MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghệ thế kỷ 21 đánh bại kịch bản đảo chính cũ rích

17-07-2016 - 20:03 PM | Tài chính quốc tế

Giới chuyên gia nhận định cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ được lên kịch bản kỹ lưỡng và có yếu tố bất ngờ, song nó hoàn toàn dựa trên mô típ cũ rích của những cuộc đảo chính trong thập niên 1970.

Khi một nhóm các tướng tá quân đội tiến hành lật đổ chính phủ và Tổng thống Erdogan tối ngày 15-7, họ chuẩn bị sẵn tâm lý đây là cuộc chiến cuối cùng.

Gareth Jenkins, một nhà nghiên cứu quân sự tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Cuộc đảo chính được lên kế hoạch khá tốt nhưng dường như lấy ý tưởng từ những quyển sách của thập niên 1970”.

Chuyên gia này nhận định nhìn nó giống như cuộc đảo chính ở Chile năm 1973 hay tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1980 hơn là một cuộc đảo chính ở một quốc gia phương Tây hiện đại năm 2016.

Lợi dụng lúc Tổng thống đi nghỉ mát, lực lượng đảo chính phát động cuộc binh biến. Họ chiếm giữ các sân bay chính, phong tỏa cây cầu chiến lược Bosphorus ở Istanbul, triển khai xe tăng tới Quốc hội, trấn giữ các nút giao thông chủ chốt tại thủ đô Ankara.

Họ lên truyền hình quốc gia TRT tuyên bố kiểm soát chính quyền, ban bố lệnh giới nghiêm và cảnh báo người dân ở nhà.

Nhưng họ đã phạm sai lầm lớn.

Họ không bắt được bất kỳ lãnh đạo nào của đảng cầm quyền AK. Họ chiếm đài truyền hình quốc gia nhưng không ngăn nổi các đài truyền hình tư nhân tiếp tục phát sóng.

Họ để tín hiệu di động và các mạng xã hội tiếp tục hoạt động để rồi sau đó trên Facebook, Twitter tràn ngập các hình ảnh về cuộc đảo chính do họ đạo diễn.

Nói với Reuters, một nhân viên của đài truyền hình CNN Turk tại Thổ Nhĩ Kỳ kể lại: “Chỉ có nỗi sợ hằn lên trong mắt những người lính trẻ, không hề có sự tận tâm. Họ yêu cầu chúng tôi ngưng phát sóng, nhưng chúng tôi nói không thể làm điều đó được.

Họ thậm chí còn không biết phải làm thế nào để ngừng phát sóng, vậy là toàn bộ phim trường trống không được truyền hình trực tiếp cho đến khi chúng tôi giành lại quyền kiểm soát”.

Tổng thống Erdogan, người gần đây bị chỉ trích vì can thiệp quá nhiều vào báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội, cùng các cộng sự sử dụng chính những công cụ này nhanh chóng kêu gọi, tập hợp những người ủng hộ xuống đường chống lại phe đảo chính.

Sử dụng ứng dụng FaceTime, ông Erdogan trực tiếp phát đi lời kêu gọi trên kênh truyền hình CNN Turk.

20 phút sau cuộc đảo chính, trên Twitter, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tố cáo cuộc binh biến và khẳng định tham mưu trưởng quân đội không ủng hộ đảo chính.

Lịch sử từng chứng kiến mục sư Tin Lành Martin Luther sử dụng báo in để tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chống lại Công giáo La Mã; đã từng nghe đoạn băng ghi âm của giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini được lan truyền rộng rãi ở Iran trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Ngày nay, sự bùng nổ của các mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó gây khó khăn cho các chính phủ trong việc quản lý, mặt khác nó là công cụ hiệu quả nhất phổ biến thông tin một cách nhanh chóng tới hàng triệu người.

Trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, lưỡi dao hướng về phía quân nổi dậy. Rất nhanh sau khi phe đảo chính tuyên bố kiểm soát tình hình trên đài truyền hình quốc gia TRT, các trợ lý của Tổng thống Erdogan gửi đi các thông điệp đến người dân và cộng đồng quốc tế rằng Tổng thống vẫn an toàn và không bị quản thúc.

Lãnh đạo ba đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chẳng ưa gì các đảng cầm quyền của Tổng thống Erdogan, cũng lên mạng xã hội, phát đi các thông điệp lên án và chống lại cuộc đảo chính.

Sức mạnh công nghệ, quyền lực nhân dân góp phần khiến cuộc đảo chính kết thúc trong thất bại.

Theo Duy Linh

Tuổi trẻ

Trở lên trên