MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza: Cuộc đua 'tam mã' khốc liệt trên thị trường bỉm sữa 7 tỷ USD

07-06-2018 - 10:54 AM | Doanh nghiệp

Trái ngược với thị trường sản phẩm chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp ngoại hoặc nhập khẩu thì thị phần phân phối lại nằm trong tay doanh nghiệp nội, chuỗi các cửa hàng mẹ và bé thương hiệu nước ngoài hiện chỉ lác đác với quy mô khá khiêm tốn.

Bỉm, sữa, đồ chơi, xe đẩy…đều của doanh nghiệp ngoại

Một báo cáo nghiên cứu thị trường năm 2015 của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi cao nhất khu vực Đông Nam Á (12%) và gấp hơn hai lần mức trung bình toàn cầu là 5%. Hơn 19% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi so với mức 9% toàn cầu. Chính vì vậy Việt Nam cũng được xem là thị trường tiêu thụ tiềm năng với các mặt hàng mẹ và bé.

Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza: Cuộc đua tam mã khốc liệt trên thị trường bỉm sữa 7 tỷ USD - Ảnh 1.

Đơn cử như các mặt hàng bỉm, theo hãng phân tích P&S, thị trường tã bỉm toàn cầu được dự báo đạt 52,7 tỷ USD trong năm 2015, 76,5 tỷ USD vào năm 2022 và đạt mức tăng trưởng CAGR ở mức 5,5% giai đoạn 2016-2022.

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng dân số tại các nước phát triển chững lại nhưng việc sử dụng tã giấy vẫn gia tăng tính theo chi tiêu bình quân đầu người cùng với xu hướng chú trọng đầu tư cho sức khỏe thế tiếp theo. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, thậm chí còn là thị trường tiềm năng của nhiều hãng sản xuất tã bỉm trên thế giới từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc,...

Bên cạnh đó, tâm lý luôn lựa chọn những gì tốt nhất cho con của các ông bố bà mẹ trẻ tại các đô thị Việt Nam cũng là yếu tố khiến trị trường đầy tiềm năng nhưng cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng. Hiện trên thị trường có hàng chục nhãn hàng tã giấy trẻ em với giá cả từ 100-500 nghìn đồng.

Mặc dù có nhiều nhãn hàng xuất hiện tuy nhiên hiện gần 80% thị trường nằm chủ yếu trong tay 3 doanh nghiệp ngoại gồm Unicharm (thông qua việc mua lại công ty Diana ) chiếm 36%, Kimberly-Clark với 28% và Procter & Gamble với 15%. Đây cũng là những công ty đứng đầu ngành này trên thế giới.

Hay xét đến mặt hàng khác như xe đẩy cho trẻ em, hiện phần lớn vẫn là các thương hiệu nước ngoài từ Seebaby, Farlin, Combi,.. có giá từ vài trăm đến trên dưới 5 triệu. Thị trường này cũng rất khó để tìm được thương hiệu nào đến từ Việt Nam như Babyboo của nhựa Song Long.

Nhưng để đến tay các mẹ bỉm sữa đều nhờ doanh nghiệp nội

Trái ngược với thị trường sản phẩm chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp ngoại hoặc nhập khẩu thì thị phần phân phối lại nằm trong tay doanh nghiệp nội, chuỗi các cửa hàng mẹ và bé thương hiệu nước ngoài hiện chỉ lác đác với quy mô khá khiêm tốn.

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch của hệ thống cửa hàng mẹ và bé Bibomart từng tiết quy mô của thị trường mẹ và bé tại Việt Nam đã vượt qua 7 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với số liệu Công ty nghiên cứu thị trường FTA ước tính cách đây 3 năm. Với việc ung dung chia nhau thị phần lớn này cùng tiềm năng tăng trưởng tốt khiến các doanh nghiệp ngành này nhận được sự đầu tư ủng hộ của các quỹ đầu tư.

Mới đây, VI Group công bố rót vốn vào hệ thống cửa hàng Kids Plaza để trở thành cổ đông thiểu số nhưng không tiết lộ chi tiết về con số đầu tư. Hay mới đây Bibomart cũng nhận được khoản đầu tư từ ACA Investments (thuộc tập đoàn Sumitomo- Nhật Bản). Trong khi đó chuỗi cửa hàng Con Cưng nhận được sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II.

Xét về quy mô, hiện chuỗi Con Cưng đứng đầu thị trường với 288 cửa hàng với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng Toy City. Được thành lập từ năm 2011, Con Cưng tập trung chủ yếu ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu giai đoạn đánh mạnh vào thị phần khi liên tục mở rộng địa bàn. Chỉ riêng số mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số cửa hàng mở ra trong 5 năm trước.

Mạnh ở thị trường miền Bắc, Bibomart được thành lập 2006 với số vốn khởi nghiệp 130 triệu đồng vốn, 10 năm sau được định giá lại ở mức 142 triệu USD với doanh thu trên 100 triệu USD và hệ thống 150 cửa hàng. Theo chia sẻ của nhà sáng lập chuỗi cửa hàng này, Bibomart có những nhân sự tư vấn cao cấp có kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ quốc tế đến từ Walmart.

Đứng thấp nhất về cả số siêu thị lẫn quy mô mỗi cửa hàng, Kids Plaza - đơn vị mới nhận khoản đầu tư từ VI Group, hiện có 74 cửa hàng tại 7 thành phố, trong đó hai phần ba tập trung tại Hà Nội.

"Quyết định thành công của một chuỗi không phải nằm ở quy mô mà ở vấn đề có 'quản' được không", ông Lưu Anh Tiến, thành viên sáng lập của Con Cưng nói và cho rằng hiện không nhiều công ty có thể "quản" được quy mô trên 200 cửa hàng.

Trong một cuộc tọa đàm gần đây, bà Phương cũng từng chia sẻ nhân sự cũng là 1 trong 3 thách thức luôn được bà Phương chỉ ra để duy trì sự tăng trưởng cho công ty. Theo đó thách thức thứ 1 là làm gì, thứ 2 là làm như thế nào, thứ 3 là ai là người làm.

Với tiềm năng tăng trưởng tới hai con số mỗi năm, cuộc chạy đua tam mã trong thị trường phân phối tỷ đô này hứa hẹn nhiều điều thú vị cũng như khốc liệt cạnh tranh cũng như không loại trừ khả năng nhòm ngó bành trướng của các doanh nghiệp ngoại lắm tiền nhiều bạc.


Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên