MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Phú Mỹ Hưng "mập mờ" khi yêu cầu dân đóng tiền sử dụng đất?

15-12-2017 - 08:21 AM | Bất động sản

Sự việc tranh chấp tiền sử dụng đất giữa Công ty Phú Mỹ Hưng với người mua nhà đã “bùng phát” từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân cho rằng, giá nhà họ mua thời điểm chuyển nhượng đã bao gồm cả tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư có trách nhiệm phải đóng cho Nhà nước.

Nhiều người dân khiếu kiện kéo dài

Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Huy (ngụ chung cư Mỹ Viên, phường Tân Phú, quận 7) nhận được bản án số 358/2017/DS-ST ngày 29/9/2017 của TAND quận 7, TP HCM.

Theo đó, bản án đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Huy, buộc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (sau đây gọi tắt là Công ty Phú Mỹ Hưng – bị đơn) nộp tiền sử dụng đất đối với căn hộ chung cư Mỹ Viên do ông mua của Công ty này từ năm 2005. Ông Huy cho biết, ông đã kháng cáo bản án trên.

Có thể nói, tranh chấp giữa ông Huy và Công ty Phú Mỹ Hưng không phải là trường hợp đầu tiên. Dư luận vẫn còn nhớ từ năm 2009, rất nhiều hộ dân mua nhà của công ty này đã khiếu kiện gay gắt cũng liên quan đến tiền sử dụng đất.

Các hộ dân cho rằng, trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất là do chủ đầu tư. Tuy nhiên, Công ty Phú Mỹ Hưng lại cho rằng trách nhiệm thuộc về người mua nhà. Chính vì vậy, cư dân đã bỏ tiền mua nhà của công ty này rồi, nhưng muốn được cấp giấy chủ quyền thì phải đóng thêm tiền sử dụng đất.

Theo ông Huy cho biết, số tiền sử dụng đất mà cư dân trước đây phải đóng không hề nhỏ. Có hộ vài chục triệu, có hộ vài trăm triệu nhưng cũng có trường hợp phải đóng tiền tỷ. Do vậy hiện nay, ngoài ông Huy, vẫn còn một số hộ dân khác vẫn đang kiện Công ty Phú Mỹ Hưng cũng về vấn đề trên.

Ngoài ông Huy, TAND quận 7 cũng đã ra Thông báo thụ lý vụ kiện của ông Nguyễn Hồng Ánh đòi Phú Mỹ Hưng phải nộp tiền sử dụng đất.

Như trường hợp ông Nguyễn Hồng Ánh (ngụ Chung cư Mỹ Viên, phường Tân Phú, quận 7) ký Hợp đồng mua căn hộ với Công ty Phú Mỹ Hưng vào năm 2008 với giá 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ông Ánh vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Theo ông Ánh, lý do vì Công ty Phú Mỹ Hưng yêu cầu ông kê khai và nộp tiền sử dụng đất mới tiến hành làm các thủ tục cấp giấy chủ quyền.

Ông Ánh cho biết, nếu chấp nhận thì số tiền sử dụng đất mà ông phải đóng vào năm 2009 khoảng 500 triệu đồng. Không đồng ý với yêu cầu trên, ông Ánh đã khởi kiện Công ty Phú Mỹ Hưng tại TAND quận 7 và đã được tòa ra thông báo thụ lý ngày 11/5/2017.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc kiện yêu cầu Công ty Phú Mỹ Hưng đóng tiền sử dụng đất còn có trường hợp kiện yêu cầu công ty này trả lại tiền sử dụng đất mà người dân đã đóng.

Giá nhà thời điểm bán đã bao gồm thuế đất?

Theo ông Huy và một số hộ mua nhà chung cư của Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, việc bắt người mua nhà đóng tiền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật và trái với Quyết định của UBND TP HCM ban hành về quy định cơ chế và phương thức kinh doanh của Công ty Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể, vào thời điểm từ năm 1993 (Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập) đến năm 2002, pháp luật nước ta chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài hoạt động bán nhà hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã phát triển hạ tầng.

Người dân đã nộp tiền sử dụng đất lại kiện Công ty Phú Mỹ Hưng ra tòa yêu cầu trả lại tiền sử dụng đất, tòa đang thụ lý.

Đến ngày 1/2/2002, Chính phủ mới ra văn bản số 134/CP-QHQT cho phép Công ty Phú Mỹ Hưng bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã phát triển hạ tầng.

Tiếp đó ngày 8/10/2002, UBND TP HCM ra Quyết định số 112/2002/QĐ-UB, về ban hành quy định cơ chế và phương thức kinh doanh của Công ty Phú Mỹ Hưng. Tại Quyết định này, UBND thành phố đã cho phép Công ty Phú Mỹ Hưng được phép tiến hành các hoạt động như kinh doanh đất có hạ tầng và đầu tư trong 5 cụm phát triển A,B,C,D,E tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khu Nam TP HCM).

Theo điều 6 của Quyết định trên quy định Công ty Phú Mỹ Hưng có nghĩa vụ: “6.1 -Thực hiện thủ tục thuê nhà ở, bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất ở, nghĩa vụ tài chính của công ty liên doanh theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố; 6.2 - Công ty liên doanh có trách nhiệm nộp vào ngân sách tiền sử dụng đất do bán nhà, do chuyển nhượng đất có hạ tầng theo quy định tại điểm 6.1, điều 6 của bản quy định này”.

Trước sự việc tranh chấp gay gắt giữa cư dân mua nhà và Công ty Phú Mỹ Hưng, ngày 2/12/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công văn số 2187/TTg-KTN xác định: Công ty Phú Mỹ Hưng có trách nhiệm thu và nộp cho nhà nước tiền sử dụng đất nhưng phải phù hợp với các Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo ông Huy cũng như phần lớn các cư dân mua nhà chung cư của Công ty Phú Mỹ Hưng cho rằng Công văn số 2187/TTg-KTN ngày 2/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ được hiểu: Đối với Công ty Phú Mỹ Hưng, trường hợp ký hợp đồng mua bán nhà ở trước ngày 16/11/2004 (ngày Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ có hiệu lực thi hành), thì việc nộp tiền sử dụng đất phải thực hiện theo Quyết định số 112/2002/QĐ- UBND ngày 8/11/2002 của UBND TPHCM. Nghĩa là, Công ty Phú Mỹ Hưng có trách nhiệm nộp vào ngân sách tiền sử dụng đất do bán nhà ở, do chuyển nhượng đất có hạ tầng.

Hàng loạt người dân tại chung cư Mỹ Viên đang kiện Công ty Phú Mỹ Hưng yêu cầu đóng tiền sử dụng đất.

Trường hợp ký hợp đồng mua bán nhà ở từ ngày 16/11/2004 đến trước ngày 1/7/2007 (ngày Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành), thì việc nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại điều 81 – Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.

Có nghĩa, Công ty Phú Mỹ Hưng phải nộp cho Nhà nước số tiền chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đã trả cho Nhà nước.

Nhiều người chưa được cấp chủ quyền

Theo thông tin do Công ty Phú Mỹ Hưng cung cấp, riêng cụm nhà Chung cư Mỹ Viên có 170 căn (150 căn hộ và 20 căn Shop).

Đến nay có 143 căn đã được cấp Giấy chứng nhận, có 02 căn đã hoàn tất thủ tục và đang chờ được cấp Giấy chứng nhận; 05 trường hợp khách hàng chưa nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận; số còn lại đã có quyết định giao đất nhưng chưa ký tờ khai thuế hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Còn trường hợp ký hợp đồng mua bán nhà ở từ ngày 1/7/2007 trở về sau thì thực hiện theo quy định tại điều 32 – Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng) phải nộp tiền thuê đất. Số tiền thuê đất phải nộp một lần để được sử dụng đất. Số tiền phải nộp bằng số tiền sử dụng đất phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở hoặc theo giá đất trúng đấu giá. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở được sử dụng ổn định lâu dài và không phải nộp khoản tiền chênh lệch giữa đất thuê và đất sử dụng ổn định lâu dài.

“Như vậy, có thể thấy cả 3 trường hợp, quy định của pháp luật đều yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất, người mua nhà không phải nộp tiền sử dụng đất hay khoản chênh lệch nào khác.

Nếu người mua nhà phải đóng thêm tiền sử dụng đất thì chẳng khác nào người mua nhà tốn tiền 02 lần, vì tiền sử dụng đất đã tính trong giá bán căn hộ mới có giá bán như vậy. Cụ thể, ngay trong hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng, Công ty Phú Mỹ Hưng cũng khẳng định Công ty là chủ sở hữu ngôi nhà và có quyền sử dụng đất”, ông Huy phân tích.


Một góc chung cư Mỹ Viên.

Một góc chung cư Mỹ Viên.

Trong khi đó, Công ty Phú Mỹ Hưng lại cho rằng Công văn số 2187/TTg-KTN của Thủ tướng cũng nêu rõ: “Căn cứ vào thông báo của Cơ quan Thuế, Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Phú Mỹ Hưng có trách nhiệm thu của khách hàng tiền sử dụng đất phù hợp với văn bản pháp luật trong từng trường hợp nêu trên để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; số tiền phải nộp được tính tại thời điểm công ty ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng; giá đất để tính thu tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành và công bố hàng năm. Việc nộp tiền sử dụng đất của các trường hợp nêu trên phải hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2011” để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất của người mua nhà.

“Cơ quan chức năng cần làm rõ cơ cấu mức giá bán nhà của Công ty Phú Mỹ Hưng cho khách hàng lâu nay thì sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Nếu không bao gồm tiền sử dụng đất được Công ty Phú Mỹ Hưng tính trong đó thì giá bao nhiêu và ngược lại.

Vì xét về giá bán căn hộ chung cư của Công ty Phú Mỹ Hưng cho cư dân, cụ thể ở đây là căn hộ ông Huy, ông Ánh có giá rất cao tại thời điểm năm 2005. Nhìn vào điều kiện căn hộ, cư dân sẽ nghĩ ngay giá bán đã bao gồm tiền sử dụng đất trong đó.

Điều này cũng hợp lý vì Công ty Phú Mỹ Hưng đã đóng đủ tiền thuê đất cho nhà nước 50 năm rồi. Như vậy, việc bắt người mua nhà đóng tiền sử dụng đất thêm lần nữa là có dấu hiệu bất thường” - theo Luật gia Nguyễn Thạc Hiếu.

Theo Kiến Dân

Pháp luật Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên