MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty mẹ JVC đã có lãi sau 2 năm lỗ liên tiếp

24-06-2018 - 13:17 PM | Doanh nghiệp

JVC đã trích lập dự phòng hết khoản phải thu ngắn hạn và khoản tạm ứng tồn đọng từ thời ban lãnh đạo trước.

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã chứng khoán JVC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng năm tài chính năm 2017 – 2018 cho kỳ kế toán bắt đầu từ 1/4/2017 và kết thúc vào 31/3/2018 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam với kết quả kinh doanh đã có lãi sau 2 năm lỗ liên tiếp.

Doanh thu cả năm đạt 533,6 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm trước đó, trong đó có gần 387 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng, tăng 49 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn lại là 115,6 tỷ đồg doanh thu được chia từ các dự án liên kết thiết bị y tế và 34,5 tỷ đồng doanh thu cung cấp dịch vụ.

Công ty mẹ JVC đã có lãi sau 2 năm lỗ liên tiếp - Ảnh 1.

Trong tổng số hơn 109 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, thì riêng hoạt động bán hàng đã đóng góp hơn 80 tỷ đồng.

Nếu tính riêng từ hoạt động kinh doanh, năm tài chính 2017-2018 JVC lỗ hơn 14 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 36 tỷ đồng). Nhờ có gần 32 tỷ đồng thu nhập khác, trong đó có 28,5 tỷ đồng là chi phí hỗ trợ, hàng biếu tặng và thưởng từ nhà cung cấp, nên kết quả JVC báo lãi sau thuế hơn 15,28 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp báo lỗ dù chưa hoàn thành kế hoạch được giao (19 tỷ đồng LNST).

Tính đến 31/3/2018 JVC vẫn còn lỗ lũy kế hơn 1.048 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 498 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 1.125 tỷ đồng. Về tiền và tương đương tiền, ngoài 12,5 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, JVC cũng có thêm khoản tiền 21 tỷ đồng gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.

BCTC kiểm toán của công ty thể hiện JVC đã trích lập dự phòng hết khoản tiền phải thu ngắn hạn của khách hàng khoảng 260 tỷ đồng và khoản mục phải thu ngắn hạn khác là số tiền tạm ứng khoảng 17,3 tỷ đồng tồn đọng lâu ngày (các số dư này không biến động kể từ thời điểm 31/3/2016).

Khoản này trước đó công ty đã có giải trình là các khoản công nợ liên quan đến BGĐ tiền nhiệm, nên công ty cũng không nhận được thư xác nhận nợ. Kể cả khoản tiền tạm ứng cho CBCNV cũng phát sinh trong giai đoạn BGĐ tiền nhiệm điều hành nên công ty không nhận được thư xác nhận cho số dư tạm ứng này.

Trên BCTC kiểm toán năm 2017 kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc công ty trích lập dự phòng các khoản này, đồng thời cũng xác nhận không thu thập được chứng cứ xác minh con số cụ thể các khoản giá trị dự phòng tương ứng nên không xác định được có phải điều chỉnh số liệu hay không.  

Nguyên Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên