MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng

Danh sách những doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đã lên đến hàng trăm.

Mùa báo cáo tài chính quý 3 đã kết thúc, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn tất việc công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018. Đến thời điểm này đã có hàng trăm doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu đặt ra cho cả năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch ngay từ quý 1 hoặc sang quý 2/2018.

Ngoài những doanh nghiệp lọt vào danh sách "hoàn thành vượt kế hoạch" đã được liệt kê trước đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa được "điểm danh".

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 1.

Trong số đó, một cái tên gây khá nhiều bất ngờ là Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Sau khá nhiều biến động, mảng trái cây của HAGL đã thu được thành quả, doanh thu quý 3 tăng 21%, lên 1.520 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mảng trái cây gấp đôi cùng kỳ, chiếm xấp xỉ 61% tổng doanh thu công ty. Lãi gộp tăng gấp đôi cùng kỳ, lên 862 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp gần 57%, trong đó mảng trái cây đóng góp đáng kể ở mức 60,5%.

Thêm khoản doanh thu tài chính hơn 740 tỷ đồng ghi nhận lãi từ các khoản đầu tư, HAGL báo lãi trước thuế 392 tỷ đồng ngay trong quý 3, nâng tổng LNTT 9 tháng đầu năm lên gần 520 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 200 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 478 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 367 tỷ đồng. động

Tại thời điểm cuối quý 3/2018, tổng tài sản HAGL đạt 48.357 tỷ đồng, nợ vay của HAGL hiện chiếm hơn 21.000 tỷ đồng, tương đương 44% cơ cấu nguồn vốn công ty.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 2.

Một doanh nghiệp cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm là Sao Mai Group (ASM). Doanh thu của Sao Mai Group bất ngờ tăng đột biến từ đầu năm 2018 đến nay, đặc biệt là quý 2 và quý 3 năm nay. Riêng quý 3/2018 doanh thu cao gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 2.432 tỷ đồng còn LNST cũng tăng 153%, lên mức 185 tỷ đồng, trong đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ còn hơn 105 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu bán hàng tăng chủ yếu do doanh thu thương mại, xuất khẩu cá và thức ăn cho cá. Tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu ASM đạt 5.149 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.111 tỷ đồng, gấp 9,3 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và vượt 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Kết quả này cũng lần đầu giúp Sao Mai Group góp mặt trong danh sách câu lạc bộ lãi nghìn tỷ. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 957 tỷ đồng. EPS đạt 3.956 đồng/cổ phiếu.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 3.

Không chỉ Sao Mai Group tăng trưởng doanh thu nhờ xuất khẩu cá và thức ăn cho cá, ngành thủy sản nói chung đang khởi sắc trên mọi mặt trận, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều báo lãi tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu Thủy sản Cửu Long An Giag (ACL) đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt trên 147 tỷ đồng, gần gấp 7 lần lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và vượt đến 320% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.

Không chỉ kết quả kinh doanh khởi sắc mà trên thị trường cổ phiếu ACL cũng đang tăng mạnh, và đã vượt xa đỉnh đạt được hơn 10 năm trước. Hiện ACL đang giao dịch ở mức 36.700 đồng/cổ phiếu, gấp 4,5 lần thời điểm đầu năm 2018 và cũng đã "kịp" tăng 43% so với thời điểm đầu tháng 11/2018 này.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu ACL trong 1 năm gần đây.

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) cũng là một doanh nghiệp hoạt động nuôi trồng thủy sản. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 tăng 18%, lên trên 679 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt 103,6 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 15% kế hoạch năm.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 5.

Doanh nghiệp ngành logistics – Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship – VSC) báo cáo doanh thu quý 3 tăng trưởng 27% so với cùng kỳ, đạt 448 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 16%, lên gần 84 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu Viconship đạt gần 1.244 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 92% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 287,5 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 223 tỷ đồng.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 6.

Dù ngành xe đang ở giai đoạn khó khăn khi tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa hết băn khoăn về chính sách thuế mới, những doanh nghiệp xe nhập khẩu vẫn còn mất nhiều thời gian để đưa những lô xe nhập khẩu đầu tiên về Việt Nam trong năm 2018. Tuy thế Tổng công ty máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM – VEA) lại là một trong số ít doanh nghiệp ngành xe báo lãi tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay.

Doanh thu 9 tháng đạt 4.682 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, giá vốn tăng cao dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm đến 24%. Tuy nhiên trong kỳ VEAM nhận về 4.762 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết. Các khoản này chủ yếu đến từ các liên doanh xe hàng đầu khu vực như Honda, Toyota và Ford Việt Nam. 

Những yếu tố này dẫn đến LNST 9 tháng của VEAM đạt 4.876 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 4.908 tỷ đồng lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

VEAM cũng là một trong số những doanh nghiệp đã sớm gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2018. VEAM đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ 2/7/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.600 đồng/cổ phiếu. Đáp ứng kỳ vọng, thanh khoản cổ phiếu VEA khá cao, giá cổ phiếu VEA cũng đã tăng 37% sau 4 tháng lên sàn.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 7.

Cổ phiếu VEA đã tăng 37% sau hơn 4 tháng lên sàn.

Doanh nghiệp ngành cao su, Cao su Phước Hòa (PHR) báo lãi vượt kế hoạch đặt ra. Trong đó doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của Cao su Phước Hòa đạt 884 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ cắt giảm chi phí, nên lợi nhuận trước thuế thu về hơn 485,5 tỷ đồng, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Lợi nhuận sau thuế đạt 397 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 390 tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh thuận lợi, trên thị trường giá cổ phiếu PHR cũng đang đà tăng mạnh. PHR vừa xác lập đỉnh mới ở mức giá 31.900 đồng/cổ phiếu.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu PHR trong 1 năm gần đây.

Năm 2018 được đánh giá là khá thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành thủy điện, đã có rất nhiều doanh nghiệp thủy điện báo cáo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận từ 2 quý đầu năm. Tiếp tục lần này Thủy điện Cần Đơn (SJD) công bố lãi sau thuế 90 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng LNST 9 tháng đầu năm lên 184 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.

Cùng với kết quả kinh doanh thuận lợi giá cổ phiếu SJD đang dần quay trở lại vùng đỉnh, hiện giao dịch ở mức 27.350 đồng/cổ phiếu, tăng 16% so với thời điểm đầu năm.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu SJD trong 1 năm gần đây.

Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) có quý 3 không thuận lợi do khu vực miền Trung nắng nóng kéo dài, sản lượng điện giảm, đồng thời ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá kéo theo lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm. Tuy nhiên nhờ 2 quý đầu năm thuận lợi nên lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu đạt 489 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt gần 279 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và hoàn thành vượt mức 1% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.

Những doanh nghiệp nhiệt điện có kết quả kinh doanh không được như ý trong những tháng đầu năm 2018. Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) công bố, doanh thu quý 3 giảm sút 44% so với cùng kỳ và ghi nhận lỗ hơn 19 tỷ đồng, giảm đáng kể so với số lỗ 33,5 tỷ đồng trong quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên nhờ lãi lớn 2 quý đầu năm nên tính chung 9 tháng Nhiệt điện Bà Rịa báo lãi sau thuế gần 97 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơ 50 tỷ đồng 9 tháng đầu năm ngoái và vượt trên 11% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 10.

Giá cổ phiếu BTP tăng 10% so với thời điểm đầu năm 2018.

Cũng trong ngành, Năng lượng Vinaconex (VCP) công bố doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 432 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 172 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ và vượt đến 18% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Không chỉ kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường giá cổ phiếu VCP cũng đang tăng mạnh với mức tăng gần gấp đôi so với thời điểm mới lên sàn gần 2 năm trước, tháng 12/2016, hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 31.600 đồng/cổ phiếu.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 11.

Diễn biến giá cổ phiếu VCP trong 1 năm gần đây.

Năm 2018 được xem là thời điểm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp ngành thép. Giá nguyên liệu tăng nhanh hơn giá bán. Tuy nhiên Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel – TVN) công bố doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 18.330 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và hoàn thành 95% kế hoạch. Bất ngờ nhất là lãi sau thuế đạt 780 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 33% so với cùng kỳ và vượt đến 122% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ 700 tỷ đồng.

Nguyên nhân 9 tháng đầu năm VnSteel lãi lớn là do công ty ghi nhận gần 500 tỷ đồng lãi từ các công ty liên doanh liên kết.

Dù kết quả kinh doanh tăng mạnh, thậm chí vượt xa kế hoạch năm, nhưng trên thị trường cổ phiếu TVN vẫn đang giảm mạnh, duy trì mức giao dịch dưới mệnh giá từ gần nửa năm nay.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 12.

Các doanh nghiệp ngành dệt may đang đón sóng lớn nhờ nhiều thông tin hỗ trợ như hiệp định CPTTP, hay từ chính cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hàng loạt cổ phiếu ngành dệt may dậy sóng. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng tăng trưởng đột biến.

May Sài Gòn (Garmex Saigon - GMC) công bố doanh thu quý 3 tăng 23,6%, lên trên 617 tỷ đồng do đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, tăng 64% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái, hoàn thành và vượt tới 77% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GMC đang giảm nhẹ, giao dịch quanh mức 40.200 đồng/cổ phiếu, tăng 72% so với thời điểm đầu năm 2018.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 13.

Tổng công ty Việt Thắng (Vicotex – TVT) – một doanh nghiệp chuyên mua bán, sản xuất các sản phẩm bông, xơ, vải sợi, sản phẩm may mặc…Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 1.826 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 106 tỷ đồng, hoàn thành vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 85,16 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với 9 tháng đầu năm 2017, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 80,14 tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu TVT cũng đang đà tăng, hiện giao dịch ở mức 24.200 đồng/cổ phiếu, tăng 28% so với thời điểm đầu năm 2018.

Có thêm 18 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng - Ảnh 14.

Diễn biến giá cổ phiếu TVT trong 1 năm gần đây.

Nhóm ngành ngân hàng, đã có những ngân hàng vượt kế hoạch năm, tuy nhiên chủ yếu là các ngân hàng nhỏ như VietCapitalBank đạt lãi trước thuế 139 tỷ, hoàn thành 179% kế hoạch; MaritimeBank đạt 290 tỷ, hoàn thành 149%; VietBank 302 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch; NamABank đạt 471 tỷ, hoàn thành 147%. Trong số này, NamABank thậm chí hoàn thành kế hoạch từ quý 2.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên