MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu VC7 lao dốc, mất gần 20% thị giá sau khi Vinaconex thoái vốn

Bất động sản là mảng đem lại khoảng 50% tổng doanh thu Công ty nhưng VC7 đã hết dự án trọng điểm. Công ty này đối mặt với sự sụt giảm doanh thu trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Đầu tháng 8/2017, ngay khi Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đăng ký bán hết toàn bộ 3,96 triệu cổ phiếu VC7 của CTCP Xây dựng số 7 thì cổ phiếu này đã lập tức tăng tốc. Từ giá 22.800 đồng, VC7 tăng nhanh lên 27.500 đồng tương đương 20,6%. Đây cũng là mức giá đỉnh lịch sử bởi sau đó, VC7 lao dốc cũng nhanh như khi tăng, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/09 tại giá 23.600 đồng.

Cổ phiếu hết “game”?

Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, Vinaconex 7 vốn là một đơn vị thành viên của Vinaconex, do Tổng công ty này nắm giữ 36% vốn cổ phần. Cùng với làn sóng cổ phiếu bất động sản trong những tháng đầu năm, VC7 đã đi lên từ vùng giá 14.900 đồng/cổ phiếu, tức tăng 59% - một mức tăng không nhỏ.

Động lực tăng giá một phần đến từ kết quả kinh doanh của VC7. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, công ty đạt 114 tỷ đồng doanh thu – giảm 23% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tới 3 lần, đạt hơn 13 tỷ đồng nhưng có sự đóng góp lớn từ hoạt động khác với 4,6 tỷ đồng lợi nhuận. 6 tháng đầu năm, VC7 đạt mức EPS là 1.206 đồng.

Tuy nhiên theo giới đầu tư, giá cổ phiếu VC7 tăng như vậy chủ yếu được hỗ trợ chủ yếu bởi kỳ vọng vào thương vụ thoái vốn của Vinaconex. Ngay khi việc thoái vốn được thực hiện, cổ phiếu đã có động thái tăng vọt như đã nhắc đến.

Và khi “hết game”, cổ phiếu rơi trở lại trước thực tại doanh nghiệp và Ban lãnh đạo mới gặp rất nhiều thách thức.

Từ trước khi Vinaconex thoái xong vốn, tại ĐHCĐ thường niên hồi đầu năm, VC7 đã bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Tháng 8 vừa qua, VC7 có Chủ tịch HĐQT mới là ông Hoàng Trọng Đức. Và ngày 12/9 vừa qua, HĐQT miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Tấn, người đại diện vốn của Vinaconex. Áp lực của dàn lãnh đạo mới này là gì?

Doanh nghiệp hết dự án bất động sản, xây lắp thua lỗ

Bất động sản là mảng đem lại khoảng 50% tổng doanh thu Công ty. Trong những năm 2014 - 2016, VC7 triển khai Dự án nhà ở để bán ở số 136 Hồ Tùng Mậu bao gồm 2 tòa tháp căn hộ cao 27 tầng. Đây là dự án trọng điểm, có vị trí đắc địa và rất đắt khách.

Tuy nhiên hiện tại, dự án này gần như đã bán hết, bàn giao theo quy định và theo đó, ghi nhận phần lớn doanh thu. Cụ thể, năm 2015, VC7 ghi nhận doanh thu từ bất động sản là 205,1 tỷ đồng và năm 2016 là 124,6 tỷ đồng.

Theo thông tin từ công ty, tòa CT-1A chỉ còn hơn 10 căn hộ và một số căn penhouse. Tòa CT-2A chỉ còn 3 trong tổng số 14 căn penhouse.

Số liệu tại BCTC quý 2/2017 cho biết, hàng tồn kho của VC7 đã giảm mạnh từ 246 tỷ đồng xuống 150 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án chung cư 136 Hồ Tùng Mậu giảm từ 195 tỷ xuống còn chưa đầy 93 tỷ.

Như vậy, VC7 đã hết dự án trọng điểm. Công ty này đối mặt với sự sụt giảm doanh thu trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, mảng hoạt động xây lắp – mảng đem lại doanh thu lớn thứ 2 lại đang âm. Năm 2015, doanh thu xây lắp là 144,7 tỷ đồng, giá vốn là 183 tỷ đồng, lợi nhuận âm hơn 38 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu xây lắp là 137 tỷ đồng trong khi giá vốn xây dựng là 154 tỷ đồng, hoạt động xây lắp tiếp tục lỗ.

Trong các kỳ đại hội trước, lãnh đạo Công ty từng lý giải việc thua lỗ của hoạt động xây lắp là do trích lập dự phòng. Theo đó, đến 31/12/2016, Công ty có những khoản doanh thu hoạt động xây lắp chưa thu được nên phải trích lập dự phòng theo đúng quy định về hạch toán kế toán, dẫn đến số lỗ xây lắp lớn.

Báo cáo tài chính bán niên 2017 có soát xét cho thấy hiệu quả hoạt động xây lắp có một số cải thiện, doanh thu trong kỳ là 20,9 tỷ đồng, giá vốn hoạt động xây dựng là 20,3 tỷ đồng. Mức cải thiện này vẫn quá ít ỏi để gánh vác cho phần lợi nhuận bất động sản đang bị đe dọa do chưa có dự án, sản phẩm mới được triển khai.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên