MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cởi nút thắt hạ tầng bằng vốn ODA

Để đảm bảo sớm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020, ngay từ năm 2016, nguồn vốn ODA sẽ được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ thực thiện các công trình hạ tầng thiết yếu, làm chất xúc tác để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Công trình chờ vốn

Đường trên cao vành đai 3 đoạn Bắc Linh Đàm - cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội) dài 9 km đưa vào khai thác cuối năm 2012 được xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản đã góp phần giải bài toán ùn tắc kinh niên tại các nút giao thông phía tây - nam của Hà Nội thời gian qua.

Để tiếp nối tuyến đường trọng yếu này của Hà Nội, dự án đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long kết nối với tuyến cao tốc Mai Dịch đến bắc hồ Linh Đàm đang tiếp tục được đàm phán với Nhật Bản để có vốn ODA sớm triển khai trong năm nay. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nam Thăng Long có bề rộng khoảng 25 m, gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Đây là tuyến đường trọng điểm có vai trò kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài, nhưng do tốc độ gia tăng nhanh của phương tiện, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, lượng phương tiện giao thông từ các tỉnh phía Bắc đi qua cầu Thanh Trì và hệ thống cầu cạn đổ về nút giao Mai Dịch cũng đang tạo ra “điểm đen” ùn tắc tại nút giao này. Do đó, việc sớm triển khai đường vành đai 3 đoạn cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, nhằm giải tỏa ùn tắc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với người dân Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) dự án cho biết: Đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có chiều dài khoảng 5,3 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 240 triệu USD vốn vay của JICA. Ban quản lý đã trình JICA kết quả lựa chọn nhà thầu, hy vọng tháng 7/2016 sẽ được khởi công. Sau khi đi vào khai thác, công trình có thể xóa bỏ “điểm đen” ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía tây Thủ đô.

Một dự án nữa nếu sớm được triển khai bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc vào cuối năm nay sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giao thông, giao thương cho người dân Nam Định. Hiện nay, người dân tại hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (Nam Định) đang ngày đêm qua sông Ninh Cơ phải “lụy” đò và luôn hy vọng sớm có cầu Thịnh Long nối liền hai bờ sông Ninh Cơ. Được biết, dự án cầu Thịnh Long sử dụng nguồn vốn ODA của EDCF (Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) đang trong giai đoạn thống nhất các thủ tục đầu tư, với tổng vốn 60 triệu USD.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 1 (chủ đầu tư dự án - Bộ GTVT) cho hay: Dự kiến, cuối năm 2016, cầu Thịnh Long sẽ được khởi công, sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ bến phà hiện tại, rút ngắn quãng đường từ QL21 đi tỉnh lộ 480 từ 40 - 50 km, giảm thời gian khoảng một tiếng đồng hồ so với việc phải đi qua phà như hiện nay...

Ưu tiên vốn ODA cho công trình thiết yếu

Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung đề án cũng nêu rõ việc ưu tiên vốn để hỗ trợ thực thiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu của đất nước, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển, làm chất xúc tác để thu hút đầu tư trong và ngoài nước và giải quyết ùn tắc, quá tải.

Theo đề án, 23 dự án giao thông trọng yếu vốn ODA được đề xuất đầu tư mới gồm: 5 dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới, 4 dự án vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, 8 dự án vốn vay Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản, 4 dự án vốn vay EDCF và 2 dự án vốn vay Trung Quốc. Trong số này, có thể thấy các dự án vô cùng thiết yếu đối với các địa phương hiện nay như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, xây dựng cơ sở hạ tầng cảng hàng không Long Thành...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách và Trái phiếu Chính phủ còn hạn hẹp, việc triển khai hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT hiện nay. Đối với những dự án ODA đang triển khai, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình theo yêu cầu nhà tài trợ. Để chuẩn bị cho các dự án mới, các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đều phải có người chuyên trách về dự án ODA, hiểu sâu về các trình tự, thủ tục thực hiện cam kết về vốn, cơ chế chính sách, nhằm giải ngân vốn ODA đúng địa chỉ, minh bạch.

Theo Đăng Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên