rơi về 3.930 đồng vào thời điểm tháng 11/2012 sau đó hồi phục ấn tượng lên vùng giá 7.000 đồng vào tháng 2/2013.

SHB đi ngang quanh vùng giá 6.000 đồng suốt năm 2013 và chính thức tăng từ giữa tháng 1/2014. Sau đó là chuỗi ngày dài tăng giá. SHB tăng điểm ấn tượng lên 10.600 đồng vào ngày 26/3/2014 sau đó rơi về vùng giá 7.000 đồng vào khoảng giữa tháng 5/2014.

Và trong suốt thời gian từ tháng 5/2014 đến tháng 7/2015, SHB dao động trong vùng giá 7.000 đồng đến giá 8.000 đồng.

Tính từ ngày 14/7/2015, SHB trượt dài từ mức giá cao nhất 9.200 đồng cho đến ngày 28/9/2016, SHB rơi về 4.500 đồng, tương đương mức giảm 51%.


Diễn biến cổ phiếu SHB 3 năm qua.

Diễn biến cổ phiếu SHB 3 năm qua.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến SHB bỗng dưng hút tiền đến như vậy?

Nếu xét trên khía cạnh phân tích cơ bản, một báo cáo phân tích của CTCK VPBS đã đánh giá, các chỉ tiêu tăng trưởng của SHB trong 6 tháng đầu năm đạt thấp so với toàn ngành trong khi nợ xấu tăng 38,3% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,2%.

VPBS dự phóng ngân hàng sẽ phải trích lập khoảng 1.089 tỷ đồng trong năm nay, bao gồm khoảng 560 tỷ đồng trích lập cho trái phiếu VAMC và 480 tỷ đồng trích lập cho nợ xấu.

Tuy nhiên, một điểm sáng trong KQKD của SHB có thể nói là việc thoái vốn khỏi CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội. Ngày 19/8 vừa qua, SHB đã bán ra toàn bộ 4,8 triệu cổ phiếu SHS , thu về trên 31,6 tỷ đồng. Bởi thế, nên nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 3 sẽ có phần khởi sắc.

Bên cạnh đó, SHB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 8,5% trong năm 2016. Đó cũng có thể là một nguyên nhân tạo kỳ vọng cho cổ phiếu này.

Nếu xét trên khía cạnh thông tin, thì ngày 14/09/2016 vừa qua, SHB đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho phép SHB sáp nhập với công ty cổ phần tài chính Vinaconex Viettel (VFF). Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Theo SHB, nhận thêm VVF nhằm nâng tổng tài sản, quy mô vốn điều lệ và có thêm một cơ số khách hàng. Điều quan trọng hơn là có thêm một công ty trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng nhằm cơ cấu lại mảng ngân hàng bán lẻ vốn đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định khắt khe.

Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày SHB đánh tiếng về kế hoạch sáp nhập với VFF thông qua buổi họp đại hội cổ đông ngày 24/10/2015 và giờ SHB đã đến gần đích hơn. Ngân hàng này sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP), đưa vốn điều lệ của SHB từ 9.582 tỷ đồng lên 10.582 tỷ đồng. Sau sáp nhập, SHB sẽ tái cấu trúc VVF thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH MTV trực thuộc SHB. Sau đó, SHB sẽ thực hiện niêm yết bổ sung 100 triệu CP phát hành thêm để hoàn tất giao dịch.

Dĩ nhiên nhà đầu tư cũng không khỏi lo ngại về chất lượng tài chính của VFF, lo ngại về việc nợ xấu của SHB tăng lên sau sáp nhập, lo ngại về vấn đề pha loãng cổ phiếu, và có thể những lo ngại đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu SHB trong suốt 1 năm qua.

Nếu xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, biểu đồ của SHB có một điểm đáng lưu ý là sau khi SHB rơi về vùng giá 4.500 đồng, SHB đi ngang trong khoảng giá này khoảng một tuần, sau đó tăng mạnh lên chạm đường trung bình giá (SMA50) tại mức giá 5.100 đồng, rồi lùi lại test đáy nhưng ở mức đáy mới (4.700) cao hơn đáy trước( 4.500) và lại bật lên và hiện đang giao dịch ngay phía trên đường SMA50 (5.100).

Với những yếu tố này, liệu có thể kỳ vọng SHB sẽ bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài?

Ánh Duyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên