MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 lại giáng đòn vào BĐS du lịch, liệu đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu có trở thành cú hích mới?

31-07-2020 - 09:45 AM | Bất động sản

Có thể nói thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang gặp thế "khó chồng khó", ngành du lịch phục hồi trở lại chưa được bao lâu thì nay dịch Covid-19 quay lại khiến thị trường này tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc mới đây một số cơ quan, bộ ngành đề xuất giải pháp cho người nước ngoài mua BĐS du lịch đang mở ra thêm động lực mới cho phân khúc này.

Tạo động lực mới cho thị trường BĐS du lịch

Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), cả nước hiện có khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án BĐS du lịch tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… với tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án ước khoảng 100.000 tỉ đồng.

Sự phát triển mạnh mẽ các dự án condotel nói riêng, BĐS nghỉ dưỡng nói chung trong hơn 10 năm qua, đã đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong các năm gần đây, lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế. Riêng năm 2019, ngành du lịch cả nước đã phục vụ hơn 85 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trước đại dịch Covid-19).

Theo HoREA, những năm qua đã có tình trạng phát triển nóng các dự án BĐS nghỉ dưỡng, nhất là condotel nhưng chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững. Đặc biệt, hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu "cung" vượt "cầu" đối với loại hình BĐS này.

Covid-19 lại giáng đòn vào BĐS du lịch, liệu đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu có trở thành cú hích mới? - Ảnh 1.

Không chỉ gặp khó do nguồn cung có hiện tượng cao hơn cầu, pháp lý chưa rõ ràng, lợi nhuận của NĐT chưa được đảm bảo từ các cam kết…phân khúc BĐS du lịch Việt Nam còn bị "giáng" đòn đau do dịch Covid-19. Mới có dấu hiệu hồi phục trở lại vài tháng gần đây thì mới đây, dịch Covid-19 này lại tái phát ở một số địa phương, đặc biệt tại thị trường truyền thống về du lịch là Đà Nẵng. Điều này cho thấy, thị trường BĐS du lịch có thể sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn chồng khó khăn.

Nhìn từ các số liệu báo cáo về thị trường BĐS du lịch để thấy sự tàn khốc của dịch Covid-19 đến phân khúc này như thế nào. Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills Việt Nam, thị trường BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Công suất phòng giảm 36 điểm phần trăm theo năm xuống 32% trong khi giá phòng giảm 13% theo năm xuống 74USD/phòng/đêm. Trong đó, phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.

Còn theo Sở du lịch Tp.HCM, lượng khách quốc tế tại thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, hiện nay phân khúc BĐS du lịch đang gần như ngủ đông do những hệ lụy phát triển từ trước đó và bị tác động bởi dịch Covid-19 đến ngành du lịch nói chung. Nếu không có động thái mới hoặc những cú hích thì phân khúc này sẽ còn ngủ đông kéo dài.

Vì thế, nếu như người nước ngoài được phép mua BĐS du lịch tại Việt Nam thì có thể coi như một cú hích tích cực và sẽ thấy trước mắt một số tác động khả quan như: Đa dạng nguồn khách cho chủ đầu tư, giảm bớt các áp lực trông đợi nguồn khách nội địa; Kích thích BĐS du lịch phát triển tích cực hơn trong bối cảnh hiện nay đang có nhiều thách thức khó khăn, kể cả do yêu cầu của thị trường thì vấn đề pháp lý và quản lý của Nhà nước cũng phải phát triển theo.

Song song đó, theo ông Hoàng, điều này còn thúc đẩy BĐS du lịch và nền du lịch sôi động, phát triển hơn. Đồng thời, thị trường BĐS nói chung sẽ mang tầm vóc hội nhập cạnh tranh quốc tế hơn.

Là cách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam là một cách để kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả. "Chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam, hà cớ gì cấm người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam, bao gồm cả BĐS du lịch", ông Khương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc sở hữu BĐS du lịch của người nước ngoài cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp tạo nên tổ hợp ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia hoặc các vị trí xung yếu.

Một số chuyên gia trong ngành cũng đồng tình với đề xuất cho tổ chức, cá nhân người mua nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam khi cho rằng, đó là cơ hội tốt để thu hút vốn từ nước ngoài đổ về Việt Nam, phát triển mạnh hơn nữa ngành du lịch, từ đó kéo theo ngành kinh doanh khác như dịch vụ, sản xuất, ăn uống...

Covid-19 lại giáng đòn vào BĐS du lịch, liệu đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu có trở thành cú hích mới? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, việc này sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam đa dạng nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng vì thu hút dòng vốn đầu tư cá nhân của người nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cho người nước ngoài mua BĐS du lịch còn có hiệu quả là các dự án sẽ được đầu tư chất lượng tốt hơn, minh bạch hơn, quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, theo vị chuyên gia này việc cho phép bán BĐS cho người nước ngoài cần có sự kiểm soát là việc cơ bản bắt buộc phải làm dù ở bất kỳ quốc gia nào. Việc kiểm soát để đảm bảo nhiều yếu tố như: Tránh sự áp đảo về sức mua của người nước ngoài làm lũng đoạn thị trường; Không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khách nước ngoài; Hình thức hoạt động rõ ràng, tránh thất thoát hoặc lợi dụng làm việc bất hợp pháp (Ví dụ: chỉ giao cho chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành khai thác, không được dùng để ở; các nghĩa vụ tài chính như thuế TNCN; quy định về chuyển nhượng;…); vấn đề an ninh quốc gia.

Một hình thức xuất khẩu tại chỗ nhưng không làm thay đổi bản chất vấn đề

Theo các chuyên gia, thực ra đầu tư BĐS nói chung, BĐS du lịch nói riêng là đầu tư về tài chính (mua căn hộ/căn nhà/BĐS du lịch rồi giao lại cho chủ đầu tư/đơn vị quản lý khai thác cho thuê, lợi nhuận theo hiệu quả hoạt động).

Vì thế, việc cho người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam cũng là hình thức xuất khẩu tại chỗ. BĐS là tài sản giá trị lớn, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Hình thức sở hữu này cũng được xem là lưu trú tại Việt Nam, miễn sao chúng ta kiểm soát tốt vấn đề an ninh chính trị.

Trả lời trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thực chất các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, vì thế thu hút nguồn vốn này để hoàn thiện hạ tầng cho ngành du lịch. Nên để người nước ngoài mua dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel và biệt thự nghỉ dưỡng, nhưng không làm thay đổi bản chất dự án đó. Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng người nước ngoài mua cũng không thể tách rời khỏi dự án, buộc phải tham gia kinh doanh cùng dự án.

Covid-19 lại giáng đòn vào BĐS du lịch, liệu đề xuất cho người nước ngoài mua và sở hữu có trở thành cú hích mới? - Ảnh 3.

Theo đó, việc chuyển nhượng các loại hình BĐS nghỉ dưỡng như condotel và biệt thự nghỉ dưỡng cho người nước ngoài nếu quản lý được thì không có gì lớn. Đây là đất dự án nghỉ dưỡng nên nó không ảnh hưởng quá lớn.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai trả lời trên báo chí trước đó cũng cho hay, nên ủng hộ đề xuất bán BĐS nghỉ dưỡng, trong đó có condotel và biệt thự nghỉ dưỡng cho người nước ngoài, trừ những khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh. Chúng ta khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì cũng phải khuyến khích họ kinh doanh, kể cả kinh doanh chỗ ở. Tuy nhiên, việc nới quy định mua nhà ở, mua BĐS nghỉ dưỡng với người nước ngoài cần có đánh giá tổng thể nhu cầu thực tế của người nước ngoài tại Việt Nam để nới với tỉ lệ phù hợp.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên