MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô Tô mất điện, cuộc sống ‘lộn tùng phèo’

25-06-2018 - 08:50 AM | Xã hội

Bãi biển thưa người, phố trung tâm vắng khách, nước sạch thiếu, đá lạnh không có, xăng dầu tăng giá… Đó là hiện thực diễn ra trên đảo Cô Tô những ngày qua.

Nguyên nhân là do sự cố mất điện tại huyện đảo Cô Tô (từ ngày 18-6) vì sét đánh . Đây cũng là cao điểm mùa du lịch của Cô Tô, lượng khách giảm sâu khiến dân địa phương thiệt hại khá nhiều.

Giá xăng tăng vọt

Ông Nguyễn Xuân Tình (ngụ xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) cho biết sự cố xảy ra đột ngột nên người dân không kịp chuẩn bị. Ngay sau khi toàn đảo mất điện, nhiều nhà hàng, khách sạn ùn ùn kéo nhau đi mua xăng dầu để chạy máy phát điện. Thị trấn Cô Tô chỉ có duy nhất một cây xăng. Người dân đành phải đứng xếp hàng chờ tới lượt mình, ùn ứ kéo dài đến 30-40 m. “Xăng tại cây bán với giá 19.940 đồng/lít, sau khi mất điện đại lý xăng chưa thể cung cấp cho người dân. Thời điểm này, nhiều điểm bán xăng lẻ trên địa bàn “hét” giá 30.000 đồng/lít, sau đó tiếp tục tăng giá đến 35.000 đồng/lít nhưng cũng không có để mua” - ông Tình nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhuần (chủ đại lý xăng dầu huyện Cô Tô) cho biết khi sự cố mất điện xảy ra, cây xăng chưa có máy phát điện. Bên cạnh đó, người dân cũng phải mua xăng dầu nạp nhiên liệu cho máy phát điện nên xảy ra tình trạng ùn ứ. Nhiều người mua dự phòng nên lượng xăng bình thường tiêu thụ 1.000 lít/ngày thì nay tăng lên 2.000 lít, lượng dầu tăng từ 1.000 lít/ngày lên 3.000 lít/ngày. “Đến hôm nay, lượng tiêu thụ xăng dầu vẫn tăng nhưng không còn đột biến như trước. Trung bình mỗi ngày lượng xăng dầu tăng lên khoảng 1.500-1.800 lít” - ông Nhuần nói.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nam (trú khu 3, thị trấn Cô Tô) than thở: “Mất điện mấy ngày khiến người dân khổ sở lắm. Những đêm đầu chưa có máy phát điện, người lớn, trẻ em lũ lượt kéo nhau ra bờ biển ngủ chứ trong nhà nóng không chịu nổi. Cảnh người dân ra bãi biển trú nóng vất vả nên dù không có tiền cũng phải vay mượn để mua máy phát điện. Hải sản đánh bắt về để lưu trữ trong tủ bị hỏng, có hộ dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thị Là (ngụ xã Đồng Tiến, bán hàng nước) nói mất điện kéo theo đủ thứ khó khăn. Đến nước đá cũng không có phục vụ khách. Ngày bình thường chị mua 15.000 đồng/túi nước đá, những ngày mất điện giá nước đá tăng lên 30.000 đồng/túi. “Hôm nay thì không đâu có bán nữa. Bán hàng nước trời oi bức thế này mà không có đá thì khách nào uống” - chị Là bày tỏ.

Ông Hoàng Văn Thanh (chạy xe ôm tại đảo Cô Tô) cho biết những ngày không mất điện, thu nhập của ông bình quân từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/ngày. Từ ngày mất điện lượng khách ra đảo giảm, thu nhập của ông Thanh chỉ còn 300.000-400.000 đồng/ngày. “Đến chiều qua, tôi không chở được khách nào nữa” - ông Thanh nói.

Cô Tô mất điện, cuộc sống ‘lộn tùng phèo’ - Ảnh 1.

Tại bãi tắm Hồng Vàn trước đây lúc nào cũng chen chúc khách, giờ đã vắng đi rất nhiều. Ảnh: CÙ HIỀN

Cô Tô mất điện, cuộc sống ‘lộn tùng phèo’ - Ảnh 2.

Thị trấn Cô Tô chỉ có một cây xăng duy nhất để phục vụ người dân trong những ngày mất điện. Ảnh: CÙ HIỀN

Khách sạn khẩn cấp mua máy phát điện

Những ngày thường trong mùa du lịch này, các nhà nghỉ tại Cô Tô thường xuyên kín phòng. Thậm chí những ngày cuối tuần, khách phải thuê chiếu nhà dân ngủ qua đêm với giá 100.000-200.000 đồng/đêm thì nay sự cố mất điện khiến bức tranh du lịch mang một màu ảm đạm.

Sau khi phát hiện điểm gặp sự cố trên tuyến cáp ngầm dưới biển, ngành điện dự kiến việc khắc phục sẽ kéo dài 8-10 ngày. Cùng lúc đó, phía huyện cử đoàn cán bộ huyện tuyên truyền, thông báo sự cố đến các hiệp hội du lịch, những khách sạn lớn trên địa bàn mong nhận được sự chia sẻ và cảm thông từ du khách. Chúng tôi cũng đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử huyện và có văn bản gửi đến Sở Du lịch khuyến cáo các hãng lữ hành hạn chế đưa khách ra đảo.

Ông TRẦN NHƯ LONG, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Quảng Ninh

Chị Nguyễn Hương Thu, Giám đốc khách sạn Hoàng Trung, là một trong số ít khách sạn vẫn duy trì phục vụ đầy đủ các dịch vụ, kể cả máy điều hòa. “Ngay buổi trưa 18-6, khi sự cố mất điện xảy ra, chúng tôi đã có hai máy phát điện hỗ trợ. Tuy nhiên, một máy bị sự cố, máy còn lại ở vị trí khá xa nên gặp khó khăn trong quá trình di chuyển” - chị Thu nói. Ngay sau đó chị Thu cho mua một máy phát điện công suất lớn từ trong đất liền chuyển ra.Ông Sơn (ở khu 3, thị trấn Cô Tô, kinh doanh 10 phòng khách sạn) cho biết từ khi xảy ra sự cố mất điện đến nay, sáng nào ông cũng phải kéo xe chở 24 can loại 20 lít đi mua dầu để chạy máy phát điện. Ông Sơn nói: “Từ việc phát điện đến sạc xe điện chở khách tham quan đều dùng đến dầu nên ngày nào tôi cũng phải mua đều đặn 24 can với tổng số tiền 7 triệu đồng”.

Để duy trì máy móc và cung cấp điện cho 102 phòng, khách sạn Hoàng Trung chạy máy phát 18/24 giờ/ngày, mỗi ngày máy tiêu thụ 33 can dầu. Hiện giá dầu đã tăng, mỗi can có giá 460.000-500.000 đồng. “Trước khi xảy ra sự cố mất điện, giá mỗi phòng là 800.000-900.000 đồng, khi phải dùng máy phát điện giá phòng tăng lên 1 triệu đồng/phòng nhưng cũng không đủ bù chi phí mua nhiên liệu” - chị Thu cho biết.

Ngày 24-6, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cô Tô, cho biết vào mùa du lịch bình quân mỗi ngày lượng khách ra đảo dao động 5.000-6.000 người, có thể lên đến 8.000 khách vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, từ ngày mất điện thì du khách thưa dần. Cụ thể, thứ Bảy 23-6 là ngày cao điểm, lượng khách cũng chỉ đạt khoảng 4.000 người.

Cũng theo ông Tuấn, hiện trên 90% hộ dân sống trên đảo đã có máy phát điện để phục vụ nhu cầu tối thiểu là ánh sáng, quạt mát. 1/4 khách sạn, nhà nghỉ có máy phát điện công suất lớn có thể đáp ứng được điều hòa.

Cấp nước luân phiên

Ông Trương Mạnh Cơ, Trưởng Ban quản lý dịch vụ công ích huyện đảo Cô Tô , cho biết hiện tại trên địa bàn huyện Cô Tô có năm hồ chứa nước gồm hồ Trường Xuân, hồ C4, hồ Tiến Thắng 1, hồ Tiến Thắng 2 và cụm hồ ông Thanh, ông Cự. Trong đó, hồ Trường Xuân có dung tích lớn nhất, lên đến 170.000 m3, cấp nước cho toàn thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến. Sau khi sự cố mất điện, đơn vị đã bảo dưỡng hệ thống máy phát điện dự phòng. Chiều 20-6, hai trạm máy chính là trạm xử lý nước trên hồ Trường Xuân và trạm xử lý nước trên hồ Tiến Thắng 1 bắt đầu hoạt động xử lý nước phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, đang mùa nước cạn nên ảnh hưởng đến áp lực của máy bơm. Vì vậy, để đảm bảo được người dân trên địa bàn huyện Cô Tô có đủ nước sinh hoạt, đơn vị đưa ra phương án cấp nước luân phiên, một ngày chia thành hai lộ trình để đảm bảo lúc nào cũng có nước sạch đến các hộ. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ phải sử dụng nước tiết kiệm, phải có phương án tích trữ nước" - ông Cơ cho biết.

Theo Đức Hiền

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên