MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ quan nào thanh kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất?

Một số doanh nghiệp ghi nhận chuyển biến tích cực, nhưng khá nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng bị thanh kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp, có đến 43% số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về thuế, 30% về an toàn phòng chống cháy nổ và 20% về quản lý thị trường...

Theo báo cáo vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố về việc thực hiện các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp có đánh giá khá khác nhau về tình trạng thanh kiểm tra.

'Gánh nặng' thanh kiểm tra đã giảm

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, theo kết quả điều tra năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên mỗi năm vẫn lên đến 39,8%. Tỷ lệ này đã giảm so với mức 48,2% của năm 2016.

Trong nhóm những doanh nghiệp bị thanh kiểm tra nhiều lần năm 2017, có 13% doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Con số này cũng thấp hơn đáng kể mức 26% của năm 2016.

Như vậy, có thể thấy, chỉ đạo của Chính phủ về việc chỉ thanh kiểm tra doanh nghiệp tối đa một lần một năm (trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng) và không được thanh kiểm tra trùng lặp, bước đầu đã được nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện.

Mặt khác, các cơ quan cũng đã có một số biện pháp để giảm tần suất và sự chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp. Một số địa phương bắt đầu giao cho Thanh tra tỉnh điều phối toàn bộ hoạt động thanh tra của các sở ngành trong tỉnh để tránh việc một doanh nghiệp bị thanh kiểm tra nhiều lần.

Đặc biệt UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản yêu cầu các sở ngành phải công khai kế hoạch thanh tra doanh nghiệp của mình lên website của tỉnh. Doanh nghiệp được cung cấp số điện thoại để phán ánh đến Chủ tịch UBND tỉnh khi bị thanh kiểm tra quá 2 lần không đúng quy định; Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh không xét thi đua đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại công văn đó.

Như vậy, khi các đoàn thanh tra đến, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh chỉ cần lên website của tỉnh và tìm kế hoạch thanh tra, nếu không có tên doanh nghiệp ở đó thì có quyền từ chối đoàn thanh tra.  Đến tháng 10/2018, theo ghi nhận của VCCI trên website của UBND tỉnh Bắc Ninh mới chỉ có 02 danh sách doanh nghiệp bị thanh kiểm tra trong năm 2018.

Nhiều cơ quan vẫn đi riêng, kiểm tra riêng

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, mức 39,8% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên và 13% vẫn có trùng lặp cho thấy vấn đề cải cách công tác thanh kiểm tra cần đẩy mạnh hơn nữa.

Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng thanh kiểm tra vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

Theo khảo sát của VCCI, các cơ quan thanh kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2017 là cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan quản lý thị trường. Theo đó, có đến 43% số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra về thuế, 30% về an toàn phòng chống cháy nổ và 20% về quản lý thị trường.

Các Nghị quyết 19 đã đặt ra nhiệm vụ cho các Bộ ngành phải tiến hành hoặc nghiên cứu tiến hành ứng dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có lĩnh vực thuế, hải quan và thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ của Bộ Công Thương đã áp dụng quản lý rủi ro.

Các lĩnh vực khác như xây dựng, môi trường đều mới trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí còn chưa có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung. Ví dụ, Tổng cục Môi trường dự định đến năm 2019 mới làm đề xuất kế hoạch để xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kể mới đây một doanh nghiệp châu Âu đầu tư tại miền Trung đã phải gửi đơn cầu cứu đi các nơi sau khi vị Giám đốc người Đan Mạch bị khởi tố. Mặc dù, doanh nghiệp khẳng định họ không vi phạm pháp luật, thậm chí trong 2 năm qua đã phải đón tiếp 18 đoàn thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện vi phạm nào. Rất may là sau khi doanh nghiệp gửi đơn đi các nơi, thì vụ án đã được đình chỉ điều tra.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, yêu cầu về cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn, "không thể để tình trạng trên nóng dưới thì lạnh, không thể để cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy".

Thậm chí có thể phải đào thải những người không có khả năng, gây tốn kém, lãng phí và làm ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của Nhà nước. Bà Lan cũng đề xuất, về công cụ, cần tập trung cải cách hành chính cho bộ máy các cơ quan nhà nước.

Nhiều địa phương thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp

Nghị quyết 35 yêu cầu các chủ tịch tỉnh phải tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần mỗi năm. Trên thực tế, các địa phương tổ chức khá nhiều các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và thường nhiều hơn 2 lần mỗi năm. Đa phần các doanh nghiệp được hỏi đều cảm thấy hài lòng với nỗ lực này của các địa phương.

Đa phần, nhưng không phải toàn bộ, các địa phương đều có phản hồi lại khi doanh nghiệp phản ánh khó khăn vướng mắc khi 94% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI 2017 cho biết họ nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, chỉ có 67% doanh nghiệp cho rằng khó khăn vướng mắc của họ được giải quyết kịp thời thông qua đối thoại. Có thể trong số này, nhiều khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi khả năng giải quyết của chính quyền địa phương.

Xét trên tổng thể, cũng chỉ có 77% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi hay cách giải quyết của cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Như vậy, còn một tỷ lệ tương đối lớn các phản hồi của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp khiến họ không hài lòng.

Nghị quyết 35 yêu cầu các chủ tịch tỉnh phải công khai đường dây nóng, email hoặc số điện thoại để giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kết quả của nhóm nghiên cứu thì biện pháp này không mang lại nhiều hiệu quả.



Theo Thu Hà

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên